Nếu nói về điều ta học được trong vài năm qua từ các tác phẩm như Parasite, Squid Game, Penthouse… thì đó chắc chắn là Hàn Quốc có rất nhiều điều để nói về chủ nghĩa tư bản. Từ sự chênh lệch giai cấp lớn đến những chặng đường nhục nhã mà người dân phải trải qua để có đủ tiền sống một cuộc sống tươm tất, những tác phẩm này giải quyết nỗi thống khổ của hệ thống ở trạng thái muộn màng. The 8 Show tiếp tục thực hiện vai trò khui ra ánh sáng địa ngục Joseon (khái niệm lên án tình trạng kinh tế xã hội tuyệt vọng đối với người nghèo tại đây) dưới hệ thống hình ảnh ẩn dụ nhiều lớp lang. Bộ phim được chuyển thể từ webcomics Money Game và Pie Game của tác giả Bae Jin Soo, dưới bàn tay của đạo diễn Han Jae Rim. Tác phẩm nhanh chóng gây sốt bởi chất liệu hài đen, những tình tiết giật gân được truyền tải một cách điên rồ bởi dàn diễn viên thực lực.
Hãy cùng ELLE bóc tách chương trình thực tế này, cũng như giải mã một số chi tiết có thể bạn đã bỏ lỡ nhé!
Cách vận hành của chương trình
Phim bắt đầu bằng cuộc đời của Bae Jin Soo (Ryu Jun Yeol) – một thanh niên trẻ không có công việc ổn định, phải trốn chui nhủi vì nợ nần. Tính toán một lượt các công việc xem một giờ anh sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, anh nhận ra dù mình có làm việc đến chết cũng không thể trả hết nợ, và anh quyết định quyên sinh để sớm thoát khỏi cảnh khốn cùng. Bất ngờ, tài khoản của anh đột nhiên nhận được rất nhiều tiền, cùng với một chiếc xe hạng sang ghé ngang sông Hàn để đón anh đến một nhà hát sang trọng. Anh ta được mời tham gia vào một chương trình rằng nếu không cần thời gian sống nữa, thì hãy “bán” tại đây.
Nơi này là một tổ hợp khu vui chơi và một tòa nhà 8 tầng, 8 người chơi chọn cho mình một tầng, mỗi phút tại mỗi tầng có giá trị khác nhau. Bae Jin Su chọn tầng 3, mỗi phút anh được cộng thêm 30.000 won. Trong khi đó, một phút tại tầng 8 có giá 280.000 won. Trong căn phòng hoàn toàn trống trải, và nếu họ muốn mua vật phẩm, họ có thể yêu cầu qua điện thoại nhưng họ phải trả cái giá gấp nhiều lần bình thường, tương ứng với số tiền họ được nhận.
Trong khu vui chơi có một chiếc đồng hồ đếm ngược, khi đồng hồ trở về không thì chương trình kết thúc. Tại đây người chơi có thể mua vật phẩm bằng thời gian chung. Thời gian hoàn toàn có thể tăng thêm, miễn người chơi làm cho ban tổ chức (hay người xem) hứng thú. Nếu họ muốn kiếm nhiều tiền, họ phải thật thú vị. Ban đầu, những trò giải trí như leo cầu thang tỏ ra hiệu quả nhưng càng về sau nó càng nhạt dần và mất tác dụng. Vì thế, “nhà chung” diễn ra những màn trình diễn nặng đô hơn, đậm màu tình dục, biến thái hoặc bạo lực. Thêm vào đó, người chơi không thể tự mua đồ ăn mà hệ điều hành cung cấp thức ăn thông qua thang máy, bắt đầu từ tầng 8, và hạ dần xuống các tầng. Nghĩa là nếu người tầng trên ác ý ăn hết thực phẩm, người tầng dưới sẽ không có gì để ăn.
Đồng thời, đãi ngộ khác nhau giữa các tầng, động lực cá nhân cũng châm ngòi cho những xung đột giật gân hơn, biến The 8 Show thành gameshow sinh tồn. Từ đó, diễn biến phim đầy tính đột biến, khi các nhân vật “lên voi, xuống chó” liên tục, ngập ngụa sinh tử rất nhiều lần.
Có thể khẳng định The 8 Show không phải “bản dupe” của Squid Game. Cũng không thể gọi series 8 tập của Netflix là phim sinh tồn, bởi chương trình không bắt buộc ai phải bỏ mạng. Thay vào đó, tác phẩm The Platform (2019) của nhà làm phim Galder Gaztelu-Urrutia – mô tả cuộc đấu tranh của tù nhân trong tòa tháp 333 tầng khi chỉ có một chiếc bàn ăn ngày ngày đi từ trên xuống – hợp lý để mang ra làm hệ quy chiếu hơn, và The 8 Show thực sự mang năng lượng khác biệt. Đó là sự hào nhoáng của chất hài đen thuộc làn sóng Hallyu.
8 nhân vật – 8 tính cách xã hội
Tuyến nhân vật của phim không nhiều, chỉ có 8 người được đặt trong một không gian đơn giản, và vừa đủ để tái hiện một xã hội thu nhỏ có đầy đủ những loại người “phổ biến”.
Vai trò người dẫn chuyện được trao cho người tầng số 3 là Bae Jin Soo (Ryu Jun Yeol). Anh ta đại diện cho những người bình thường chiếm số lượng đông đảo nhất trong thực tế, cung cấp nhãn quan chung nhất cho khán giả. Anh không có câu chuyện đặc biệt, không tài năng, không tài sản, làm quần quật cả đời cũng không thể giàu lên được. Không tốt bụng đến mức như Mary Sue, anh ta có giúp người nhưng do dự, khôn lỏi, cũng hèn nhát trốn tránh trách nhiệm. Mặt khác, anh thể hiện bộ mặt “chính nhân quân tử” không ít lần, và không bị tha hóa đạo đức.
Số 8 (Chun Woo Hee) có thể được xem như hiện diện thay thế cho tầng lớp làm chủ xã hội – tài phiệt, chính trị gia, người thao túng chính sách đất nước. Cô ta ích kỷ, khôn ngoan, biết sử dụng lợi thế tầng 8 của mình một cách hiệu quả, và biết cách sai sử người khác làm việc cho mình. Mọi luật lệ không dành cho cô, khi cô thua trong trò chơi thì mọi hình phạt đều vô hiệu.
Số 7 (Park Jung Min) đeo mắt kính, phong thái lịch sự rất chuẩn chỉnh. Những thứ anh dùng thời gian của mình mua cũng là bút viết, giấy để giải mã trò chơi kỳ dị này. Anh ta đại diện cho những công dân tri thức, sống có lý tưởng, và mục đích rõ ràng nhưng không tránh khỏi bị thời cuộc vùi dập, phải làm thuê cho số 8. Trong thể chế chính trị, anh hẳn đóng vai trò “quan văn”, luôn quan tâm đến công bằng, và phúc lợi cho người dân, cũng như đảm bảo trật tự xã hội như việc anh cố gắng khiến bạo lực xảy ra càng trễ càng tốt.
Nếu số 7 tượng trưng cho bộ não, thì số 6 (Park Hae Joon) là sức mạnh cơ bắp. Hắn dùng bạo lực để trấn áp người khác, cũng thấu hiểu việc đàn áp giai cấp nô lệ để làm giàu cho chính mình. Số 6 sẽ chỉ phục tùng người cho hắn quyền lực như số 8, nên anh ta đối chọi với lý trí của số 7. Thông thường “quan võ thì ghét quan văn dài quần”, chi tiết số 7 và số 6 bị bắt buộc nắm tay trong trò chơi Nhà Vua châm biếm cho điều này.
Số 5 (Moon Joeng Hee) làm y tá ngoài đời – là một người có địa vị xã hội, giàu lòng thương đối với tất cả mọi người, ngầm ám chỉ đến hành động của cô trong những nút thắt cao trào cuối cùng. Người phụ nữ này ban đầu khiến người xem đề phòng vì cư xử quá mức thảo mai, thực chất cô đơn thuần là rất tốt bụng nhưng thương người đến mức thiếu hiểu biết nên hại mình hại người. Hình ảnh của cô trên poster phim tương tự như Đức Mẹ Sầu Bi, vì thế mà số 5 có vị thế cao nhưng không làm điều ác. Bản tính yếu đuối đã khiến cô bị một người đàn ông lừa đến không một xu dính túi, phải ly hôn, và tham gia trò chơi này. Số 6 lợi dụng lúc tinh thần số 5 không ổn định và ham muốn tình cảm của cô, trước khi vứt bỏ cô ấy giống như những người đàn ông khác. Tất cả dẫn đến màn trả thù khủng khiếp, một hành động triệt tiêu tính nam độc hại.
Số 4 (Lee Yeol Eum) có thể được xem là người chơi giỏi nhất khi cô không bị ảnh hưởng quá nhiều sau những lần thay đổi người cầm quyền. Cô là người đại diện cho nhóm người có tham vọng nhưng không có tài năng, thường nịnh hót, xu nịnh người mạnh hơn để thăng tiến. Chi tiết số 8 mua một con cún, và để số 4 chăm sóc như ẩn dụ đến việc số 4 không khác gì một con thú cưng. Số 2 (Lee Joo Young) nghĩa hiệp, sẵn sàng cho đi tất cả, ngay cả khi cô không có gì trong tay. Số 1 (Bae Seong Woo) bị khuyết tật, kiếm được ít tiền nhất, anh hoàn toàn không có tiếng nói.
Một điểm đáng chú ý chính là không có ai sa ngã như cách các bộ phim sinh tồn khai thác bản ngã của con người, những người chơi trong The 8 Show chỉ bộc lộ bản chất thật của chính con người mà thôi. Phim không cần kể quá nhiều, bởi vì trang phục, các vật dụng trong các phòng, nghề nghiệp nhân vật đều bổ trợ cho việc thể hiện tính cách, hành động của họ. Phim để người xem phải tự xâu chuỗi các dữ kiện được cài cắm cực kỳ hợp lý.
8 tầng – 2 loại người: người tầng trên, người tầng dưới
Hình ảnh cầu thang một lần nữa đóng vai trò hình tượng hóa phân tầng giai cấp. Khoảng cách giai cấp được tô đậm thêm bởi cơ chế hoạt động của chương trình, và đương nhiên nó không hề dễ chịu chút nào.
Nếu The Platform thể hiện công bằng bằng cách tráo đổi vị trí tù nhân một cách ngẫu nhiên mỗi tháng, thì The 8 Show hoàn toàn một chiều. Lúc đầu, mọi người còn luôn miệng nói về sự công bằng. Nhưng về sau, người tầng trên biết tận dụng lợi thế tầng cao, trí thông minh, bạo lực, xu nịnh, giai cấp trên thoải mái “ăn” trên xương máu của những người bên dưới. The 8 Show như tái hiện chế độ nô lệ ngày xưa, giai cấp địa chủ bóc lột, tra tấn đến gần như bỏ mạng nhưng không để nô lệ chết, để tiếp tục “cày” của cải cho họ.
Tù nhân tầng thấp trong The Platform có thể “lên voi”, và người trên cao có thể “xuống chó” sau một lần chuyển tráo, thì người trong phim này phải thực hiện cách mạng, đạp đổ ách thống trị của những tầng trên.
Số 1 phản ánh rõ ràng nhất thông điệp của The 8 Show. Màn trình diễn xiếc của số 1 kiếm về nhiều thời gian, chỉ sau cô số 8 làm tình. Về lý thuyết, anh phải được tôn trọng nhất, tuy nhiên trong hệ thống mà The 8 Show đã thiết kế, anh ta chẳng qua là một con tốt để bị lợi dụng. Nên khi các tầng 1,2,3,5 giải phóng thành công, người bị đày đọa nhất là anh không tránh khỏi có tư tưởng trả thù, trừng phạt những kẻ đã đẩy mình vào cảnh khốn cùng. Tính chênh lệch trong xã hội tư bản là một trong những lý do dẫn đến cái ác.
Số 1 muốn leo lên ngôi vị cao nhất, muốn được hưởng vinh quang của kẻ chiến thắng. Lý tưởng này vẫn luôn nằm trong suy nghĩ của số 1 kể từ khi anh biết có khả năng yêu cầu đổi tầng bằng 1 tỷ won, nhưng liệu điều này có thật khi cái giá khá rẻ?
Và câu trả lời của The 8 Show: Không thể. Cuối cùng anh rơi xuống và bị thiêu cháy trong lửa địa ngục như Satan trong sách khải huyền. Mỉa mai thay, màn trình diễn cuối cùng của anh đổi lại hơn 100 giờ đồng hồ, còn anh ấy sẽ không bao giờ nhận được số tiền mà anh ấy xứng đáng có được. Tiền anh kiếm được trên chừng ấy thời gian cũng vĩnh viễn không thể đuổi kịp con số của những người tầng trên. Thực tế phũ phàng rằng dẫu anh tài giỏi đến đâu, anh cũng quanh quẩn trong số phận của một trong những kẻ làm nền vĩ đại cho giai cấp trên. The 8 Show đã chứng minh một luận điểm về chủ nghĩa tư bản vô cùng nặng nề và u ám.
Nỗi đau khổ của những người dân thấp kém không khác gì trò tiêu khiển trong mắt những người như số 8. Cô ta chiêm ngưỡng những hình ảnh khủng khiếp đó và tận hưởng khoái cảm. Hay khi trở nên quá đỗi xúc động, cô ta bộc lộ cảm xúc bằng cách vẽ tranh người phụ nữ số 5 đang khóc, nói đúng hơn là vẽ Đức Mẹ Sầu Bi. Cô ta không thể thấu hiểu nỗi khổ của người khác. Cô ta có thể nghĩ 12 phần ăn và nước uống đều dành cho cô, đổ nước vào bồn tắm để tắm, hay sử dụng quỹ thời gian chung để mua quần áo đẹp. Trùng hợp thay, cách khắc họa này tương tự với vương hậu cuối cùng của Pháp Marie Antoinette và câu nói “Let’s them eat cake” thể hiện cho thái độ thờ ơ của giới quý tộc đối với những người kém may mắn hơn – câu chuyện đã trở thành ngòi nổ cho làn sóng tẩy chay người nổi tiếng diễn ra gần đây.
BÀI LIÊN QUAN
Trong đoạn after-credit, số 7 dựng kịch bản tái hiện The 8 Show cho nhà đầu tư xem, người đàn ông đó đã nói: “Khán giả không muốn những người tầng trên sống tốt đâu. Nhưng tôi và anh vẫn đang sống tốt mà”. Họ có thể tạo cái kết nhân văn cổ vũ người nghèo. Nhưng rốt cục, đạo diễn, diễn viên, nhà đầu tư ngày càng giàu và nổi tiếng, còn đối tượng khán giả bình dân mãi không thoát khỏi khu nghèo. Họ làm quần quật cả ngày, tối về xem phim để tìm kiếm sự giải trí và xoa dịu.
Những bộ phim “eat the rich” như Penthouse, Mine, SKY Castle… thực chất được phát hành bởi những tập đoàn lớn. Những nhà tài phiệt sẵn sàng sản thể hiện mặt tăm tối nhất của một nhóm người có mình trong đó. Bởi vì nguồn lợi khổng lồ, không chỉ từ bản quyền phát sóng, mà còn từ việc định hình lối sống, thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng.
Thông qua màn tra tấn không được ngủ, tất cả những người hạ cấp bị căng mắt ra, bao gồm cả số 7 tri thức phản tư bản, như nhắc nhở rằng: Đừng mơ nữa, hãy mở mắt ra để nhìn thực tại bẽ bàng của cuộc sống.
Xem thêm
• 7 yếu tố giúp các bộ phim Hàn thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu
• 5 bài học cuộc sống nổi bật từ bộ phim Hàn “Nữ Hoàng Nước Mắt”
• 13 bộ phim Hàn ngắn tập phù hợp để thưởng thức trong dịp nghỉ lễ
Chủ nghĩa tiêu thụ nội dung ?
Ban đầu, The 8 Show có tên nguyên tác là Money Game, nhưng đạo diễn không muốn sử dụng từ “game” trong tựa đề. Từ “show” chính xác hơn vì người chơi phải cố gắng làm hài lòng khán giả. Những người tham gia The 8 Show như những người sáng tạo nội dung, còn sân khấu The 8 Show là nền tảng mạng xã hội. Họ có thể làm bất kỳ việc gì miễn là người xem thấy hứng thú, và tương tác bằng cách thưởng thêm thời gian. Khi màn trình diễn của họ “hết vui” thì họ bị đào thải. Bạo lực, tình dục, bầu cử, những nội dung giật gân luôn hấp dẫn. Cuộc đời khốn khổ của người dân nghèo được xem như một loại nội dung đáng thưởng thức đối với tầng lớp trên. Như cách số 8 thích thú trước cảnh tượng các người tầng dưới hỗn loạn giải cứu số 4 đang lên cơn động kinh, và họ được tăng thêm hàng chục giờ đồng hồ.
Bộ phim là một liên hệ hoàn hảo tới thực trạng bội thực content của hiện tại. Kỳ vọng, và tiêu chuẩn giải trí ngày một thay đổi, người sáng tạo nội dung càng “đói khát” những nội dung khác biệt để duy trì được tầm ảnh hưởng của mình.
Số 7 thất bại trong việc tìm kiếm thị hiếu của khán giả, vì thế mà kịch bản phim của anh bị nhà đầu tư từ chối. Như đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese, và tác phẩm Killer Of The Flower Moon, bộ phim không thắng lợi trên mặt doanh thu, nhưng nhận được rất nhiều tán thưởng của giới phê bình và thay ông tuyên bố về quan điểm nghệ thuật của mình rằng điện ảnh luôn là một dạng “art form” (một loại hình nghệ thuật) chứ không phải “content” (nội dung).
Còn về phía người xem, họ tiếp cận với những nội dung khác biệt, nhưng không phải cái nào cũng chất lượng, và tích cực. Tất cả trở thành sản phẩm của một môi trường truyền thông độc hại.
Khi nói về sự khác biệt giữa The 8 Show và Squid Game, đạo diễn chia sẻ rằng: “Vì ban tổ chức trong ‘Squid Game’ được miêu tả như nhân vật phản diện nên khán giả có thể xem phim thoải mái mà không cảm thấy tội lỗi. Còn đối với ‘The 8 Show’, chúng ta không biết thế lực đứng đằng sau tất cả. Có phải cảm giác như chính bạn cũng có thể là “khán giả” hay “ban tổ chức” trong phim không?”. Bộ phim đánh thẳng vào trách nhiệm của chúng ta dưới tư cách cá nhân, rằng cách chúng ta tiêu thụ nội dung ảnh hưởng đến các nội dung được sản xuất.
The 8 Show có thực hay không?
The 8 Show kết thúc trong phán xét cuối cùng của số 7: “Đó chỉ là hư cấu. Một câu chuyện được bịa ra”. Vậy The 8 Show là kịch bản do số 7 sáng tạo hay thực sự đã diễn ra?
Tỷ lệ khung hình đóng vai trò quan trọng trong The 8 Show, quy ước rằng tỷ lệ 1:1 thể hiện thế giới thực và tỷ lệ 16:9 thể hiện thế giới trong trò chơi, khiến cho sự chuyển động của thực tại và trò chơi rõ ràng hơn.
Cuối phim, số 2,3,4,5 rời khỏi tòa nhà và tỷ lệ khung hình chuyển từ 1:1 sang 16:9, và máy quay chuyển thành góc nhìn thượng đế (god’s eye view). Điều này có thể ngụ ý rằng tất cả người dân Hàn Quốc vẫn đang trong gameshow, và CCTV sẽ luôn theo dõi họ. Phần mô tả cuộc sống thực lại được áp filter cũ như những đoạn phim câm, gợi cảm giác hồi tưởng hơn là thực tại đang diễn ra. Bên cạnh đó, số 8 trong tiêu đề phim luôn được lật ngang thành “vô cùng” cuối mỗi tập phim, cho thấy The 8 Show chưa bao giờ ngừng lại.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Yến