[Review phim] “The Whirlwind”: ranh giới giữa người hùng và quái vật
Lấy bối cảnh chính trị Hàn Quốc vốn đầy rẫy những âm mưu và thủ đoạn, “The Whirlwind” mở đầu bằng một vụ ám sát táo bạo khi Thủ tướng Park Dong Ho quyết định đầu độc Tổng thống và rồi… bất thành. Vị Tổng thống lâm vào hôn mê đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu hấp dẫn giữa hai gã khổng lồ chính trị: Park Dong Ho và Jeong Su Jin.
Bộ phim đề tài chính trường của Netflix The Whirlwind phát hành vào ngày 28/6, dẫn đầu bảng xếp hạng series được xem nhiều nhất tại Netflix Hàn Quốc và Việt Nam, thu hút sự chú ý nhờ màn tái xuất của biên kịch Park Kyung Soo – người được biết đến với bộ ba quyền lực: The Chaser, Empire of Gold và Punch. Với những câu chuyện đời, sự phức tạp và mâu thuẫn của xã hội, những cuộc đối thoại giàu tính ẩn dụ và triết học song song với cú bắt tay giữa hai tượng đài của làng phim xứ củ sâm – Sol Kyung Gu và Kim Hee Ae, The Whirlwind đã khơi dậy sự phấn khích lẫn mong chờ trong lòng những tín đồ yêu phim truyền hình dài tập Hàn Quốc.
Nâng tầm phim chính trường Hàn Quốc
Về cốt lõi, The Whirlwind xây dựng trên tiền đề quen thuộc trong các bộ phim theo đuổi đề tài chính trị điển hình: mô tả cuộc tranh giành thảm khốc trong hành lang quyền lực của Hàn Quốc – nơi bị bao phủ bởi bóng đen của nạn tham nhũng.
“Dọn dẹp những tệ nạn tích lũy” trở thành lời kêu gọi, kim chỉ nam của Park Dong Ho trong loạt phim khi anh tìm cách xóa bỏ nạn tham nhũng “một lần và mãi mãi” bằng cách trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, con đường này đẩy anh vào loạt viễn cảnh khắc nghiệt khi đấu tranh giữa nguyên tắc và niềm tin của bản thân lẫn việc thỏa hiệp với các nguyên tắc và niềm tin khác để đạt được mục tiêu của mình.
The Whirlwind nổi bật khi đi sâu vào lịch sử chính trị hiện đại từ những năm 2000 trở đi, một giai đoạn chưa được khám phá nhiều trong các bộ phim truyền hình trước đó. Nó tạo ra một câu chuyện lịch sử và diễn giải lại các sự kiện chính trị quan trọng từ giữa đến cuối những năm 2010.
Tại đó, bộ ba Thủ tướng Park Dong Ho, Phó Thủ tướng Jeong Su Jin và Tổng thống Jang Il Jun từng là đồng minh đáng tin cậy của nhau trong phe chính trị tiến bộ. Tuy nhiên, khi Su Jin và Il Jun lần lượt vướng vào các vụ bê bối tham nhũng, Dong Ho nhận ra lý tưởng về một xã hội công bằng dần vụn vỡ đã cố gắng thực hiện sự thay đổi căn bản bằng cách cắt đứt gốc rễ quan liêu trong chính phủ mà không đâu khác chính là sự tồn tại của Tổng thống. Điều đáng nói là phương pháp thực thi công lý và bảo vệ bản thân của cả ba đều rất tàn nhẫn, xảo quyệt và đôi khi mơ hồ về mặt đạo đức, làm mờ đi ranh giới giữa thiện và ác, công lý và sự bất công.
The Whirlwind mang đến một góc nhìn mới mẻ về động lực chính trị đương đại. Cuộc xung đột vượt qua sự cạnh tranh chính trị đơn thuần, thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội – từ truyền thông, bệnh viện, giới tài phiệt đến quân đội… đem tới một loạt tình tiết ngoạn mục và lôi cuốn.
Ranh giới giữa người hùng và quái vật
“Tôi chưa bao giờ tham gia chính trị vì người dân; tôi tham gia là vì bản thân tôi. Vì tôi không thể chịu đựng được thế giới xấu xí này, vì tôi không thể phục tùng những kẻ thống trị bất công”. Trong loạt phim, câu thoại được Park Dong Ho nhắc lại nhiều lần phần nào định hình và miêu tả Dong Ho như một “anh hùng bóng tối”, một nhân vật phản anh hùng.
Theo chia sẻ từ biên kịch Park Kyung Soo, ý tưởng của ông là tạo ra một người hùng bất chấp những quan niệm thông thường về thiện và ác: “Tôi không tin vào việc các siêu anh hùng cưỡi ngựa trắng, nhưng thực tế của chúng ta có thể khiến chúng ta thất vọng đến mức bắt ta bắt khao khát những nhân vật như vậy. Tôi nhắm đến việc tạo ra một nhân vật không thể có trong đời thực, ngay cả trong một bộ phim – một siêu nhân thách thức những giới hạn ngột ngạt của thế giới”.
Đặc biệt, nhân vật Jeong Su Jin đối thủ của Dong Ho xét trên nhiều khía cạnh sở hữu tính cách phong phú hơn cả. Ban đầu, cô là một người thân cận của Tổng thống, ủng hộ dân chủ, nỗ lực của cô là bảo vệ những người cô phục vụ nhưng theo thời gian, dưới nhiều tác động, cuối cùng cô không thể khuất phục được tham vọng của chính mình. Kim Hee Ae khéo léo thể hiện sự mâu thuẫn, tương phản giữa “con người công khai” và “con người riêng tư” của Su Jin, mang đến cho người xem những hiểu biết sâu sắc hơn về nhân vật của cô.
Jeong Su Jin và Jang Il Jun từng là những con cá mập nổi tiếng vì sự phản kháng quyết liệt, giờ đã trở nên mệt mỏi sau những cuộc đấu tranh của họ. Bị choáng ngợp bởi nỗi đau và sự vỡ mộng, sức hút của quyền lực đẩy họ vào tâm lý tìm kiếm sự đền bù. Họ từ bỏ niềm tin nhiệt thành một thời, bỏ rơi những người đồng đội thách thức lợi ích của họ mà không hề do dự.
Sử dụng các phương tiện phi đạo đức để thu lợi bất hợp pháp, họ tự che giấu mình sau chính các tập đoàn và công tố viên mà họ từng khinh thường. Những con cá mập từng đốt cháy chủ nghĩa lý tưởng tuổi trẻ để triệt phá các thế lực cố thủ giờ đã thoái lui thành quái vật, tìm kiếm niềm an ủi từ danh vọng, quyền lực để bù đắp cho tuổi trẻ đã mất của mình.
Lấy các nhân vật phản anh hùng, phản diện làm trung tâm, The Whirlwind cho thấy mặt tối của chính trường, nơi sẽ luôn có sự hiện diện của những con sói đội lốt cừu, quái vật khoác áo người hùng. Việc sử dụng một nhóm các nhân vật mà theo nghĩa bóng đã trở thành “quái vật” do niềm tin và những ham muốn cơ bản của con người biến bộ phim thành cuộc chiến mà trong đó cái ác đụng độ với cái ác và dục vọng đối đầu với dục vọng đã giúp The Whirlwind thoát khỏi đặc trưng quen thuộc của sự xung đột giữa thiện và ác.
Loạt phim phê phán sự mục ruỗng của bộ máy nhà nước và đạo đức con người bằng cách lồng thêm rất nhiều những ẩn dụ rút ra từ văn học cổ điển như Kinh thánh và Tam Quốc Chí, cũng như các sự kiện lịch sử liên quan đến các nhân vật như Julius Caesar.
The Whirlwind để lại dư vị cay đắng, mang đến một miêu tả chân thực và thẳng thắn về chính trường khắc nghiệt. Dù là hư cấu nhưng bộ phim đi sâu vào sự vỡ mộng thường gắn liền với chính trị: những người nỗ lực trở thành anh hùng nhưng không hề nhận ra mình đang trở thành quái vật.
Xem thêm
• [Review phim] “Bridgerton” mùa 3: Sự trở lại từ thương hiệu tiểu thuyết lãng mạn Julia Quinn
• [Review phim] “Sắc Xuân gửi người tình”: Vũ điệu của tình yêu, hy vọng và cái chết
• [Review phim] “Câu chuyện hoa hồng”: Sự vĩnh cửu của tình yêu, sự hữu hạn của cuộc đời
Một số hạn chế nhất định
Được hỗ trợ bởi một kịch bản chắc tay với đầy đủ các tình tiết bất ngờ khiến người xem hồi hộp, The Whirlwind duy trì nhịp độ nhanh chóng để thu hút khán giả từ đầu đến cuối. Chất điện ảnh của bộ phim được thể hiện rõ ràng từ poster, với hình ảnh được bố trí nghệ thuật và những cảnh quay cận cảnh nắm bắt sâu sắc cảm xúc của các nhân vật. Bối cảnh chính trị mang tính biểu tượng như Nhà Xanh, Quốc hội hay Quốc tang… được thể hiện một cách trang trọng, hùng vĩ, nâng cao chất lượng sống động của bộ phim.
Tuy nhiên, càng về sau, người xem có cảm giác như tình huống tương tự đang được lặp đi lặp lại nhiều lần, mặc dù nội dung rõ ràng là khác nhau. Cuộc đấu tranh diễn ra giữa Dong Ho và Su Jin vẫn là chủ đề trung tâm, thỉnh thoảng mang đến những bất ngờ nhưng ở một vài tình tiết, nhưng khán giả vẫn có thể đoán được điều gì diễn ra tiếp theo.
So với tổng thể, dù đuối dần về những tập sau nhưng bộ phim vẫn có màn gỡ nút ngoạn mục trong tập cuối và được nhiều khán giả đánh giá là một trong những kết phim mãn nhãn nhất màn ảnh Hàn những năm gần đây.
Mặt khác, màn trình diễn xuất sắc của Sol Kyung Gu và Kim Hee Ae đã góp phần thu hẹp những khoảng trống mà kịch bản để lại và truyền sự chân thực vào cốt truyện. Mặc dù không tránh khỏi những sai sót, nhưng loạt phim này đã thành công trong việc nâng tầm dòng phim chính trị và chinh phục khán giả. Do đó, đối với những khán giả đang tìm kiếm một bộ phim chính trị tuân thủ các quy ước đã được thiết lập mà không ưa mạo hiểm với các chủ đề mới, The Whirlwind hoàn toàn là một lựa chọn phù hợp.
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: T63ng hợp