Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Ai Đổ Đống Rác Ở Đây? – Cuốn ngôn tình dành tặng cả gia đình

Ai Đổ Đống Rác Ở Đây? là cuốn sách duyên dáng và thông minh. Sự thanh lịch tinh tế trí tuệ toát lên nhờ sự hài hước xuyên suốt cuốn sách.

Tôi gắn bó với khu phố cổ từ lúc sinh ra. Ấu thơ trong tôi, mỗi khi Hè về, lũ trẻ con được nghỉ, công việc đáng ghét nhất lũ trẻ phải làm mỗi ngày, đó là… đi đổ rác. Xe rác đến, kéo theo âm thanh keng keng lanh lảnh từ cái kẻng treo bên hông xe, đôi lúc, người ta dùng cái chày gõ thẳng vào thân xe. Âm thanh vừa đáng gớm lại vừa “mùi mẫn”! Nhiều lúc, 5 giờ rưỡi xe rác mới tới, nhưng 5 giờ hơn đã có đứa nhanh nhảu, muốn làm cho xong việc, bưng xô rác đợi sẵn đó, đợi mãi xe rác không tới, đâm bực bội, thế là len lén… đổ nguyên xô rác ra một góc phố. Rác rếu xổ ra, bốc mùi, hàng xóm láng giềng ngửi thấy, nghi kị nhau, thế là lời qua tiếng lại. Xe rác cuối cùng cũng tới, tuy nhiên, “tiếng hát át tiếng bom”. Hóa ra, âm thanh của sự tức giận còn kinh khủng và có sức công phá ghê gớm hơn những tiếng kẻng tiếng gõ gấp e-nờ lần.

Sau này, lớn lên, thế giới dần nhỏ lại, âm thanh của tiếng kẻng đổ rác dần lẫn vào tạp âm của đời sống hiện đại rồi dường như biến mất hẳn. Để chạy trốn âm thanh chát chúa hỗn độn của đời sống đô thị, tôi thường tha thẩn mấy hiệu sách. Nhìn thấy cuốn sách có cái tên kì quặc và có phần… xắt xéo có chủ đích, tôi thấy thân thương gần gũi lạ. Quá khứ ùa về, những buổi sẩm tối phố cổ, lũ trẻ bên những xô rác. Và tôi thử đọc vị Rác.

ai đổ đống rác ở đây? 3

Tác giả của Ai đổ đống rác ở đây? là Ajahn Brahm, quốc tịch Anh, từng gắn bó với bộ môn Vật Lý. Một người châu Âu có lối suy nghĩ thực tế và rành mạch, sau có duyên với Phật giáo và trở thành tu sĩ. Ai đổ đống rác ở đây? là tập hợp những truyện ngắn của Ajahn Brahm, tích lũy từ chính trải nghiệm của tác giả. Đời sống của Ajahn Brahm, ngoài phận sự là một tu sĩ, ông còn là một người lắng nghe. Những con người châu Âu xách theo những xô “rác” – tâm sự – tìm đến ông, coi ông là thùng rác và quẳng rác vào đó. Ajhn Brahm hào hứng nhận đủ. Tuy nhiên, ông như túi thần kì của Doraemon vậy, không bao giờ đầy, và quan trọng hơn, ông lắng nghe nhưng không để tâm, nhập tâm trong câu chuyện nhưng không sa đà. Những khúc mắc cuộc sống, ông chia sẻ và đưa cho chủ nhân của chúng những góc nhìn, gợi ý phù hợp và bất ngờ.

Cầm cuốn sách gồm vô vàn những mẩu rác – những câu chuyện nhỏ nhặt gần gũi, tôi bị cuốn vào Ai đổ đống rác ở đây? lúc nào không hay. Ngạc nhiên chưa, thời đại này, đời sống hối hả gấp gáp, làm gì có thời gian mà quan tâm, mà để ý những tâm tình của người khác, vậy cuốn Ai đổ đống rác ở đây? có gì khiến người đọc phải mê mải hóng hớt vậy?

Ai đổ đống rác ở đây? nhiều chuyện tâm sự giật gân thầm kín ư? Không hề! Thầm kín bí mật gì nữa khi cuốn sách được tái bản vài lần, luôn trong tình trạng khan sách do quá nhiều người đọc mê “rác”. Với tôi, đây là cuốn sách duyên dáng và thông minh. Sự thanh lịch tinh tế trí tuệ toát lên nhờ sự hài hước xuyên suốt cuốn sách. Quên chưa nói với bạn, Ai đổ đống rác ở đây? khi được xuất bản ở Việt Nam, trên bìa, in ngay một dòng tâm sự mỏng có phần khá nghiêm túc và mang tính định hướng chắc nịch: “Những câu chuyện Phật giáo đặc sắc truyền cảm hứng giúp bạn sống hạnh phúc”. Chao ôi! Nghe to tát và chuyên sâu quá. Nếu đọc hết Ai đổ đống rác ở đây?, có lẽ, bạn sẽ giống như tôi, muốn thay lời tâm sự mỏng sặc mùi tâm linh trên bìa sách kia thành “Cuốn ngôn tình dành tặng cả gia đình”.

ai đổ đống rác ở đây? 4

Tại sao tôi lại xem Ai đổ đống rác ở đây? là cuốn ngôn tình dành cho cả gia đình? Vô vàn những câu chuyện nhỏ trong cuốn sách được dệt nên từ bao la những khúc mắc tình cảm trong cuộc sống, tưởng chừng như rối tinh rối mù vô cùng khó tháo gỡ. Tuy nhiên, nhờ vào sự lắng nghe tận tâm của Ajahn Brahm mà mọi nút thắt đều được gỡ bỏ một cách nhẹ nhàng, thấu đáo và tràn ngập tiếng cười. Bạn biết rồi đấy, ai làm bạn cười được, hẳn người đó phải thông minh và không thể vô duyên hay “thiếu muối”. Từ “đống” tâm sự vừa “khoai” vừa chát chúa của người đời, Ajahn Brahm viết nên những câu chuyện -thông điệp đúng đắn, tích cực và đầy ắp tiếng cười.

Ví dụ, định nghĩa về tuổi già, Ajahn Brahm nói: “Khi bạn già đi, thị lực và thính lực kém dần, tóc rụng, răng giả thay cho răng thật, chân yếu, tay run. Nhưng một bộ phận trong cơ thể có vẻ ngày càng mạnh mẽ hơn với mỗi năm tháng trôi qua. Đó là cái mồm lắm chuyện. Bạn già đi là lúc những người xung quanh nhận xét bạn lắm chuyện đấy!” Hay về tình yêu – sự trân trọng – biết ơn, Ajahn Brahm nhắc khéo: “Chúng ta nên luôn luôn biết ơn những khiếm khuyết ở người bạn đời, vì nếu không có chúng, họ đã có thể lấy một người tốt hơn chúng ta nhiều”. Đời sống hiện đại, mạng xã hội ảo lên ngôi, tuy nhiên, những hệ lụy cũng leo thang, ví dụ, thói hắt nước theo mưa, tự do miệt thị lẫn nhau. Bàn về sự xỉ nhục, Ajahn Brahm châm biếm: “Ai đó gọi bạn là đồ ngu. Rồi bạn bắt đầu suy nghĩ, “sao “nó” có thể gọi mình là đồ ngu? Nó không có quyền gọi mình là đồ ngu! Thật láo toét khi gọi mình là đồ ngu! Mình sẽ cho nó biết thế nào là lễ độ khi gọi mình là đồ ngu”. Và đột nhiên bạn nhận ra mình vừa để người ta gọi mình là đồ ngu… những bốn lần”.

Lục tung cuốn Ai đổ đống rác ở đây?, chúng ta còn thấy nhiều mẩu chuyện nhỏ khác về sự sợ hãi, giận dữ, tự do, hôn nhân, con cái, trẻ nhỏ, bạn bè, tương lai, tiến thoái lưỡng nan, bệnh tật… Mọi câu chuyện đều gần gũi đến nỗi bạn sẽ cảm thấy quá ích kỉ và lãng phí khi đọc một mình. Những câu chuyện dí dỏm và dễ đi vào lòng người này, bạn có thể đọc cùng con trẻ, cùng anh chị em, cùng cha mẹ mình. Một cuốn ngôn tình với rất nhiều những chia sẻ – cung bậc cuộc sống, xong hoàn toàn không khó hiểu hay úi xùi, mà tự nhiên như hơi thở, tươi sáng như nụ cười, thảnh thơi như buổi sớm đầu ngày.

Những dòng cuối bài, tôi phải thú nhận với bạn một điều: Đúng đấy! Ai đổ đống rác ở đây? đích thực là một cuốn sách thuần tính Phật. Tuy nhiên, những câu chuyện Phật giáo lần này, “khác bọt” lắm, bởi chúng được kể bởi một ông sư tóc vàng mũi lõ. Người Tây mà, thực tế và rõ ràng lắm. Nói câu nào là rõ nghĩa câu đó. Và có tính chọc cười cao không thể tả.

Xem thêm: 

[Review sách hay] An – Sống như những hạt đậu đỏ

[Review sách hay] Nắp biển – Đóng nắp những xúc cảm mênh mông

Nhóm thực hiện

Bài: CHQCQ (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)