Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Vây Hãm Trên Không”: Bi kịch của người hùng và kẻ phản quốc

“Vây Hãm Trên Không” là bộ phim đầu tay của đạo diễn Kim Sung Han, lấy cảm hứng từ vụ cướp máy bay kinh hoàng có thật làm chấn động Hàn Quốc vào 23/1/1971. Bộ phim khéo léo đan xen những câu chuyện quá khứ của các nhân vật, làm nổi bật cốt truyện trên bối cảnh xung đột chính trị và các vấn đề xã hội.

Trên thực tế, sinh tồn trong những tình huống trên không không phải đề tài mới đối với điện ảnh thế giới. Dù những cái tên như 7500 Non-Stop đã khai thác những kịch bản tương tự, đạo diễn Kim Sung Han đánh dấu sự khác biệt của Vây Hãm Trên Không bằng cách đào sâu vào sự phức tạp về mặt tâm lý của các nhân vật và một chương lịch sử bi thương của Hàn Quốc giai đoạn 1970. Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hành, Vây Hãm Trên Không đã đạt 1 triệu lượt vé bán ra tại Hàn.

vây hãm trên không
Vây Hãm Trên Không lấy cảm hứng từ vụ cướp máy bay có thật.

Kịch tính nhờ cách kể chuyện 

Vây Hãm Trên Không theo chân Tae In, trước đây là phi công quân sự, đối mặt với việc bị sa thải sau khi bất tuân mệnh lệnh bắn hạ một chiếc máy bay bị nghi ngờ có không tặc. Một năm sau, trở thành cơ phó trên chuyến bay KAL 006 của Korean Airlines, đi từ Sokcho đến Gimpo vào mùa Đông năm 1971, anh lại một lần nữa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng không tặc nhưng lần này, chính anh cũng là một nạn nhân và có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách. 

Mặc dù là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Kim Sung Han, Vây Hãm Trên Không vẫn xuất sắc trong việc lồng ghép bối cảnh thời đại và những thách thức xã hội vào cốt truyện. Phim cũng khắc họa một cách sống động những hạn chế của ngành hàng không thời bấy giờ, bao gồm các biện pháp an ninh lỏng lẻo và cái thú “chạy marathon” kỳ lạ để giành vị trí trên khoang của hành khách.

phim hàn vây hãm trên không
Phim lồng ghép bối cảnh lịch sử và những mâu thuẫn nhức nhối của thời đại.

Vây Hãm Trên Không vẫn trung thành với thể loại phim thảm họa, với sự góp mặt của nhiều hành khách khác nhau, bao gồm một cặp đôi mới cưới, một công tố viên có người mẹ câm, một phụ nữ xinh đẹp và một cậu học sinh. Những phản ứng khác nhau của họ trước cuộc khủng hoảng – từ hy vọng thầm lặng đến sự phản kháng tích cực – vẽ nên bức tranh đa sắc làm nổi bật hai thái cực trung tâm: lòng thiết sống và sự sợ hãi.

Khi máy bay đến gần không phận Triều Tiên, căng thẳng tăng cao, khiến mọi người đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết. Câu chuyện của bộ phim trở nên căng thẳng hơn với mỗi quyết định và hành động, đan xen lối kể phi tuyến tính đã ra một loạt các tình tiết không thể đoán trước. Những cuộc truy đuổi dữ dội của máy bay chiến đấu bên ngoài buồng lái càng làm tăng thêm sự hồi hộp và kịch tính.

Một chương lịch sử bi thương của Hàn Quốc 

Năm 1953, Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, khiến Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng căng thẳng liên tục. Mặc dù đã thiết lập khu phi quân sự (DMZ) và trao đổi tù binh, một hiệp ước hòa bình chính thức chưa bao giờ được ký kết, khiến hai miền Triều Tiên về mặt bản chất vẫn trong tình trạng chiến tranh. 

Một sự kiện chấn động xảy ra năm 1969 khi máy bay của hãng hàng không Korean Air bị gián điệp ép phải bay vào không phận của Triều Tiên. Họ trao trả lại công dân của Hàn Quốc nhưng giữ lại những cá nhân có nghề nghiệp và chuyên môn nổi trội được nhận biết thông qua thẻ cư trú hành khách. 

Điều này đã gây phẫn nộ và tác động sâu sắc đến công chúng Hàn. Bộ phim có nhắc tới chi tiết này qua loạt cảnh những hành khách cố gắng che giấu danh tính bằng cách xé thẻ đăng ký cư trú thành từng mảnh nhỏ hoặc nhai và nuốt, nhằm biến họ thành kẻ vô danh khi bước sang Triều Tiên và tìm kiếm cơ hội trở về. 

Vây Hãm Trên Không lấy bối cảnh vào năm 1971, chỉ hai năm sau đó – thời kỳ đặc biệt căng thẳng khi mâu thuẫn quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lên đến đỉnh điểm. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa Bắc và Nam Triều Tiên cộng hưởng với lòng phẫn nộ của quần chúng đã làm nảy sinh hệ quả: quy chế giám sát xã hội bị bóp méo thành quấy rối và kỳ thị những công dân vô tội dưới danh nghĩa “diệt cộng”. 

Tệ nạn này lan rộng và kết quả là một số người bị đàn áp sinh ra lòng căm phẫn sâu sắc với thời cuộc. Và nạn nhân của hệ quả này không ai khác chính là phản diện chính của bộ phim.

vây hãm trên không nhân vật
Phim lấy bối cảnh vào năm 1971 – thời kỳ đặc biệt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Xem thêm

• [Review phim] “Mặc Vũ Vân Gian” – Đóa hoa tàn rồi lại vươn cao trong màn mưa

• [Review phim] “Red Swan”: “Bình cũ, rượu mới” hay “đến hẹn lại lên” kể chuyện thượng lưu?

• [Review phim] “Sắc Xuân gửi người tình”: Vũ điệu của tình yêu, hy vọng và cái chết


“Quái vật” sinh ra trong lòng xã hội

Nhân vật phản diện, Yong Dae, được miêu tả với một quá khứ bi thảm. Xuất thân từ một hoàn cảnh bất lợi và chịu đựng sự cô lập xã hội dai dẳng, Yong Dae phản ánh cuộc đấu tranh của những cá nhân bị thiệt thòi vào đầu những năm 1970 của Hàn Quốc, ngay trước khi đất nước chuyển đổi kinh tế. Những hành động quyết liệt của anh, mặc dù tiêu cực nhưng chính là sự hữu hình hóa cho cuộc trốn chạy đầy tuyệt vọng khỏi cuộc sống khó khăn và bất hạnh.

Sau khi sống sót sau một vụ không tặc trước đó, anh đã được đưa trở về Hàn Quốc, nhưng anh trai anh thì không. Sự kỳ thị và định kiến khi trở về từ quốc gia cộng sản khiến anh cũng bị gắn nhãn cộng sản, nội gián hay kẻ phản quốc. Từ đây, anh bị cầm tù bởi cuộc sống chà đạp, đánh đập thường xuyên. 

Cái chết bi thảm của mẹ là đỉnh điểm cho mọi bi kịch trong đời anh khiến anh nhận ra không có nơi nào trên đất nước này sẽ bao dung chứa chấp anh nữa. Cùng với mong muốn tìm thấy anh trai mình, thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã và lòng thù hận, Yong Dae nỗ lực khống chế một chiếc máy bay phải chuyển hướng tới Triều Tiên. 

phim Hàn hijack 1971 nhân vật phản diện
Phản diện Yong Dae thực chất là con đẻ của xã hội.

Về bản chất, chính xã hội bấy giờ đã sinh ra kẻ phản diện này. Là học sinh giỏi, thương mẹ, sống quy củ nhưng bị con người chà đạp, bóp nghẹt, anh là hiện thân cho sự tức giận và oán giận sâu sắc với thời đại và con người. Trở thành một không tặc là con đường duy nhất của anh, không chỉ để có tiền thưởng, tìm lại người thân duy nhất mà còn để từ một kẻ phản quốc, một con quái vật ở Hàn Quốc trở thành người hùng của Triều Tiên. Bi kịch của Yong Dae cũng chính là ở đây, bi kịch khi chấp nhận con người mà xã hội gán cho anh. Họ nghĩ anh là kẻ phản quốc, vậy thì anh sẽ làm kẻ phản quốc như những gì họ hình dung.

Yeo Jin Goo đã thể hiện một cách hấp dẫn và sống động nhân vật Yong Dae. Đối lập với vẻ ngoài trẻ con, có phần non nớt của anh là sự cay nghiệt sâu sắc đối với xã hội Hàn. Sự thay đổi của anh từ một cậu bé thành một nhân vật phản diện đầy thù hận làm nổi bật hệ lụy của phân biệt đối xử và áp bức, khiến anh trở thành một nhân vật phản diện đáng gờm và đáng nhớ trong phim.

Dàn diễn viên kỳ cựu bảo chứng chất lượng 

Một đặc điểm nổi bật của Vây Hãm Trên Không là dàn diễn viên hùng hậu, điều này làm tăng thêm chiều sâu và sức nặng cảm xúc cho câu chuyện. 

Nổi tiếng với các vai diễn đa dạng với kho phim đồ sộ trong suốt sự nghiệp như The Chaser, Nameless Gangster, The Handmaiden, Ashfall, Road to Boston hay loạt phim Along with the Gods…  Ha Jung Woo, ảnh đế của màn ảnh rộng xứ kim chi trở lại với vai diễn Tae In, một cơ phó tốt bụng.

Bị ám ảnh từ những quyết định trong quá khứ, Tae In vẫn ưu tiên sự an toàn của hành khách trước nguy hiểm sắp xảy ra. Việc khắc họa một nhân vật lý tưởng như vậy có thể là một thách thức, vì nó có nguy cơ trở nên phi thực tế. Tuy nhiên, diễn xuất của Ha Jung Woo lại tạo được tiếng vang sâu sắc, đặc biệt là trong phần kết đầy cảm xúc của bộ phim, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

cơ phó Tae In qua màn thể hiện của Ha Jung Woo
Hình ảnh cơ phó Tae In qua màn thể hiện của Ha Jung Woo.

Yeo Jin Goo, sinh năm 1997, là một diễn viên trẻ nổi tiếng tại Hàn Quốc. Anh xây dựng được danh mục ấn tượng với nhiều phim truyền hình và phim điện ảnh, bao gồm The Moon Embracing The Sun, Hotel Del Luna Beyond Evil. Vai diễn Yong Dae của Yeo Jin Goo là vai phản diện đầu tiên của anh. Diễn xuất của Jin Goo nắm bắt được sự hỗn loạn nội tâm phức tạp và cơn giận dữ dữ dội của nhân vật, khiến Yong Dae trở thành một nhân vật phản diện đáng nhớ và có sức ảnh hưởng lớn.

Sung Dong Il, mang đến chiều sâu và sự nghiêm túc cho nhân vật, khác hẳn hình tượng người ba hài hước trong Reply 1988Reply 1997. Nam diễn viên truyền tải hiệu quả ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của cơ trưởng. Cùng nhau, Ha Jung Woo và Sung Dong Il – kết hợp quyền lực của thuyền trưởng với sự điềm tĩnh của cơ phó, đem đến màn trình diễn vừa gây cấn vừa có sức cộng hưởng về mặt cảm xúc.

phim jijack 1971
Dàn diễn viên tài năng là điểm nhấn cho bộ phim.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)