Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Dòng máu khôn ngoan – Một tâm hồn thương tật

63 năm sau lần xuất bản đầu tiên, cái tên Flannery O’Connor đã trở thành tượng đài, và Dòng máu khôn ngoan đã gia nhập hàng ngũ những tác phẩm kinh điển, xếp vị trí thứ 62 trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất do "The Guardian" bình chọn.

Năm 1952, một nữ nhà văn 27 tuổi không chút danh tiếng trên văn đàn Mỹ xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên Dòng máu khôn ngoan. Bên cạnh nhiều bài nhận xét rất tích cực gọi bà là “cây viết tài năng nhất của thế hệ tiểu thuyết gia trẻ nhất của Mỹ”, là một loạt những bài phê bình bộc lộ sự bối rối lẫn hoang mang trước nội dung câu chuyện lẫn hệ thống nhân vật kỳ quái.

Từ chối khuôn mình vào vùng đất xuất thân và chính vì thế là sự hạn hẹp trong thứ văn chương địa phương, O’Connor khẳng định trong một cuộc phỏng vấn năm 1955, Dòng máu khôn ngoan không phải kể về miền Nam mà hướng tới những sự thật phổ quát: “Một tiểu thuyết gia nghiêm túc phải theo đuổi hiện thực. Và dĩ nhiên khi ta là người miền Nam và theo đuổi hiện thực, thì cái hiện thực mà ta tạo ra sẽ có hơi hướm, có giọng miền Nam, nhưng chỉ là giọng mà thôi; đó không phải là cốt lõi của thứ ta đang muốn thực hiện”. Cái hiện thực ấy của O’Connor là địa hạt của những kẻ kỳ quái với tâm hồn thương tật, nơi nghệ thuật của bà giúp họ đào sâu vào những công cuộc truy vấn tinh thần.

Dòng máu khôn ngoan mở đầu bằng một chuyến đi của nhân vật chính tên là Hazel Motes. Trở về nhà ở bang Tennessee sau khi phục vụ trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 chỉ để phát hiện ngôi nhà ấu thơ đã tan hoang, anh quyết định bắt tàu đi thành phố Taulkinham, một địa danh hư cấu mà nhiều nhà phê bình cho rằng có lẽ chính là Atlanta. Anh mang bên mình hành lý gọn nhẹ từng theo anh suốt trong những năm quân ngũ, gồm một chiếc kính cũ của người mẹ đã mất khi anh 12 tuổi mà khi nhìn vào mọi thứ đều mờ tịt, và một cuốn Kinh Thánh. Ở nơi mới, Motes bắt đầu những cuộc gặp gỡ tình cờ và đầy quái dị: chuyển vào ở với gái điếm; quen với Enoch Emery, một thanh niên nhà quê có phần điên loạn vừa lên thành phố làm nghề bảo vệ ở sở thú; gặp gỡ một nhà thuyết giảng mù và con gái của ông ta.

Dòng máu khôn ngoan tiểu thuyết

Cặp kính mờ, cái tên gọi tắt Haze (nghĩa là “mơ hồ”) và cuốn Kinh Thánh, đóng vai trò như những thứ biểu trưng cho bản dạng của nhân vật: có mắt nhìn mà không tinh rõ, hoang mang trong niềm tin của chính mình. O’Connor không chỉ cho Hazel hành động điên rồ đến mức trở thành nhà truyền đạo của “Giáo phái không có Chúa Jesus”, do chính anh lập nên mà còn đẩy những giằng co dữ dội về mặt tâm lý và tôn giáo trong con người anh lên đến đỉnh điểm khi để anh tự hủy hoại thân thể. Bị ám ảnh bởi đức tin tôn giáo từ bé, luôn vật lộn để thoát khỏi, song lại thất bại hết lần này đến lần khác, trong cuộc trốn chạy khỏi Chúa Trời, Motes trở thành biểu tượng cho sự thất bại của tự do ý chí, và là minh họa cho chính ẩn dụ: chạy trời cho khỏi đức tin.

Như mọi truyện ngắn khác, O’Connor triển khai một bút pháp sắc lạnh trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình: giọng văn nhanh gọn, cuốn hút, đầy chất hài hước đen và tập trung vào hành động để bóc tách mọi sự bí ẩn của nhân vật. Tập hợp trong tay một loạt những nhân vật quái đản, một trong những đặc điểm nổi bật của văn chương O’Connor, bà để cho họ vẽ nên hình dạng thế giới hiện thực, ở những mặt đen tối nhất của nó, mà không một phút giây nao núng.

Bị nhiều độc giả hiểu lầm là viết một cuốn tiểu thuyết để bôi bác tôn giáo, thậm chí ngợi ca một kẻ theo chủ nghĩa hư vô, 10 năm sau khi tác phẩm ra đời, O’Connor đã phải viết trần tình, để ít nhất những diễn giải không đi quá xa chủ đề bà muốn hướng tới: một cuốn tiểu thuyết hài hước về tội lỗi và cứu chuộc: “Niềm tin vào Chúa Jesus, đối với một số người, là chuyện sống còn và chính điều ấy đã ngăn trở những độc giả thích cho rằng đó là chuyện không mấy quan trọng. Đối với họ, sự chính trực của Hazel Motes nằm ở việc anh cố gắng hết sức để loại bỏ ra khỏi đầu mình cái hình hài tả tơi của Chúa Jesus di chuyển từ cây này sang cây khác. Đối với tác giả, sự chính trực của Hazel nằm ở chỗ anh không tài nào thực hiện được việc ấy”.

Năm 2015, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ thông báo sẽ cho ra mắt con tem có hình ảnh của Flannery O’Connor, đưa bà vào hàng ngũ những văn nghệ sĩ lừng danh của văn học Mỹ. Chỉ sống vỏn vẹn có 39 năm, bà để lại một gia tài văn chương lừng lẫy, mà Dòng máu khôn ngoan là một trong những kiệt tác – như nhà phê bình Carl Hartman đã nhận xét rất thích đáng: Nơi cái xấu và cái đẹp, hiện thực và phi hiện thực, cái bình thường và bất thường, cái hài hước và phi hài hước, được đặt cạnh và hòa quyện với nhau.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Hình ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)