Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Cô gái – Những chữ “E” câm

Trong tiếng Pháp, "Elle", "Mademoiselle", "Fille", "Femme"...đều là những từ để chỉ giới nữ, và đều có âm cuối câm. Sự vô thanh này, trùng hợp thay, như đang biểu hiện cho tiếng nói yếu thế của người phụ nữ suốt nhiều thế hệ. Điều này đã phần nào hiện lên trong cuốn tiểu thuyết của Camille Laurens.

BỊ GẠT RA RÌA

Xoay quanh nhân vật Laurence Barraqué – người phụ nữ sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Rouen, nước Pháp, tác phẩm khảo sát một giai đoạn dài từ năm 1959 – khi nhân vật chính vừa được sinh ra – cho đến những năm 2010 – khi thế hệ nối tiếp dần trưởng thành. Đứng dưới lăng kính (và nhiều ngôi kể) của những phụ nữ khác nhau, Camille Laurens không chỉ cho thấy câu chuyện của một cá thể mà còn phản ánh được ký ức chung của một cộng đồng, một xã hội.

Ở đầu cuốn sách, ta có thể thấy dấu ấn của sự gia trưởng và tính nam độc hại trong bầu không khí những năm 60 của thế kỷ trước. Ở đó, Adam vẫn là “bản sao” của Đấng toàn năng, còn người phụ nữ không khác gì hơn tổ hợp xương thịt để bầu bạn cùng người đàn ông ấy. Vì thế, không quá lạ lẫm khi người đàn ông trong tác phẩm này luôn quay lưng lại với vợ con mình. Đó là người cảm thấy sụp đổ khi đứa con mới ra đời không phải con trai và “khai tử” chúng khỏi cuộc điều tra dân số sau đó, cũng như sẵn sàng phản bội và bỏ mặc bạn đời, khiến cuộc hôn nhân tan thành mây khói. Nhưng đáng buồn hơn là những người phụ nữ, những người cam chịu vị trí làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ mà không có tiếng nói nào hướng đến tự do.

Chi tiết đau lòng nhất trong tác phẩm này là khi cô bé Laurence bị lạm dụng bởi ông cậu của mình. Diễn ra sau đó là cuộc nói chuyện giữa những người phụ nữ trong dòng tộc, tương tự bộ phim Women Talking (2022) của Sarah Polley với sự tham gia của nữ minh tinh Frances McDormand. Thế nhưng, cái kết cho sự việc không phải là cuộc đấu tranh như bộ phim đã từng mang đến, mà là quyết định mang tính che đậy: “Chúng ta phải tự giặt tẩy những vết nhơ của gia đình mình”.

Lấy bối cảnh vào những năm 1960, đúng vào thời điểm diễn ra làn sóng nữ quyền thứ 2, Con gái là tiếng nói chung về những định kiến vẫn còn tồn tại. Ở đó, người phụ nữ đã bị bịt miệng và trở nên gần như vô hình. Kết thúc tác phẩm cũng chính là lúc làn sóng nữ quyền thứ 3 kịp thời ập đến, nơi định kiến giới dần được xóa bỏ và nhiều mảng màu của cộng đồng LGBTQ+ dần được ghi nhận.

con gái tiểu thuyết nữ quyền

CÂU CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Cũng như trào lưu viết bán tự truyện của văn chương Pháp, tiểu thuyết Con gái chứa nhiều sự kiện mà chính tác giả đã từng trải qua. Điều này đưa bà đến gần với Annie Ernaux – chủ nhân giải Nobel Văn chương 2022, khi cả hai đều dùng trải nghiệm thật để nói lên những vấn đề có phần tủn mủn nhưng lại phổ quát của người phụ nữ. Do đó, tác phẩm không chỉ dành riêng cho một ai đó, mà mỗi độc giả sẽ lại thấy mình trong những tình tiết dù là nhỏ nhất.

Về mặt cấu trúc, Camille Laurens xây dựng kết cấu đa thanh, với những ngôi kể liên tục biến chuyển. Điều này tạo ra tính đa chiều, khi đi từ quá khứ cho đến hiện tại và rồi hướng đến tương lai. Trong khi ngôi kể “tôi” là một minh chứng cho những sự kiện đã – đang diễn ra, thì việc đưa thêm Alice – con gái của nhân vật “tôi” – vào phần sau cuốn sách, lại cho thấy niềm tin về sự thay đổi. Điều này không chỉ tạo nên một câu chuyện có sự hoàn chỉnh theo mô-típ “coming-of-age”, mà còn chứa đựng giá trị nhân văn cùng niềm hy vọng được gửi gắm ở thế hệ mới.

Điều đặc biệt nhất trong tác phẩm này là Camille Laurens đã tiến hành “mổ xẻ” sự bất công ở cấp độ thấp nhất thông qua từ ngữ. Như nhà ngôn ngữ tìm về cách cấu tạo từ, bà đã cho thấy cả những định kiến trong từng tiếng nói được dùng hằng ngày. Chẳng hạn, trong khi tiếng Pháp có đến hai từ để chỉ “con trai” (garçon và fils) thì với “con gái”, chỉ có duy nhất từ fille. Không chỉ có những âm e câm, các từ ngữ mang tính tiêu cực như “quỷ cái” (garce) cũng từng có thời mang nghĩa “thiếu nữ”… Xét về bản chất, từ lúc sinh ra, phụ nữ dường như đã phải đối mặt với nhiều thách thức mà bản thân họ không được lựa chọn.

Bằng cách khai thác khía cạnh ngôn ngữ mới lạ, sự không khoan nhượng với những bất công và lòng dũng cảm khi dám tái hiện nỗi đau của mình, Con gái của Camille Laurens là một tác phẩm sắc sảo và đầy nhạy cảm, định hình nên bầu không khí của một giai đoạn, từ đó làm nổi bật lên dòng chảy vận động hướng đến công bằng, bình đẳng, văn minh.

co-gai-tieu-thuyet-nu-quyen-scaled.jpg

Con Gái - Fille - Camille Laurens

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh 

Ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)