Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Buồng tắm – Suy tưởng đầy mơ mộng về cuộc sống

Kể về một nhân vật nam, trẻ, không tên, làm nghề nghiên cứu khoa học xã hội, tính tình quái đản, Buồng tắm là một chiêm nghiệm đầy hài hước về đời sống, được viết với một phong cách văn chương độc đáo có một không hai.

Năm 1985, ở tuổi 28, chàng trai Jean- Philippe Toussaint nộp bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên Buồng tắm cho giám đốc nhà xuất bản Minuit, Jérôme Lindon, người đã tinh tường nhận ra tài năng của Samuel Beckett và in tiểu thuyết của ông trong khi nhiều nơi từ chối. Beckett nhận giải Nobel văn chương vào năm 1969. Buồng tắm của Toussaint ngay lập tức được giới phê bình đón nhận niềm nở, và trở thành đà đẩy cho tác giả trẻ trên con đường văn chương mà càng về sau, tác giả càng gặt hái được nhiều thành công lớn.

buồng tắm review tiểu thuyết

Buồng tắm mở đầu không thể kỳ quái hơn khi độc giả được thông báo về tình huống rất đặc biệt của nhân vật chính: “Khi bắt đầu ngồi trong buồng tắm hằng chiều, tôi không tính ở luôn đấy”. Chúng ta biết được thêm những gì về nhân vật chính của Buồng tắm đây? Rằng anh sống ở Paris, cùng bạn gái tên Edmondsson làm nửa ngày ở phòng tranh để trang trải nhu cầu sinh hoạt trong nhà; rằng anh thích rờ lớp men bồn tắm; rằng anh chuyển cả thư viện vào trong buồng tắm; rằng anh “hai mươi bảy tuổi đầu, sắp sang hai mươi chín, mà lại sống co mình về bồn”; rằng anh thất đảm bởi sự tuôn chảy của thời gian. Tuyệt đối giữ kín tên của người kể chuyện xưng tôi cho đến phút cuối, Toussaint cho chúng ta biết những hành động hâm hâm, rồ rồ của anh, cùng những chùm suy tưởng miên man bất tận.

Từ không gian sống trong một căn hộ, anh thu hẹp lại trong buồng tắm, rồi rút gọn lại trong bồn. Anh tiêu thời gian vào trò phi tiêu thâu ngày đêm, anh đọc Pascal và nghĩ về “nỗi khổ tự nhiên trong thân phận mong manh và phàm trần của chúng ta”. Vào một thời điểm nào đó trong ngày, trong đời, những câu hỏi về bản chất tồn tại lại hiện ra với anh: Anh đang làm gì ở chốn đây? Quả đúng như nhận xét của nhiều nhà phê bình, anh trì trệ, anh là sự trái ngược của con người hành động. Ám ảnh bởi sự xê dịch, bởi những cử động đơn giản nhất, cơ hồ lạc lõng với chính mình và với đời sống hiện đại, nhân vật chính như khao khát sự bất động cho chính mình và cả thế giới. Xa hơn, anh thích “sự vắng toàn bộ viễn cảnh chuyển động, bằng với cái chết”.

 

Phong cách viết độc đáo của Toussaint gợi nhớ cho độc giả nhớ đến thần tượng của ông là Beckett. Hầu như không có sự kiện gì đáng kể xảy ra trong suốt cả tiểu thuyết. Các nhân vật của Buồng tắm, ít hay nhiều, đều kỳ quặc khó hiểu. Ở đoạn đầu truyện, hai nghệ sĩ Ba Lan có triển lãm tranh ở phòng tranh nơi bạn gái nhân vật chính làm việc được chính cô thuê rẻ đến sơn lại nhà, nhưng họ không quan tâm mấy đến việc sơn sửa, cả chính cô bạn gái cũng không. Họ miên man làm sạch mực ống và cắt chúng cho vào tô, và họ cũng mặc kệ nhân vật chính sinh sống trong phòng tắm. Đang sống yên ổn trong bồn thì nhân vật chính đột ngột bỏ chạy sang Venice, để rồi lại quay về Paris và lại về với cái bồn. Tác giả Toussaint khéo bày ra một loạt cảnh huống quái lạ nơi các nhân vật của ông cứ thế cư xử như thể họ đang ở trong hoàn cảnh bình thường nhất trên đời, không một chút nhu cầu phải chất vấn.

Điểm độc đáo nhất của Buồng tắm có lẽ nằm ở hình thức của nó. Chia làm ba phần: Paris, Cạnh huyền, Paris, với phần Paris đầu được chia và đánh số thứ tự làm 40 đoạn, Cạnh huyền 80 đoạn, Paris sau 50 đoạn. Gọi là đoạn nhưng các khối văn bản ấy không hề giống như một đoạn văn bởi độ dài khác biệt nhau, khi kéo dài vài trang, khi chỉ là một dòng hai từ ngắn ngủn. Cuốn tiểu thuyết như một trò chơi thách thức công cuộc truy tìm ý nghĩa của nó, nhất là lại kèm theo lời đề từ đóng vai trò là đầu mối giả, “Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại” của Pythagoras, mà cuối cùng không hề liên quan gì tới Cạnh huyền trong truyện.

Giọng văn tưng tửng như không, tình huống phi lý lại hài hước, nhân vật cứ thế làm việc của mình không quan tâm hậu quả, không đoái hoài bản chất, tất cả gộp lại đưa Buồng tắm thành một tuyệt tác nho nhỏ chỉ 100 trang nhưng đầy thách thức với độc giả, bởi, mỗi lần đọc ta lại khám phá ra được một nét đồng bóng dễ thương cũng như một cách diễn giải mới về nhân vật chính.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Hình ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)