Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] Có một thời ở Chợ Lớn

Chợ Lớn ẩn chứa một vẻ huyền bí, lạ lẫm và khép kín, không chỉ do tính cách hướng nội, chỉ thích giao lưu với người cùng gốc gác mà còn vì rào cản ngôn ngữ.

Cách miêu tả trên mở ra hình ảnh một “ốc đảo” vừa tách biệt, vừa nối liền với một thành phố mang trong mình hơn 300 năm lịch sử. Đó chính là Chợ Lớn – một trong ba khu vực “cấu thành” TP. HCM đương đại, bên cạnh Sài Gòn và Gia Định. Trong khi hai địa danh kia thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm về vùng đất này, Chợ Lớn lại hiếm khi được khai thác sâu sắc. Qua tác phẩm “Có một thời ở Chợ Lớn”, tác giả Phạm Công Luận đã góp phần bổ khuyết khoảng trống này, nối liền đường biên Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định của một thời vàng son, đong đầy dấu ấn lịch sử.

XỨ SỞ” ĐẶC BIỆT

Chợ Lớn thường được biết đến qua những nét đặc trưng giản dị: nơi cư ngụ của người Hoa di cư với 5 bang chủ quan trọng, đã hình thành nên một cộng đồng kinh doanh tinh nhuệ, chủ yếu tập trung tại quận 5 và quận 6 của TP. HCM ngày nay. Tuy nhiên, Chợ Lớn cũng ẩn chứa một vẻ huyền bí, lạ lẫm và khép kín, không chỉ do tính cách hướng nội, chỉ thích giao lưu với người cùng gốc gác mà còn vì rào cản ngôn ngữ.

Phạm Công Luận – một trong những học giả “Sài Gòn học” hàng đầu – đã tinh tế mở ra những khám phá sâu sắc về vùng đất chứa đựng không ít “bí mật”. Thông qua các tư liệu đương thời cùng những cuộc trò chuyện trực tiếp với nhiều thế hệ người Hoa, ông đã khắc họa một Chợ Lớn đa diện, từ những khía cạnh tổng quát về ẩm thực, kiến trúc, đời sống cho đến những hoài niệm riêng tư của từng cá nhân. Tác phẩm không chỉ là một công trình nghiên cứu địa dư học thuật mà còn là một “vi sử” sống động, lưu giữ trọn vẹn một thời kỳ tràn đầy nỗi nhớ.

Tác giả đã khéo léo làm sống lại những nét độc đáo trong văn hóa của người Hoa Chợ Lớn. Từng chi tiết được tái hiện qua lời kể của những hậu duệ đang sinh sống tại đây và cả những nhà du hành ngoại quốc từng đặt chân đến và bị ấn tượng sâu sắc. Qua đó, tác phẩm đã tạo nên sự cân đối hài hòa giữa các nguồn tham khảo, tránh được sự rối rắm và cồng kềnh của những trích dẫn tầm chương.

giới thiệu sách hay có một sài gòn ở chợ lớn
Có Một Thời Ở Chợ Lớn – Phạm Công Luận

PHẨM CHẤT NGƯỜI HOA

Ở những phần tiếp theo, Phạm Công Luận cho thấy mỗi cộng đồng cư dân Chợ Lớn lại mang những đặc trưng và thế mạnh riêng biệt. Mặc dù người Quảng Đông, Triều Châu (Tiều), Phúc Kiến, Khách Gia (Hẹ) và Hải Nam chia sẻ nhiều nét tương đồng, nhưng họ lại khác nhau về ngành nghề kinh doanh, ẩm thực và tính cách. Lối sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng chính là chìa khóa tạo nên nét riêng độc đáo và sự phát triển vượt trội của Chợ Lớn.

Trong cộng đồng này, không có sự phân biệt gốc gác, bất cứ ai chí thú làm ăn và siêng năng lao động đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ toàn bộ ngũ đại bang. Với tính cách hồ hởi, cần mẫn, chăm chỉ và đầy sáng tạo, người Hoa đã ghi dấu ấn sâu sắc trong thương nghiệp, điều mà ngay cả người Việt và người Pháp cũng phải học hỏi.

Dù có vẻ như tập trung thành một “ốc đảo” riêng biệt, sự giao lưu với người Việt nơi đây lại liên tục và sâu sắc. Bằng cách tái hiện hình ảnh những nhân vật tiêu biểu một thời như ông Mã Tuyên – người góp phần xây dựng các bệnh viện công miễn phí cho Sài Gòn – và nghệ sĩ Đới Ngoạn Quân – gương mặt nghệ thuật điêu khắc gắn bó lâu dài với đời sống mỹ thuật của thành phố, tác giả đã cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của người Hoa đối với đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Việt. Hơn nữa, những ảnh hưởng về ẩm thực, ngôn ngữ và phong cách sống cũng hiện hữu rõ nét, minh chứng cho mối liên kết mật thiết giữa hai nền văn hóa.

Gontran de Pocins – nhà thám hiểm, nhà văn, họa sĩ người Pháp – từng nói: khác với Hồng Kông mang vẻ ngoài quốc tế và đông đúc người Hoa, Chợ Lớn toát lên nét độc đáo riêng biệt, phớt lờ ảnh hưởng phương Tây và không hề tìm cách hòa nhập. Trong cuốn sách này, Chợ Lớn hiện lên vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa hội nhập nhưng vẫn giữ được nét riêng tươi đẹp, tràn đầy sắc màu.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)