Xứ Oz – biểu tượng văn hóa 124 tuổi
Khi nhắc tới Broadway, hiếm có câu chuyện nào lại được yêu thích và trở nên nổi tiếng đến mức vượt trội như The Wizard of Oz. Với cốt truyện đầy màu sắc và kỳ ảo, nơi có những phù thủy quyền năng, những chú khỉ bay kỳ lạ và đôi giày hồng ngọc ma thuật, câu chuyện của L.Frank Baum đã vượt qua biên giới thời gian, không gian và trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng.
Tác phẩm gốc The Wonderful Wizard of Oz đã tồn tại được 124 năm nhưng sức ảnh hưởng của nó vẫn không hề phai nhạt. Cùng với bản chuyển thể sân khấu Broadway nổi tiếng từ năm 1902, Baum không chỉ viết nên một câu chuyện, mà tạo ra một vũ trụ vĩnh cửu – một xứ Oz mà ông tiếp tục khai phá trong suốt 13 cuốn tiểu thuyết khác.
Câu chuyện về xứ Oz kỳ diệu là một phần không thể thiếu trong hành trình văn hóa của cả thế kỷ. “Vũ trụ phù thủy” của Baum sau đó đã truyền cảm hứng cho vô vàn bộ phim, chương trình truyền hình và vở kịch. Tính đến nay, đã có tổng cộng 70 bộ phim, chương trình truyền hình và vở kịch sân khấu được chuyển thể trực tiếp từ tiểu thuyết của L. Frank Baum hoặc lấy cảm hứng từ thế giới Oz. Trong số đó, The Wizard of Oz năm 1939, được xem là một trong những bộ phim nhạc kịch xuất sắc nhất từng được chuyển thể từ sách.
Là một phần của di sản văn hóa kéo dài suốt một thế kỷ, với sự giao thoa giữa văn học, điện ảnh và sân khấu, câu chuyện của Wicked bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Gregory Maguire, xuất bản vào năm 1995. Wicked được xem là sự cách tân câu chuyện Oz cổ điển, đặc biệt là về nhân vật Elphaba, hay còn gọi là Phù thủy độc ác phương Tây (The Wicked Witch of The West).
Wicked được chuyển thể thành vở nhạc kịch Broadway ra mắt lần đầu vào năm 2003. Tác phẩm nhanh chóng trở thành một biểu tượng văn hóa trong thế giới giải trí và thu hút đông đảo khán giả trên toàn cầu. Sự phổ biến của Wicked đến từ nhiều yếu tố, nhưng phần lớn là nhờ vào thông điệp mạnh mẽ và dàn nhân vật biểu tượng. Dễ nhận thấy, Wicked không đơn thuần là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mà còn là câu chuyện về tình bạn, sự đấu tranh cho lý tưởng cá nhân, cái giá của quyền lực, được đặt trong một thế giới huyền bí và đầy ma thuật.
BÀI LIÊN QUAN
Tình bạn bất chấp khác biệt
Lấy bối cảnh từ lâu trước khi cô bé Dorothy đến xứ Oz, Wicked (2024) xoay quanh cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa Elphaba và Glinda tại Đại học Shiz. Trong tác phẩm gốc của Baum, Elphaba là một nhân vật phản diện đơn thuần, đại diện cho cái ác. Tuy nhiên, trong Wicked, Maguire đã tạo nên một Elphaba phức tạp và sâu sắc hơn.
Elphaba với làn da xanh, mạnh mẽ và kiên định, là hình mẫu của một đứa trẻ “lớn sớm”. Chính vì màu da khác biệt của mình, cô trở thành mục tiêu của sự chế giễu và ghẻ lạnh từ cha lẫn mọi người xung quanh.
Nhưng Elphaba không bao giờ thấy mình là người xấu cũng không cố gắng thay đổi bản thân để vừa vặn với tiêu chuẩn của thế giới xung quanh. Trong sâu thẳm, cô vẫn khát khao được kết nối, được thấu hiểu, nhưng vì không thể tìm thấy điều đó trong thế giới xung quanh, Elphaba buộc phải giữ cho mình một lớp vỏ bọc mạnh mẽ và khó gần.
Ngược lại, Glinda được xây dựng với hình mẫu của sự dịu dàng và dễ mến. Cô có sự ngây ngô, nét hồn nhiên và tâm hồn thuần khiết của trẻ con. Với mái tóc vàng óng và những chiếc váy hồng lộng lẫy, Glinda là hiện thân của sự tự tin, nhưng ẩn sâu trong đó là một người luôn khao khát được yêu thương, mong muốn được cả thế giới chấp nhận. Glinda cũng có sự bướng bỉnh, nhỏ nhen của một “đứa trẻ” chưa hiểu hết về thế giới.
Cùng với phần âm nhạc mạnh mẽ, lôi cuốn của Stephen Schwartz, Wicked là một hành trình đầy cảm xúc qua những cảnh quay đậm chất nghệ thuật. Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất là khi Elphaba bị lừa đội chiếc mũ đen nhọn và đến bữa tiệc đầu tiên. Cô bắt đầu nhảy một mình và bị các bạn cùng lớp chế giễu. Khoảnh khắc đầy sự cô đơn và bẽ bàng ấy được thể hiện sắc nét qua ánh sáng và góc quay cận tinh tế, mang đến cảm xúc mạnh mẽ mà sân khấu không thể truyền tải. Trên màn ảnh, Cynthia Erivo khắc họa trọn vẹn một cảm giác đau đớn, xé lòng.
Jon M. Chu khéo léo cắt giữa những chuyển động ngây thơ và đầy chân thành của Elphaba với nỗi xấu hổ không thể che giấu trên gương mặt cô. Khi Glinda xuất hiện, đó là khoảnh khắc đầu tiên chúng ta nhận thấy sự dịu dàng và chân thành thực sự của cô gái tóc vàng hoe tưởng chừng nhỏ nhen và xấu tính. Tình bạn giữa hai nhân vật đối lập như rõ nét hơn qua cảnh khiêu vũ không lời tuyệt đẹp. Hai con người, từng ghét bỏ nhau bắt đầu vun vén những hạt mầm tình bạn đầu tiên dù nhỏ bé nhưng mạnh mẽ.
Xem thêm
•[Review phim] “Heartstopper 3”: Tình yêu không chỉ có gam màu hồng
•[Review phim] “Người Bán Hàng Cần Mẫn”: Bộ phim tôn vinh sức mạnh của phụ nữ
•[Review phim] “Vĩnh Dạ Tinh Hà”: Câu chuyện xuyên không hài hước và cảm động
Biến tấu thể phim học đường đan xen phản biện xã hội
Như các bộ phim học đường khác như Mean Girls hay Clueless, Wicked cũng chứa đựng những vấn đề như sự cạnh tranh trong học tập hay tình bạn, tình yêu tuổi mới lớn… nhưng Wicked không hoàn toàn là một phim học đường theo nghĩa truyền thống. Phim lồng ghép các yếu tố phép thuật và các khái niệm phức tạp về đạo đức. Tại đó, mối quan hệ giữa Elphaba và Glinda là một phần của câu chuyện về sự phân biệt ngoại hình nhưng nhìn xa hơn còn là phân biệt giai cấp.
Elphaba là một cô gái bị cô lập và bị kỳ thị vì ngoại hình, trong khi Glinda là một cô gái giàu có và được ngưỡng mộ, đại diện cho xã hội thượng lưu. Đây là một sự biến tấu của mô típ “kẻ ngoài cuộc” trong các bộ phim học đường, nhưng thay vì chỉ tập trung vào các cuộc chiến tranh giành sự chú ý trong môi trường học đường, bộ phim mở rộng vấn đề này sang những chủ đề xã hội, như sự phân biệt và áp bức.
Trong thế giới của Wicked, Oz đang ở ngã rẽ, nơi các giá trị xã hội và chính trị cổ điển bị xói mòn, thay thế bằng một chế độ độc tài mới. Tại xứ Oz, các loài động vật đã tiến hóa để trở nên thông minh như con người, có khả năng nói và sống giống như con người, nhưng họ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng. Họ không được công nhận là bình đẳng và quyền tự do của họ cũng bị đe dọa.
Bối cảnh chính trị của Oz là một phần quan trọng trong câu chuyện của Wicked, phản ánh những vấn đề xã hội và chính trị thực tế, từ sự phân biệt chủng tộc đến quyền lợi động vật. Chủ đề này được thể hiện rất rõ qua hình ảnh của một giáo viên lịch sử tại Đại học Shiz. Chú dê thông thái, được lồng tiếng bởi Peter Dinklage, là một nhân vật phụ đầy ấn tượng. Sự xuất hiện của người thầy này đã góp phần lột tả chiều sâu của xã hội Oz đồng thời là dẫn chứng cho sự phân biệt chủng tộc và bất công diễn ra ngay trong cộng đồng học đường.
Các nhân vật động vật trong phim là một biểu tượng của những nhóm người yếu thế, bị loại bỏ khỏi các vị trí quyền lực và biến thành những công dân hạng hai trong xã hội. Những sinh vật này, không được lên tiếng và bị bắt nhốt trong những chiếc lồng, dễ khiến người xem liên tưởng tới những nạn nhân của các chế độ độc tài, những cuộc diệt chủng trong lịch sử như Holocaust...
Hình ảnh Pháp sư xứ Oz (Jeff Goldblum) chơi với quả bóng bay hình Mặt Trăng trong Wicked cũng được hiểu như một sự mỉa mai về quyền lực và sự giả tạo. Nó gợi nhớ đến phong cách “thần thánh giả vờ” mà Charlie Chaplin đã sử dụng trong The Great Dictator. Pháp sư xuất hiện không nhiều nhưng cho thấy sự giả dối và thao túng của người cầm quyền, của giai cấp thống trị, cho thấy cách mà quyền lực có thể được dùng để duy trì một hệ thống bất công và áp bức.
Tương tự phiên bản nhạc kịch năm 2003, Wicked tỏa sáng nhờ vào việc giữ vững cốt truyện và những ca khúc đã làm say đắm nhiều thế hệ. Phim không chỉ là một sự lột xác hoàn hảo từ sân khấu lên màn ảnh mà còn là một tác phẩm đậm chất nghệ thuật. Wicked thể hiện trọn vẹn sự hòa quyện giữa những yếu tố kinh điển và những sáng tạo mới mẻ, tạo nên một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ và đầy tri ân đối với di sản mà xứ Oz mang lại.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân Ảnh: Tổng hợp