Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Bên dòng sông Hằng: Chúng ta tìm lẽ sống ở nơi nào?

Bằng những trang văn suy tư, chậm rãi nhưng cũng đầy biến chuyển, Endo Shusaku cuốn hút người đọc vào cuộc hành trình thú vị với Bên dòng sông Hằng.

Ký ức của trẻ con luôn bền bỉ hơn người lớn, tôi luôn tin như vậy. Ở tập hợp chắp nhặt vô vàn ký vãng trong đời sống của một con người, những mảnh ký ức của tuổi thơ luôn chiếm lấy tâm trí của họ nhiều hơn hết thảy. Tôi cũng không là ngoại lệ. Tuổi thơ tôi gắn liền với miền Trung, miền đất của nắng hạn mưa nguồn, của tận cùng khắc nghiệt và khó khăn, nhưng cũng là nơi chốn mà thiêng và phàm dung hòa làm một.

Ở quê hương ấy, tuổi thơ của bao đứa trẻ băng qua những lời kinh cầu ngân vang quyện giữa mùi trầm hương bảng lảng. Lời kinh được dẫn nhịp bằng tiếng mõ ấm áp, những đôi tay khô gầy tre trúc của mẹ của bà chắp lại thành kính dâng lên một cõi vàng son xa xăm nào đó mà lũ trẻ con ngày đó không thể hiểu hết. Trẻ con chúng tôi lại càng chẳng thể hiểu vì sao những người lớn đang còn sống lại tụng mãi những lời cầu khẩn một đời sống trường cửu ở cõi an vui nào đó sau khi nhắm mắt lìa đời, vượt ngoài thế giới của chúng tôi, vượt khỏi mấy cái vương quốc bé tí trên sân trường mà biên giới được các ông hoàng con vạch vội bằng phấn để đánh trận giả.

Đất nước Phật kia

Nhẹ làn gió thổi

Cây cành châu báu

Chạm dây leo ngọc

Tuyệt vời vang ngân.

Những lời kinh trầm ấm ấy đã dìu lũ trẻ chúng tôi vào giấc ngủ ngon lành giữa xào xạc lá cành, thoảng đưa vào nhà cùng tiếng thằn lằn tặc lưỡi trong đêm yên vắng. Cho đến khi lần giở Bên dòng sông Hằng, tôi bắt gặp lại những lời kinh ấy, trong một hành trình khác, hành trình bằng câu chữ, đi vào thế giới huyền hoặc sâu thẳm của tâm hồn Đông phương.

bên dòng sông hằng 4

Endo Shusaku cho ra đời cuốn tiểu thuyết Bên dòng sông Hằng vào năm 1993. Đến năm 1995, ông qua đời. Đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, cũng là một trong hai cuốn tiểu thuyết mà ông muốn đặt cạnh mình trong quan tài khi giã từ cõi sống.

Là một nhà văn Công giáo, chịu phép rửa tội từ năm 11 tuổi, vậy nhưng, suốt cuộc đời, Endo Shusaku lại chọn bước đi trên ranh giới giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Là người Nhật, ông thấm đẫm tinh thần và cá tính hướng nội của dân tộc này. Chúng ta không khó để tìm được những dòng tóm tắt như vậy về cuộc đời Endo Shusaku trên mạng. Nhưng tôi chỉ cảm nhận được rõ nhất điều đó khi bước vào Bên dòng sông Hằng. Hơn ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết vẽ nên hành trình của năm con người, mỗi con người lại mang một câu chuyện, một băn khoăn, nỗi ưu tư và u hoài khác nhau về lẽ sống. Họ gặp nhau trong chuyến đi bắt đầu từ Nhật Bản sang tận Ấn Độ, với điểm dừng cũng là đích đến: sông Hằng.

Sông Hằng là dòng sông của nước Ấn đầy sắc màu, hỗn độn nhưng cũng tràn đầy sức sống. Dòng sông xuất hiện muôn vạn lần trong kinh điển, trong tụng ca ngân vọng suốt cõi nhân gian. Dòng sông mẹ, dòng sông thánh thiêng, mang hết mọi ngưỡng vọng của con người tìm tới và gửi gắm, bất phân giữa sự sống và cái chết. Dòng sông ấy hiện lên sống động trong tiểu thuyết của Endo Shusaku như nó vốn dĩ. Ở nơi ấy, những nhân vật của ông truy tầm lời giải đáp cho cuộc đời mình.

bên dòng sông hằng 3

Ông Isobe đi tìm lại hình bóng của người vợ quá cố, mang trong lòng nỗi day dứt, trống trải cùng lời trối trăng ám ảnh bà để lại cho ông: “Mình nhớ đi kiếm em… tìm được em… Mình hứa đi! Mình hứa đi!”. Mitsuko, cô gái với tính cách kiêu hãnh tới mức bất cần đời, nhưng lại mang trong mình một tâm hồn trống rỗng, chưa bao giờ rõ mình muốn tìm kiếm điều gì trong suốt tuổi trẻ. Ootsu, chàng linh mục luôn tìm kiếm một ý nghĩa cao tột nhất cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông Kiguchi tìm sự chữa lành vết thương chiến tranh hằn sâu vào tâm trí và ông Numata với nỗi hàm ơn những con vật mà ông tin đã từng đổi lấy sự sống cho ông.

Họ là những con người đi tìm, đi tìm suốt dọc dòng sông Hằng một điều cụ thể hay mông lung khó gọi thành tên nào đấy. Họ có tìm thấy điều mình mong mỏi không? Cho đến khi gấp sách lại, tôi chẳng thể biết. Nhưng tôi biết rõ Endo Shusaku đã kéo tôi tham dự vào cuộc hành trình của những nhân vật của ông, rồi cho đến trang sau chót, tâm hồn tôi cũng đồng thời rỗng lặng, mùi thơm nồng của sự sống, của nước Ấn như đang hiện hữu trong từng giác quan dệt thành câu hỏi vương vất: Rốt cuộc ta đang tìm kiếm điều gì?

bên dòng sông hằng 2

Nếu bạn là một người dễ sốt ruột và không tha thiết với chuyện dành ra khoảng thời gian thư thả cho mình để đọc sách, bạn không nên đọc cuốn tiểu thuyết này. Ngót nghét hơn năm mươi trang đầu của sách sẽ khiến bạn có cảm tưởng mình như ngồi trong một buổi trà đạo kiểu Nhật, chậm rãi đến mức… sốt ruột. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn để đi tiếp, bạn sẽ thực sự bị cuốn vào một câu chuyện đầy thú vị. Từ nước Nhật chậm rãi, lắng sâu, bước sang một Ấn Độ rộn ràng, sôi nổi trong cả sắc, thanh, hương vị. Đọc Bên dòng sông Hằng, tôi có cảm tưởng mình có thể không cần xem tiếp bộ phim cùng tên chuyển thể từ cuốn sách này của đạo diễn lừng danh Kei Kumai, bởi dường như cuốn sách đã quá đủ sức gợi với một bút pháp đầy chất điện ảnh ở trong đó rồi.

Và sau cùng, nếu sẵn lòng và chuẩn bị cho mình đủ thời gian để bước vào cuộc hành trình huyền nhiệm vào lòng Á Đông, để trải hồn mình trên sóng nước; chênh vênh giữa sống chết, giữa lời nguyện của người sống trầm mình trên mặt nước và ánh lửa hỏa thiêu bập bùng bên bờ, đừng băn khoăn nếu như mình chưa hiểu hết được những ý tứ sâu xa ẩn giấu trong con chữ. Hãy để cảm xúc của mình được tự do, được mở ra cùng hành trình của năm con người trong câu chuyện. Để rồi khi gấp sách lại, biết đâu bạn có thể tìm cho mình một ý tứ, suy nghiệm riêng có, hay chút xoa dịu cho tâm hồn đang trống rỗng.

Cũng như lời kinh cầu của ông Kiguchi thả vào trong buổi ban mai trên sóng nước, đôi lúc chỉ để xoa dịu cho cõi lòng nhuốm đầy thương tích của chính mình.

 

Xem thêm

[Review sách hay] Đọc Cơn Sốt Lúc Bình Minh để hiểu về sức mạnh của tình yêu

[Review sách hay] Đối thoại với thiên thần: Đi tìm “khuôn mặt mộc” của mỗi chúng ta

Nhóm thực hiện

Bài: Cường Nguyễn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)