Theo ghi nhận từ Nielsen Korea, bộ phim chạm mốc rating 3,9% trong tập phát sóng đầu tiên. Mặc dù không bùng nổ rating như đối thủ từ tvN là Jeongnyeon: The Star Is Born, bộ phim vẫn đạt những thành tích ấn tượng trên nền tảng phát trực tuyến Netflix. Hiện tại, phim đang đứng đầu bảng xếp hạng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hành trình khởi nghiệp và cuộc cách mạng 19+
Dựa trên loạt phim truyền hình của Anh Quốc là Brief Encounters, Người Bán Hàng Cần Mẫn đưa khán giả vào thế giới tưởng chừng bình yên của vùng đất cổ kính Geumje, một thị trấn nông thôn. Nhân vật chính, Han Jung Sook, từng là một cựu “Hoa hậu Ớt Geumje”, sở hữu nhan sắc xinh đẹp và tính cách hiền lành, duyên dáng. Hồng nhan bạc phận, cô kết hôn với một người đàn ông thất bại, rượu chè và không có ý chí phấn đấu. Mỗi ngày trôi qua, Jung Sook chỉ tập trung vào những lo toan thường nhật như tiền thuê nhà và cặp sách cho con trai, cô không có ước ao hay hoài bão nào cho riêng mình.
Khá tương đồng với hình ảnh của nhân vật Jeong Nyeon trong bộ phim ra mắt cùng thời điểm và cùng theo đuổi đề tài nữ quyền là Jeongnyeon: The Star Is Born, hành trình của Jung Sook cũng xuất phát từ những khó khăn về gia cảnh, nhưng chính khát vọng thay đổi cuộc sống đã biến cô thành người tiên phong phá bỏ định kiến. Hai nhân vật đều đại diện cho những người phụ nữ mạnh mẽ, quyết tâm thay đổi số phận của mình, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh.
Với hoài bão khởi nghiệp, cô đã quyết định mở đường cho mình bằng cách bán các sản phẩm hỗ trợ chị em trong chuyện tình dục. Tuy nhiên, giữa một vùng quê bảo thủ năm 1992, thời kỳ mà những chủ đề liên quan đến tình dục vẫn còn bị xem là cấm kỵ và không đứng đắn, cô phải đối mặt với sự phản đối và khinh miệt từ chính cộng đồng.
Người Bán Hàng Cần Mẫn đã vẽ nên một bức tranh chân thực về cuộc sống của người phụ nữ giữa những năm 90. Phim tập trung vào bi kịch của Han Jung Sook và làm nổi bật những áp lực mà nhiều phụ nữ phải đối mặt trong một xã hội đầy định kiến khắt khe.
Trong đó, Geum Hui, một người phụ nữ trí thức, đã rời bỏ cuộc sống thành phố nhộn nhịp để về nông thôn, nhưng sớm nhận ra cuộc sống của mình trở nên đơn điệu và cô quạnh. Để tìm lại bản thân, cô quyết định sử dụng ngôi nhà của mình cho Jung Sook bán hàng, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cô và cùng cô dấn thân vào cuộc phiêu lưu khởi nghiệp đầy dí dỏm nhưng không kém kịch tính.
Young Bok, người mẹ của bốn đứa con cũng phải đối mặt với không ít gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng với tâm thế lạc quan, cô tìm thấy niềm vui trong công việc và khuyến khích Jung Sook vượt qua những e dè, ngượng ngùng ban đầu. Ngoài ra còn có Ju Ri, một bà mẹ đơn thân xinh đẹp với một tiệm làm tóc nhỏ, làm việc chăm chỉ để xây đắp tương lai cho con, cũng là biểu tượng cho nghị lực và quyết tâm của tình mẫu tử.
BÀI LIÊN QUAN
Điểm nhấn của Người Bán Hàng Cần Mẫn là mối quan hệ bền chặt giữa bốn người phụ nữ. Dù mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ nỗi đau từ những cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Với những tính cách riêng, mang trong mình một câu chuyện riêng, bốn người phụ nữ cùng nhau tạo nên một tập thể đoàn kết. Họ hỗ trợ nhau về mặt tinh thần, vật chất, giúp đỡ nhau trong các quyết định quan trọng, từ việc khởi nghiệp cho đến việc đối mặt với áp lực từ gia đình và cộng đồng. Tình bạn giữa họ trở thành tấm khiên vững chắc trước những chỉ trích và sự miệt thị từ một xã hội vẫn đè nặng bởi sự cổ hủ, gia trưởng.
Định kiến xã hội về chuyện tình dục trong thập niên 90
Mặc dù được đặt trong bối cảnh hơn 30 năm trước, Người Bán Hàng Cần Mẫn vẫn đầy tính thời sự khi đề cập đến các vấn đề về giới tính và tình dục mà phụ nữ ngày nay vẫn phải đối mặt. Bộ phim kết hợp nhiều yếu tố, từ chính kịch đến hài kịch và bày tỏ tham vọng kể câu chuyện lớn về quyền lực phái nữ.
Trong những năm 90, Hàn Quốc mặc dù là đất nước đã trải qua nhiều thay đổi và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài, nhưng những quan niệm lạc hậu về vai trò của phụ nữ vẫn chi phối rất nhiều khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Thời kỳ này, phụ nữ vẫn bị gán cho những vai trò truyền thống, chủ yếu là làm vợ và mẹ. Họ phải chấp nhận một cuộc sống quanh quẩn trong bếp núc, chăm sóc con cái và chồng, trong khi những ước mơ và khát vọng cá nhân bị chôn vùi. Người Bán Hàng Cần Mẫn phản ánh những định kiến thống trị thời kỳ và khéo léo khai thác những xung đột cũng như nỗi đau mà phụ nữ chịu đựng trước tư duy bảo thủ và những phán xét độc hại của xã hội.
Sự phản đối từ cộng đồng là một yếu tố quan trọng mà bộ phim thể hiện rõ nét. Những nhân vật phụ trong phim thường thể hiện sự khinh miệt và xem thường công việc của các nhân vật chính. Họ cho rằng việc kinh doanh này là đáng xấu hổ và đi ngược với hình ảnh của một người phụ nữ truyền thống. Chính sự xung đột này khiến câu chuyện trở nên sâu sắc, khắc họa rõ nét những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong hành trình khám phá bản năng và sự tự do.
Tuy nhiên, yếu tố thú vị là sự đối lập giữa những gì xã hội kỳ vọng và những gì phụ nữ thực sự khao khát. Mặc dù nhiều phụ nữ trong phim thường lên án việc thảo luận về tình dục và sự tự do cá nhân, họ lại âm thầm tò mò và tìm hiểu về các vấn đề này. Họ đọc tạp chí người lớn trong tiệm cắt tóc hay tìm kiếm thông tin về dụng cụ tình dục, nhưng lại không dám thừa nhận công khai và chọn cách tấn công Jung Sook để bảo vệ cái nhìn cổ hủ của mình.
Khai thác câu chuyện định kiến giới và đời sống tình dục vốn là những đề tài tương đối nhạy cảm nhưng không vì thế mà phim trở nên nặng tính giáo hay khó tiếp cận. Thay vào đó, các nhà làm phim đã khéo léo lồng ghép những thông điệp xã hội vào những tình huống hài hước, cảm động và đầy tính giải trí.
Người xem dễ dàng bị cuốn hút bởi sự dí dỏm và tinh tế trong cách xây dựng nhân vật và tình huống. Bằng cách sử dụng yếu tố giải trí để khai thác những chủ đề nặng nề, phim đã tạo ra một không gian an toàn để khán giả có thể tiếp cận và suy ngẫm về những vấn đề này một cách nhẹ nhàng hơn.
Xem thêm
• [Review phim] “The Judge from Hell” – Khi ác quỷ thực thi công lý
• [Review phim] “Heartstopper 3”: Tình yêu không chỉ có gam màu hồng
• [Review phim] “Queen Woo”: Khi quân hậu trở thành nhân vật chính trong ván cờ
Bên cạnh khâu nội dung, Người Bán Hàng Cần Mẫn còn chinh phục thị giác người xem khi khéo léo tái hiện bối cảnh những năm 90 thông qua phong cách thời trang và kiểu tóc độc đáo của thời đại. Sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết trong trang phục và kiểu tóc không chỉ làm cho các nhân vật trở nên sống động hơn mà còn tạo nên một bức tranh sinh động về Geumje cũng như vẻ đẹp đầy hoài niệm của thời kỳ tiền làn sóng Hallyu.
Mặt khác, Người Bán Hàng Cần Mẫn cũng là bộ phim đánh dấu màn lột xác ấn tượng của Kim So Yeon. Ác nữ của Penthouse thành công rũ bỏ hình ảnh của những nhân vật phản diện gắn liền với sự nghiệp của mình trong nhiều năm để mang đến một hình ảnh trầm lặng, trong sáng và hài hước hơn. Kim So Yeon thành công truyền tải nỗi đau của một người mẹ bận rộn không thể chăm sóc con cái chu đáo và sự tổn thương của một người vợ bị phản bội, tạo nên một bữa tiệc trình diễn đa màu sắc và độc đáo.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân