Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Con người hỡi ôi – Hoài nhớ những điều nhỏ nhặt

W.G.Sebald, nhà văn Đức nổi tiếng chuyên viết về ký ức, chiêm nghiệm rằng "ký ức nằm ngủ trong chúng ta hằng tháng, hằng năm trời, lặng lẽ sinh sôi, cho đến khi thức dậy bởi một chuyện vặt nào đó".

Nằm trong cùng một mạch suy tưởng về vai trò của hồi ức, Song Sok Ze, cây bút xuất sắc của văn học Hàn Quốc đương đại, tập trung miêu tả những điều nhỏ nhặt được những ký ức ngủ quên chợt gợi lên trong tập truyện ngắn Con người hỡi ôi.

Con người hỡi ôi gồm 8 truyện ngắn về đời sống Hàn Quốc hiện đại (với ngoại lệ là một truyện lịch sử trong thời triều đại Josean), tập truyện ngắn đầy rẫy những nhân vật là người hoàn toàn bình thường nơi những niềm vui, nỗi buồn, những nhọc nhằn lẫn những sung sướng được phơi bày ra. Cuộc sống hiện đại được miêu tả rất chân thực trong một loạt những tình huống vừa phi lý vừa hài hước, làm bật lên hình ảnh con người ở tình trạng thô sơ nhất: một cuộc va chạm xe hơi giữa một người đàn ông trung niên nóng tính với một ông già đeo trợ thính dẫn tới cãi cọ về tiền bồi thường; một cuộc hẹn hò được sắp xếp (blind date) nơi một bên thì rao giảng về môi trường còn một bên thì lạnh nhạt ngồi nghe; một hướng dẫn viên du lịch tại một di tích tự nâng mình lên thành chuyên gia văn hóa và lịch sử… Các nhân vật của Song Sok Ze không hề cố gắng ngụy trang mà cứ thế bộc lộ bản chất: bất toàn, đồng bóng, đầy thất vọng với cuộc đời. Họ khớp rất hoàn hảo vào thế giới quan của chính tác giả: một nơi đầy hỗn loạn trong thời đại toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.

review sách hay Con người hỡi ôi
Ảnh: Unsplash

Nổi tiếng với tài kể chuyện, Song Sok Ze khéo léo dùng ký ức làm mô típ để xóa nhòa đường biên giữa hiện tại và quá khứ, biến những câu chuyện có vẻ như tầm thường thành hấp dẫn. Như lời tác giả thú nhận ở cuối sách: “ngày hôm nay được khởi nguồn từ ký ức của hôm qua, tương lai được tạo nên bằng sự lưu giữ hiện tại”, việc khắc họa các hoạt động thường nhật của các nhân vật đều nhuốm màu sắc của hoài nhớ. Đó là việc hồi tưởng lại những lần gặp gỡ với một đồng bào của nhân vật chính trong truyện Phương Nam, khi trong chuyến du lịch đến Lào, anh tình cờ gặp một người đàn ông đã tìm mọi cách thoát khỏi Hàn Quốc để sống ra dáng con người hơn, chứ không phải “chỉ như một thứ phụ tùng nhỏ nhoi”; đó là chuyện một tin nhắn bất ngờ từ một người bạn gái cũ làm bao ký ức ùa về trong lòng nhân vật nam giờ đây đã luống tuổi trong truyện Tuyệt mỹ – mối tình đầu về một cô bé mà năm xưa ông từng đi thi viết văn hộ, người con gái ông vĩnh viễn thấy đẹp đẽ và lung linh như thời thanh xuân; đó là chuyện về một người bạn thân thuở thiếu thời rất giỏi bịa tạc để tạo ra không biết bao nhiêu mặt nạ và nhân cách cho chính mình trong Linh hồn mê muội; hay đó là câu chuyện về chiếc áo khoác do người cha để lại cho người con trai mà giờ đây dường như nó có phép thuật bảo vệ cậu trong Chiếc áo khoác.

Ký ức không chỉ là thứ người ta buồn rầu hoài nhớ, mà nó còn chuyển tải những thông điệp đầy chiêm nghiệm về cách đời sống hiện đại khiến con người cô đơn và xa cách với đồng loại. Người đàn ông bỏ trốn sang Lào như đại diện cho toàn bộ các nhân vật của Song Sok Ze: ảo mộng tiêu tan với đời sống, chật vật về tài chính khi còn sống ở Seoul, tìm đến một xứ nhiệt đới buồn để lang thang vạ vật, và nỗi buồn thì ứ đầy. Dẫu vậy, ký ức cứ như một cầu nối để con người đến được nơi an toàn, bởi, “những kỷ niệm cũ từ thời thơ ấu, mối tình đầu, thời thanh xuân vốn đang nằm lẩn khuất sâu bên trong hàng trăm tỷ tế bào thần kinh. Khi nào ta vẫn còn tìm về được nơi đó thì cuộc sống vẫn còn đáng sống”.

Không phải truyện nào trong Con người hỡi ôi đều đỉnh cao cả, đó là chưa nói đến những đoạn tương đối lê thê và tẻ nhạt. Có lẽ truyện hay nhất là Luân khúc mở đầu tập truyện, thể hiện được tài năng của Song Sok Ze. Độc giả biết mình ở trong tay của một bậc thầy kể chuyện khi mọi trông chờ trong quá trình đọc của mình đều bị thách thức. Luân khúc bao gồm ba phần mà ban đầu độc giả ít nhiều đều tưởng có liên quan đến nhau theo quy luật nhân quả, để rồi cuối cùng khi truyện kết thúc thì ta rơi vào hoang mang bởi sự rời rạc của chúng.

Tài ba của Song Sok Ze cũng nằm ở khả năng tạo ra những câu chuyện hài hước bằng giọng văn tỉnh như ruồi. Khéo léo bắt được những khía cạnh của đời sống đa dạng và phức tạp, Song Sok Ze cho chúng ta thấy việc nhớ lại là cách để lưu giữ lịch sử của những điều và những con người nhỏ nhặt. Và văn chương của ông biến những điều tầm thường ấy trở nên ngoạn mục.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Hình ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)