[Review sách hay] “Đẹp và buồn” – Khi tình yêu hủy diệt
Luôn tìm cách trở về với nỗi sầu cổ xưa, các tác phẩm của Kawabata đều là những cuộc xê dịch.
Năm 1938, 30 năm trước khi trở thành người Nhật đầu tiên được nhận giải Nobel Văn chương, Kawabata Yasunari viết, “Ngẫm về đặc trưng của văn chương Nhật trong truyền thống cổ xưa, một trong những đặc điểm nổi bật nhất chính là cảm xúc trong một chuyến đi. Đúng hơn, nó là nỗi buồn cảm thấy trong một chuyến đi”. Luôn tìm cách trở về với nỗi sầu cổ xưa ấy, các tác phẩm của Kawabata đều là những cuộc xê dịch. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, Đẹp và buồn, quả có thế, mở đầu bằng một chuyến đi: Oki Toshio ngồi một mình trên toa tàu vãn cảnh. Ông cô đơn, đầy hoài niệm, lại bồn chồn và đau đáu về một cuộc gặp có thể sắp xảy ra. Một chuyến đi thỏa mãn nỗi mong chờ, để rồi mở ra một chuỗi những sự kiện bất trắc, mà cảm giác cuối cùng, chắc chắn là sầu khổ.
Hơn 20 năm trước, khi đã có gia đình và con trai, Oki ngoại tình với Otoko, một cô bé 16 tuổi. Một mối tình ngang trái mà hậu quả là đứa con nàng đẻ ra bị chết, còn Otoko đã tự tử nhưng không thành và bị đưa vào viện tâm thần. Nhiều năm trôi qua, Oki trở thành nhà văn nổi tiếng, nhờ vào tác phẩm viết về chính mối tình này, còn Otoko thì nay đã thành họa sĩ lừng danh, sống với một cô học trò ở Kyoto. Kawabata, bằng kỹ thuật đồng hiện quen thuộc, phô bày cho độc giả những dòng ký ức trong quá khứ xa xăm của các nhân vật, giúp độc giả lắp ghép được một bức tranh hoàn chỉnh về mối tình ấy.
Chuyến đi tưởng chừng vô hại, chỉ là để nghe trực tiếp chuông chùa năm mới và gặp lại người xưa, trở nên mất kiểm soát, một cách từ từ và kín đáo, khi Otoko cho cô học trò cưng là Keiko đi kèm và giới thiệu cô với Oki. Và những nhân vật khác cũng lần lượt xuất hiện, sẵn sàng diễn tròn vai của mình, cho một bi kịch điển hình: Fumiko, vợ của nhà văn, và Taichiro, con trai ông. Những mối quan hệ tưởng đơn giản mà lại chằng chịt như những mô típ của một cuộc báo ứng dần được phơi bày ra theo tiến trình câu chuyện, khi Keiko trở nên liên đới với cả Oki lẫn anh con trai, khi một chuyến đi cũng đến Kyoto diễn ra chỉ nửa năm sau đó, lần này là của Taichiro.
>> MUA TẠI ĐÂY
Các nhân vật nam của Kawabata, ở khía cạnh nào đó đều có điểm chung, là những người theo đuổi cái đẹp. Shimamura của Xứ tuyết, Gimpei của Hồ, lão Eguchi của Người đẹp say ngủ đều là những người truy cầu và ngưỡng vọng cái đẹp. Còn nhà văn Oki của Đẹp và buồn lại đắm chìm trong hoài vọng về mối tình đã qua, tìm kiếm cả bóng hình tình nhân cũ trong tình nhân mới. Vẻ đẹp của Otoko năm xưa trong hồi ức của Oki là điển hình của mẫu hình người con gái mà Kawabata xây dựng nhiều lần trong các tác phẩm của mình. Đó là những thiếu nữ ngây thơ trong trẻo, khi cánh tay và cần cổ còn chưa tròn đầy như người đàn bà, cái vẻ đẹp tinh khiết ngự trị ở giai đoạn chuyển giao giữa đứa trẻ con và người phụ nữ.
Với cốt truyện chung là người đàn ông truy tìm và gặp gỡ cái đẹp ấy, người đọc dễ có cảm tưởng rằng các tác phẩm của Kawabata, ít nhiều, đều nhẹ nhàng và lý tưởng. Nhưng khi đi sâu phân tích các tình tiết, ta nhận ra, tiểu thuyết của ông vô cùng u ám và nặng nề, vì nó chạm tới những ngóc ngách sâu thẳm và tuyệt vọng nhất trong tâm lý con người. Đặc biệt, ở Đẹp và buồn Kawabata còn đẩy mọi cảm xúc đến mức độ cực đoan, khi ghen tuông trong tình yêu quyện lẫn với thù hận để trở thành một màn báo thù ngoạn mục.
Ở tiểu thuyết này, có lẽ lần đầu tiên độc giả bắt gặp một nhân vật nữ của Kawabata mà lại dữ dội như Keiko. Cô đẹp và quyết liệt, tàn nhẫn và đầy thao thúng. Cô yêu cô giáo của mình, và tình yêu lẫn lòng ghen là cơn cớ khiến cô tìm mọi cách đứng sau giật dây rối cuộc đời. Không chỉ xoáy sâu vào lòng hờn ghen, Kawabata còn khéo léo khai thác những khía cạnh cảm xúc khác mà các nhân vật của ông đều phải trải qua, nào những căm hận và ám ảnh, nào những cô đơn và day dứt, nào những mất mát và tổn thương…
Bài: Zét Nguyễn
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE