Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Giữa hai chúng ta: Một thế hệ tràn ngập lo âu

Sát sao, tỉ mỉ đến tinh tường; giản dị và sâu lắng, cuốn sách hay của Sally Rooney không hề che đậy những nỗi buồn đến day dứt, những loay hoay đến nghiệt ngã, những bất an đến trầm cảm của tuổi thanh xuân.

Chỉ mới xuất bản hai tiểu thuyết, nhưng gần như ngay lập tức, Sally Rooney đã vụt lên vị thế tác giả ngôi sao. Được mệnh danh là tiếng nói của văn chương thế hệ Millennials và Salinger cho thế hệ Snapchat, nhà văn sinh năm 1991 của Ireland đã trở thành một hiện tượng lớn trên văn đàn thế giới trong hai năm 2018-2019, đến mức website nổi tiếng chuyên về phong cách sống cho phụ nữ trẻ Refinery29 đã đặt câu hỏi: “Có phải cầm một quyển sách hay của Sally Rooney là biểu tượng đẳng cấp trên Instagram?”. Cơn cuồng Rooney không chỉ đến từ độc giả trẻ mà còn từ những đàn anh, đàn chị trong làng văn cũng như các phê bình gia nổi tiếng. Nằm ở vị trí 25 trong danh sách “100 tác phẩm hay nhất của thế kỷ 21” do Guardian bình chọn cùng rất nhiều giải thưởng và đề cử, tiểu thuyết thứ hai của cô, Giữa hai chúng ta, tập trung khắc họa thế hệ thanh niên tràn ngập lo âu, luôn vật lộn để hiểu chính mình và tìm cách hòa nhập với xã hội.

Giữa hai chúng ta kể về mối quan hệ tình ái của Connell và Marianne kể từ khi cả hai còn là học sinh cấp III ở Carricklea, một thị trấn ở miền Tây Ireland, cho đến khi tốt nghiệp đại học. Connell thông minh, học giỏi, được bạn bè quý mến, còn Marianne bị coi là xấu xí và quái đản. Họ còn đối lập cả ở gia cảnh khi Connel là con của một bà mẹ đơn thân làm công việc lau dọn cho nhà của Marianne, một gia đình giàu có. Tình thế hoàn toàn đảo ngược khi cả hai vào đại học, Marianne trở thành cô gái được nhiều bạn trai săn đuổi và bạn gái vây quanh, còn Connell lạc lõng tìm mọi cách để không bị gạt ra rìa. Họ tình cờ gặp lại nhau, lại quấn quýt rồi chia tay đột ngột. Hiểu nhau và coi nhau là tri kỷ, hòa hợp và cảm thấy vui vẻ được ở bên nhau, nhưng họ chưa bao giờ coi nhau là người yêu, và sẵn sàng tiến đến với các đối tượng khác một cách dễ dàng.

Cuốn sách hay của Rooney đi sâu mô tả sự tranh giành quyền lực và mất cân bằng trong mối quan hệ của Connell và Marianne. Trong khi Connell vật lộn ở Dublin với những cá nhân giỏi giang và có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn mà cậu không tài nào gắn kết được thì Marianne, với đầy đủ những phức tạp, từ xuất thân gia đình có một ông bố và anh trai bạo hành và một bà mẹ dửng dưng, lại trượt dài trong những mối quan hệ lỏng lẻo đầy thờ ơ nơi cô tìm cách khuây khỏa và tìm lại giá trị của mình bằng cách yêu cầu tình nhân sử dụng bạo lực trong tình dục. Rooney đẩy các nhân vật vào những trạng thái trầm cảm đầy tuyệt vọng, những bất trắc và cô đơn lạc lõng. Bởi sau rốt, như cô khẳng định, sự mất cân bằng ấy luôn tồn tại và không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ thân mật, và bằng văn chương của mình, gợi ý cách để chúng ta có thể đương đầu hay thỏa hiệp với sự mất cân bằng ấy.

giữa hai chúng ta tác phẩm về thanh niên

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà phê bình coi văn chương của Rooney là một sự trở lại với văn học hiện thực thế kỷ 19. Đào sâu vào thế giới tinh thần và tâm lý đầy bất ổn của chính thế hệ mình, Rooney rành rẽ những quy tắc mà các nhà văn trẻ được dạy từ lúc vỡ lòng và coi đó là cốt lõi trong việc viết tiểu thuyết: Viết những gì ta biết. Hai nhân vật chính của Rooney, Connell và Marianne, ít nhiều đều mang dáng dấp của chính cô: Là sinh viên của trường đại học danh tiếng Trinity College Dublin, nơi Oscar Wilde, Samuel Beckett từng theo học. Chính Rooney cũng từng nhận được học bổng danh giá của trường như hai nhân vật của mình. Giữa hai chúng ta, có thể nói, dù ít hay nhiều, chính là tuyên ngôn của bản thân Rooney: “Tôi chưa bao giờ định viết từ góc nhìn của ai đó lớn tuổi hơn mình cả, vì thế các tiểu thuyết của tôi đều viết về thế hệ của tôi mà thôi”.

Thế hệ Millennials với những khám phá và ám ảnh về tình dục (với đầy đủ những sắc thái dù quái đản đến mấy của nó), những mối quan tâm đến vật chất, những sự đứt gãy trong giao tiếp (ngoài đời và trên mạng), nỗi đau cơ thể và tinh thần, tình yêu với tất cả những sự phức tạp của nó… đều là những khía cạnh mà chỉ trong gần 400 trang sách hay, Rooney đã tập trung phân tích và tìm cách lý giải. Những trang văn viết về tình dục của Rooney được ngợi ca vì chúng chân thật và xúc động mà không hề lên gân lẫn không cố tình khiêu khích. Rooney để cho các nhân vật tìm hiểu tình dục và khám phá bản thân. Hơn cả thế, Rooney cho Connell và Marianne, ở một mức độ sâu hơn, khám phá sự thân mật, sự khó chịu, và cả sự đánh mất đi cái tôi của chính mình, trong tình dục.

Không có gì là quá bất ngờ khi Rooney được giới trẻ hâm mộ cuồng nhiệt đến vậy. Thế hệ mà cô viết, hơn ai hết, tìm thấy sự đồng cảm lớn ở các nhân vật trong Giữa hai chúng ta. Phải chăng họ cảm thấy tác phẩm của Rooney chạm được vào những băn khoăn của thế hệ? Phải chăng, qua Rooney, ta hiểu được “sống trong một thế giới liên tục làm ta thất bại trong việc hiểu và gắn kết là như thế nào”? Phải chăng, ở giữa thanh xuân trống rỗng, độc giả trẻ đọc Rooney và bàn luận về cô trên Instagram, không chỉ để khẳng định vị thế, mà còn là một cách để hiểu chính mình?

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)