Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Dọc đường ký ức – Niềm vui từ những chuyến đi

Triết gia Alain de Bott on từng nói: Niềm vui có được từ những chuyến đi phụ thuộc vào “cách” ta đi nhiều hơn là vào điểm đến mà chúng ta “tới”. Không có gì khó hiểu khi sách du ký luôn là lựa chọn rất được săn đón mỗi mùa du lịch. Nhiều tập bút ký đã được ra mắt trong thời gian qua, và “Dọc đường” của nhà văn Nguyên Ngọc là một trong số đó.

Dọc đường tập hợp các bài viết từ nhiều góc nhìn, xuất phát từ những trải nghiệm của một nhà văn – nhà báo – nhà nghiên cứu văn hóa có vốn kiến thức sâu rộng. Là người xông xáo cả trong chiến đấu lẫn đời sống văn học, hiếm ai có nhiều chiêm nghiệm và suy tư như Nguyên Ngọc.

Từ những chuyến đi băng qua Đồng Văn – Mèo Vạc cho đến các thị thành lớn như Hà Nội, Hội An, rồi về với Tây Nguyên, xuôi dòng Miền Tây, đất Mũi, Trà Vinh… đâu đâu ta cũng thấy được một người trân trọng và yêu quê hương đến vô cùng trong từng câu chữ.

VẺ ĐẸP PHI THƯỜNG

Ẩn chứa trong những trang viết của nhà văn Nguyên Ngọc là nhiều hồi ức và kỷ niệm. Đó là Đồng Văn – Mèo Vạc của thời chiến tranh tiễu phỉ lỏm chỏm đất đá, với người Dao đỏ, người Nùng, người H’Mông… Miền sương giá ấy có những địa hình đẹp đến nghẹt thở, là nơi đất trời, núi non và biên giới hòa vào nhau.

Đó còn là nơi mà cao nguyên đá cùng những thung sâu bám lấy tâm trí người đọc. Trong cái lạnh sương giá, các bản làng nhỏ phơi mình trong nắng, còn những chợ phiên vùng cao, chàng trai đeo khèn, cô gái gùi củi… thì lại hiện về trong vẻ xa xăm. Là người đất Quảng và yêu Tây Nguyên nên thật hứng thú khi nghe Nguyên Ngọc kể chuyện sông nước chân chất, “thực thà”. Đó là hành trình cùng Nguyễn Ngọc Tư vào U Minh lội giữa rừng tràm. Chính ở nơi đó, sức sống bất diệt của thiên nhiên được tìm thấy trong những cây tràm mạnh mẽ chống đỡ, hay những lớp bùn tích lũy bởi lớp lá mục hàng triệu năm qua ẩn chứa thế giới rộn ràng, xao động, mà cũng đa dạng, đa nguyên.

Ở bài Cây tháp, ngược về Mỹ Sơn, nhà văn viết về những ngọn tháp Chăm với cách tiếp cận vô cùng mới lạ. Điều gì đã khiến những ngôi đền ấy trở thành những cái cây mọc lên từ đất, bắt rễ sâu lòng và vẫn kiên gan hút lấy dinh dưỡng hàng nghìn năm qua? Trả lời cho một câu hỏi vẫn là bí ẩn đối với khoa học về mối kết nối giữa các viên gạch, nhà văn Nguyên Ngọc, bằng những suy ngẫm của riêng mình, đã mở ra những khía cạnh khác về sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên.

dọc đường review sách hay


Xem thêm

• [Review sách hay] Tên cô ấy là – “Sóng ngầm” phía sau sự lãnh đạm của những người phụ nữ

• [Giới thiệu sách hay] Công dân toàn cầu – Công dân Vũ trụ

• [Review sách hay] Sống bán nông bán X: Một mối quan hệ bền chặt


VÀ NHỮNG MẤT MÁT

Tuy những chuyến đi tràn đầy vẻ đẹp nhưng nhà văn cũng không khỏi xót xa trước sự thay đổi của hiện tại. Giờ đây, “nếp nhà” của người Hà Nội đang dần mất đi, chỉ còn nằm sâu trong các ngõ hẻm, vang lên một sự im ắng, bình lặng. Nhưng dẫu đã bị “băm vằm”, “cắt vụn” thành những mặt tiền diêm dúa, kệch cỡm, rồi thì Hà Nội cũng vẫn đủ “sức đề kháng” để cái thanh lịch chỉ nép vào chứ không mất hẳn.

Là bởi không cần tìm đâu xa xôi, chỉ sau một bức rèm mỏng, ta lại có một chuyến du hành ngược về thời gian của những Hà Nội trong văn Thạch Lam, Băng Sơn… Tưởng chừng không gian sân – vườn – thiên nhiên tràn ngập mây, nắng, sao, trăng là chuyện bất khả, thế nhưng, sao người Hà Nội vẫn giữ được nó? Thật khó lý giải. Và chỉ Nguyên Ngọc mới có thể lặn sâu vào những không gian này để đi tìm câu trả lời.

Vùng đất Tây Nguyên mà ông hằng yêu cũng đang biến đổi từng ngày từng giờ. Từ sự gắn kết, xem mỗi thành viên, đất đai, ruộng, rừng… như phần thân thể, ngũ quan, tứ chi; vậy mà giờ đây, thật đáng buồn thay khi rừng của họ, đất của họ, làng của họ… đang dần tiêu điều. Những người Ba Na một thời hùng tráng giờ chỉ còn vọng trong thanh âm xưa.

Điều gì đã khiến vẻ đẹp mất đi, làm cho xứ nhiệt đới ngày càng buồn thêm? Bằng sự gắn kết khó giải nghĩa của nhà văn, những trang viết này trở thành chứng nhân không thể xóa mờ.

Tự nhận bản thân là người ham sống cũng như hoài cổ, Nguyên Ngọc đã gửi vào trong Dọc đường sự chuyển động cũng như rất nhiều nỗi ưu tư. Đó là hành trình “thâm nhập thực tế” để viết cũng như kể lại ký ức đã qua. Nếu bạn muốn tìm một cuốn sách có phần chiêm nghiệm từ trong quá khứ, đây là một tác phẩm không nên bỏ qua trong mùa Hè này. 

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh

Hình ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)