Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em”: Đi xa để gặp chính mình

Mười tám năm trước, dưới ánh sáng của những chiếc đèn trời trên phố Cửu Phần, chàng trai viết: “Tôi hy vọng có thể tìm thấy ước mơ” và cô gái viết: “Tôi hy vọng cuộc hành trình này có thể tiếp tục”. Họ hẹn gặp lại nhau khi cả hai đều theo đuổi được ước mơ của mình. “Thanh xuân 18x2: Lữ trình hướng về em” không chỉ là câu chuyện tình yêu tuổi mới lớn, hành trình về một chàng trai khám phá quê hương của mối tình đầu, đó còn là chuyện về những tâm hồn đã lớn, đang học cách trân trọng và yêu thương chính mình.

Ngay khi vừa ra mắt, Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi và đạt thành tích nổi bật với con số hơn 5.000 vé đặt trước trong ngày đầu phát hành suất chiếu sớm ở phòng vé Việt. Chỉ sau 3 ngày, bộ phim đã thành công chinh phục cột mốc hơn 6 tỷ VNĐ, vượt qua Muốn Gặp Anh (2019) để trở thành quán quân mới của điện ảnh Đài Loan với kỷ lục phim có doanh thu chiếu sớm cao nhất tại Việt Nam. 

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.

thanh xuân 18x2 hứa quang hán
Thanh xuân 18×2 trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi và đạt được nhiều thành tích nổi bật

Thanh xuân 18×2 được lấy cảm hứng từ một hồi ký du lịch mang tên Youth 18 x 2 Japan Slow Train Wanderings, câu chuyện mở đầu ở Đài Loan vào năm 2024. Jimmy (Hứa Quang Hán), một người đàn ông 36 tuổi, bị sa thải khỏi một công ty trò chơi do anh và các bạn cùng lớp đại học thành lập. Quyết định trở về quê hương Đài Nam, tìm thấy một tấm bưu thiếp cũ, anh bồi hồi nhớ lại tuổi trẻ mà anh đã có – Đài Loan của một mùa Hè nắng cháy rực rỡ, trong một tiệm karaoke và một thiếu nữ ngoại quốc 22 tuổi. Ami (Kaya Kiyohara) – một du khách người Nhật, gặp anh khi đang là nhân viên ở tiệm KTV Kobe, cô gái trẻ với nụ cười rạng rỡ đã chiếu sáng cả mùa Hè ảm đạm năm đó của cậu thanh niên 18 tuổi. 

Đến Tokyo để thực hiện công việc cuối cùng của mình, Jimmy bắt đầu hành trình balo đầu tiên trên đất nước Mặt Trời mọc. 

Hứa Quang Hán trong thanh xuân 18x2
Cốt truyện Thanh xuân 18×2 đan xen giữa những chuyến đi và hồi ức.

Câu chuyện cảm xúc về tình đầu và tuổi trưởng thành

Thanh xuân 18×2 được kể theo lối phi tuyến tính, cốt truyện đan xen giữa những chuyến đi và hồi ức của Jimmy với hai dòng chảy quá khứ – hiện tại. Dòng đầu tiên là những trải nghiệm đa dạng về những điều Jimmy nhìn thấy trong suốt cuộc hành trình. Dòng thứ hai đưa khán giả quay trở lại mùa Hè cách đây 18 năm thông qua việc ôn lại những năm tháng thanh xuân đã trôi xa, thấy Jimmy và Ami đi từ gặp gỡ, quen biết đến dần dần phát triển một mối quan hệ ngọt ngào lửng lơ.

Dưới góc nhìn của Jimmy, Ami là cô gái Nhật Bản với nụ cười rạng rỡ khi họ gặp nhau lần đầu. Đó là cô gái ngồi ở ghế sau xe máy cùng anh trong khu chợ đêm Đài Nam, ngắm nhìn thành phố dưới những vì sao và cùng khóc khi xem Love Letter. Dưới góc nhìn của Ami, Jimmy là chàng trai bóng rổ dễ thương và nhút nhát. Đó là chàng trai không dám nắm lấy tay cô trong rạp chiếu phim, không dám bày tỏ và cũng không dám tiến tới ôm cô khi họ chia xa, cũng là chàng trai đã mượn những giai điệu của Mr. Children để át đi tiếng thì thầm của anh rằng xin cô đừng rời đi. Năm 18 tuổi, ngốc nghếch và đơn thuần, không ai đủ dũng cảm nói lên tiếng lòng, để rồi cứ thế, mối tình thanh xuân của họ tan vào hư không, chưa từng có khởi đầu.

câu chuyện tình đầu trong thanh xuân 18x2
Jimmy, Ami đem tới một câu chuyện tình lơ lửng nhưng ngọt ngào.

Đến Nhật Bản 18 năm sau, anh nghe lại những bài hát cũ, gặp gỡ nhiều người và hồi tưởng lại khoảnh khắc hạnh phúc mà cả hai từng có. Lúc này, những mảnh vỡ câu chuyện cấp ba giao nhau với cuộc sống thực. Hành trình của câu chuyện dần dần có mục tiêu: Jimmy muốn tìm thấy chính mình và khởi điểm của anh bắt đầu từ Ami – người đã cho anh những ước mơ để anh trở thành người mà anh đang là. 

Khi anh đứng ở đây, tuổi 36, trên mảnh đất đã nuôi Ami lớn lên, anh trực diện nhìn lại tình yêu của cô và chàng trai ngây thơ ngày ấy, tình yêu mà cả hai đã bỏ lỡ. Sau khi đi qua bóng tối mờ mịt của đường hầm và nhìn thấy ánh sáng, Jimmy dường như trải qua sự đổi thay trong tâm thức, tìm thấy sự giải phóng và tiệm cận hơn với sự chữa lành trong tâm hồn.

Đạo diễn Fujii Michio sử dụng các tông màu đối lập để tách biệt niềm vui và nỗi buồn ở hai thời điểm Hạ – Đông. Điều này giúp người xem chiêm nghiệm bầu không khí lạnh lẽo của mùa Đông Nhật Bản – hiện thân của nỗi cô đơn, và thấy được ánh sáng rực rỡ trong veo của mùa Hè Đài Nam, cũng là màu sắc đầy hoài niệm trong Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, Năm tháng vội vã hay Chúng ta của sau này…

Những khung hình bị cắt đôi bởi màu sắc – màu vàng rực rỡ từ chiếc áo của Koji và bề ngoài trầm lắng của Jimmy – như chia đôi hai con người ở hai lứa tuổi đặc biệt: 18 và 36. Một người xách balo lên để khám phá và một người ra đi để chữa lành. 18 là độ tuổi nhiệt huyết của mùa Hạ, 36 là độ tuổi cô độc của mùa Đông. Hình ảnh của Koji ở tuổi gần 18 trong chiếc áo phao màu vàng giữa một ngày Đông tuyết rơi trắng xóa như hiện thân cho chính tuổi trẻ của Jimmy, một Jimmy cũng gần 18 tuổi, cũng chiếc áo vàng, rong ruổi trên khắp nẻo đường Đài Nam tràn ngập ánh nắng.

Koji và Jimmy thanh xuân 18x2
Hình ảnh Koji gợi liên tưởng tới Jimmy của năm 18 tuổi.

Thanh xuân 18×2 đem đến một nỗi buồn âm ỉ và dai dẳng, dễ khiến người xem liên tưởng tới âm hưởng “mỹ học nỗi buồn” trong phim của Iwai Shunji, đạo diễn của Love Letter, người luôn bị ám ảnh bởi tuổi trẻ, cái chết và tình yêu trong các bộ phim của mình. 

Bức tranh giao thoa hai nền văn hóa

Jimmy 18 tuổi thích văn hóa giải trí Nhật Bản. Cậu là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Slam Dunk và có thể đọc thuộc làu câu thoại trong bộ truyện tranh nổi tiếng những năm 1990 bằng giọng điệu hơi vụng về. Cậu yêu Nhật Bản và học được một chút tiếng Nhật đơn giản. Tình yêu đó đem tới cho cậu cơ hội được giao tiếp với Ami. Trong cấu trúc câu chuyện, Thanh xuân 18×2 đã khắc họa được tình yêu kỳ lạ tưởng như không tồn tại giữa hai người đến từ hai xứ sở khác nhau với hai thứ ngôn ngữ độc lập. Từ đây, bộ phim đã vẽ nên bức tranh thanh xuân tuyệt đẹp trên bối cảnh giao thoa hai nền văn hóa Đài Loan, Nhật Bản.

Văn hóa Đài Loan hiện lên trên màn ảnh như xe máy, những khu chợ sôi động dưới ánh đèn về đêm, ngôi chùa cổ kính lưu dấu chân của Jimmy và Ami, ly trà Đài Loan do bố Jimmy pha và đường phố, những chiếc đèn trời bay cao. Đó là một Đài Loan cổ kính, trầm mặc nhưng không kém phần năng động, tràn đầy sức sống, gợi nên nỗi buồn hoài cổ.

Jimmy và Ami
Bộ phim đan xen kể câu chuyện tình trên hai hành trình và hai nền văn hóa riêng biệt.

Nếu ở Đài Loan, hành trình của Jimmy gắn liền với những chiếc xe máy thì ở Nhật Bản, chuyến đi của anh bắt đầu từ những chuyến tàu. Trong văn học Trung Hoa đương đại, những con tàu thường gắn liền với hình ảnh tuổi trẻ. Bạn có thể đi qua nhiều chuyến tàu, nhưng mỗi chuyến tàu đều là mỗi trải nghiệm riêng biệt. Những chuyến tàu trên đất nước Nhật Bản chính là phương tiện đưa Jimmy trở về những tháng ngày thanh xuân của những năm 18 tuổi một lần nữa.

Phim sử dụng nhiều bức ảnh chụp từ trên không, sự tương phản giữa rộng lớn và chật hẹp. Đất nước Nhật Bản, con người, hoa anh đào, tuyến đường sắt Tadami và khung cảnh yên tĩnh mà Jimmy gặp trên đường đi thể hiện nét thẩm mỹ độc đáo của Nhật Bản, một Nhật Bản tân tiến khoác trên mình chiếc áo “ngàn năm tuổi”. “Qua một đường hầm dài giữa hai vùng đất và thế là đã tới xứ sở tuyết trắng”. Những thước phim của Fujii Michio thể hiện chân thực câu văn này trong cuốn Xứ tuyết của Kawabata Yasunari. Một khung cảnh tráng lệ, yên ắng và đẹp đẽ đến phi thực.  

những thước phim phi thực trong thanh xuân 18x2
Nhật Bản hiện lên qua những thước phim đẹp đến phi thực.

Ngoài ra, bộ phim cũng chứa đầy những dấu ấn văn hóa đa dạng được chia sẻ giữa Đài Loan và Nhật Bản. Từ phim hoạt hình Slam Dunk, âm nhạc của Mr. Children, Mayday cũng như phim điện ảnh Love Letter đều là hiện thân cho thời đại mà thế hệ 8X, 9X Đài – Nhật đã trải qua, nỗ lực kết nối những thời đại tiêu biểu nhất của hai đất nước. Do đó, không thể tránh khỏi suy nghĩ toàn bộ bộ phim sẽ hơi giống một chiếc video dài quảng cáo du lịch, văn hóa trao đổi Đài Loan – Nhật Bản.

Câu chuyện hoài niệm về “thời chúng ta”

Thanh xuân 18×2 là câu chuyện được viết riêng cho những người có tuổi trẻ ở những năm đầu 2000, thời đại của những chiếc băng VHS, truyện tranh và trò chơi điện tử ở trường trung học. Những người mà sau đó sẽ bước sang tuổi tiền trung niên ở thập kỷ 2020s, có công việc ổn định hoặc không, có gia đình hoặc chưa nhưng VHS đã “thất sủng”, Internet lên ngôi và cùng lúc nhận ra cuộc sống của mình có rất nhiều khoảng trống. Tuy nhiên, bộ phim không muốn đào sâu vào nỗi đau mà những người trung niên gặp phải trong giai đoạn phát triển thần tốc của xã hội hiện đại mà để người xem hoài niệm về một thời đại cũ không kém phần vui nhộn, bằng cách đưa Jimmy trở về Đài Nam kể những câu chuyện “thời chúng ta”.

Jimmy tròn 18 tuổi vào năm 2007, vì vậy Thanh xuân 18×2 là sự miêu tả trọn vẹn về tuổi trẻ đối với những người ở cùng độ tuổi của anh. Từ Windows XP, bộ phim Love Letter, anime Slam Dunk đến điện thoại nắp trượt, ban nhạc rock Nhật Bản Mr. Children hay album Contentment của Mayday, bộ phim đã đưa khán giả vào cỗ máy thời gian và quay trở lại vẻ đẹp đơn sơ của cuộc sống 18 năm trước. 

Trong thời đại Internet chưa phát triển, dù đến từ các quốc gia khác nhau, họ vẫn có những kỷ niệm chung vì ngành giải trí, âm nhạc, thời trang và nhu cầu thiết yếu hằng ngày, ngay cả những rào cản ngôn ngữ giữa họ dường như không tạo nên khoảng cách. Những người Nhật đã tốt bụng đưa Jimmy thẳng đến Lễ hội đèn trời và nhà Ami 18 năm sau, cũng như những nhân viên KTV đã nồng nhiệt chào đón Ami 18 năm trước, đều là những dấu ấn về lòng hiếu khách, chân phương của người Đài Loan và Nhật Bản.

biểu tượng văn hóa đài loan
Bộ phim miêu tả trọn vẹn tuổi trẻ của những người có tuổi thanh xuân ở những năm đầu 2000.

Sau bao nhiêu năm, Slam Dunk vẫn dừng ở tập truyện thứ 31, nhân vật Hanamichi trưởng thành qua những trận bóng rổ ở trường trung học Shohoku và không có tương lai cho cuốn truyện tiếp theo, Đài Nam vẫn là một địa điểm du lịch và ẩm thực nổi tiếng, Mayday vẫn hát Zhiming Chunjiao, phong tục thả đèn trời của Pingxi vẫn còn đó, để rất nhiều người khác viết nên những ước mơ thầm kín trên bầu trời đêm. Điều duy nhất thực sự thay đổi là Jimmy, cũng như bao con người hiện đại khác, không còn sôi nổi, không còn ngây ngô – cái giá đắt đỏ của việc trưởng thành.

Ở cuối phim, Jimmy trở về với KTV Kobe, những người bạn cũ đã xa cách từ lâu. Tuy nhiên, anh nhớ ra rằng Ami đã ghi lại mùa Hè năm đó và hình ảnh anh chơi bóng rổ trên bức tranh tường 18 năm trước. Cô đã dùng cọ vẽ lại vẻ ngoài năng động, tuổi trẻ nhiệt huyết của chính anh và bây giờ, ký ức của Jimmy sẽ là điều gìn giữ cả Ami lẫn vẻ đẹp của “thời đại chúng ta” sống mãi.

Tựu trung, Thanh xuân 18×2 là một tác phẩm tuyệt đẹp khuyến khích con người khám phá thế giới và đi tìm chính mình. Dẫu thế, bộ phim vẫn sa vào một số điểm trừ đáng tiếc khi lồng ghép nhiều câu thoại triết lý khá gượng gạo. Việc dẫn dắt câu chuyện theo hơi hướm một bộ phim thể loại road movie (phim hành trình) đã không thành công khắc họa sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật cũng như sự giác ngộ, nhận thức từ rất nhiều các cuộc gặp tình cờ mà nhân vật đã có. Việc kết hợp bối cảnh hai đất nước tưởng chừng sẽ đem tới nhiều sự đột phá về mặt nội dung nhưng bộ phim không thoát ly được lối kể đẫm chất mê lô và motif mối tình star-crossed lovers (chỉ những cặp tình nhân sinh ra dưới một ngôi sao xấu, không có kết thúc có hậu) quen thuộc.

Nhóm thực hiện

Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)