Và Đường xa nắng mới là một tác phẩm như thế. Tập sách gồm nhiều bài viết xoay quanh những nơi mà ông từng đến, có khi dọc theo Con đường Tơ lụa từ Á sang Âu, có khi theo bước Huyền Trang hơn nghìn năm trước hoặc đến Bắc Âu cùng hồ, băng, núi, tuyết… Trong các trang viết, độc giả dễ dàng nhận ra “đi không chỉ để đến” như lời đại thi hào Đức Goethe, mà đó còn là hành trình của suy ngẫm, chiêm nghiệm, từ đó khai tâm, ngẫm ra được sự vô tận của vũ trụ này.
HÀNH TRÌNH ĐẶC BIỆT
Với nguồn kiến thức ngồn ngộn, đậm tính học thuật cùng khả năng quan sát tinh tế, ở mỗi chương sách, ta lại biết được nhiều điều mới mẻ. Đó có thể là phẩm chất kỳ lạ của người Hà Lan không ưa khuôn phép, ghét sự gò bó hay một nước Anh vẫn luôn hiện tồn trạng thái kình chống giữa mới và cũ… Không chỉ chú ý những bản sắc riêng, tác giả cũng rất lưu tâm đến sự thay đổi theo chiều kích thời gian của các thành quách, phế tích, như những trạm nghỉ dọc Con đường Tơ lụa hay các điểm dừng in dấu Huyền Trang một thời vang bóng, giờ thành hoang vu neo vắng hơi người, từ đó cảm khái một tiếng thở dài vọng suốt nghìn năm.
Không giống như những cuốn du ký thông thường, với nhãn quan của người làm khoa học, những giao điểm về lịch sử, địa lý cũng được Nguyễn Tường Bách đối chiếu, so sánh, quy nạp nhằm khơi lên những nghịch lý hay điểm tương đồng thú vị giữa mới và cũ, giữa Đông và Tây. Chẳng hạn, tác giả cho thấy những vị thần trong Thần thoại Hy Lạp hay văn hóa Á Đông đều được xây dựng dựa trên sự phóng chiếu khát khao muôn thuở của con người. Hoặc, trong một bài viết, tác giả giải thích vì sao Hỏa Diệm Sơn lại nóng như thế, và ẩn dụ nào mà Ngô Thừa Ân muốn gán cho các nhân vật trong Tây Du Ký về địa danh này.
ĐI ĐỂ KHAI TÂM
Trong các trang viết của Nguyễn Tường Bách, ta luôn thấy sự liên kết giữa những quan sát với mạch nguồn đậm tính tâm linh, từ đó lộ ra cái tâm rộng mở, cái tâm thu nhận, cái tâm buông xả và hòa nhập. Nếu như nhà văn – học giả người Ý Italo Calvino để lại nhiều suy ngẫm về nhân sinh, thời thế, lịch sử trong Bộ sưu tập cát, thì ở Đường xa nắng mới, Nguyễn Tường Bách cũng làm được điều tương tự nhưng trong địa hạt của sự hướng tâm.
Ở đó, ta luôn thấy có tiếng gọi của cội nguồn. Đứng giữa Venice, ông nhung nhớ làng quê của mình trong mùa nước lũ. Đứng trước di chỉ giờ đây hoang vắng của thành Troy, nơi mà nàng Helen vì yêu chàng Paris đã góp phần tạo ra bộ biên niên sử đầu tiên của nhân loại, ông cũng một lòng hướng đến Huyền Trân – cô công chúa nhà Trần vì xã tắc giang sơn mà đến Chăm Pa hết một quãng đời. Hay đứng trước BST hiện vật của Bảo tàng Anh, ông cũng ngậm ngùi không khỏi xót xa trước đồng tiền lẻ loi thời Đinh Bộ Lĩnh trong khi không có bao nhiêu hiện vật của quê nhà hiện diện tại đây…
Cuối cùng, ông tự vấn chính mình về hành trình đi và hồi cố ấy: “Quê hương là gì, là nơi ta sinh ra hay nơi ta sinh sống lập nghiệp hay là nơi ta sẽ chết. Hay “quê hương” chỉ là một khái niệm do tâm đặt bày? Hơn thế nữa, quê hương là một nơi chốn địa dư hay là một trạng thái tâm thức?”. Thế nhưng, rốt cuộc tâm thức là gì? Đó là một điều không dễ tìm ra, chỉ biết, càng đi, càng có trải nghiệm, tâm sẽ “trưởng thành” và “thú vị” hơn. Qua mỗi trang văn, ta bỗng nhận ra thiên nhiên và tâm vốn chỉ là một. Nó làm cho tâm lắng đọng và là nguồn gốc sức mạnh của tâm. Đi để nhận ra tất cả giao lại thành ra một mối, bởi ta không thể nghĩ ra những điều chưa biết, mà hết thảy vạn vật trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ những cái đã biết…
Vì thế, hãy cứ đi đi và đừng e sợ.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu