Học tập luôn là hoạt động khiến chúng ta vừa khao khát vừa sợ hãi. Điều này thật kỳ lạ, vì bản thân việc học là việc ta làm mỗi ngày, theo bản năng, từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành, chỉ là ta có để ý bản thân đang học hay không mà thôi.
Từ khi còn bé, chúng ta luôn bị đặt lên vai gánh nặng việc học qua những lời thúc giục của cha mẹ hay thầy cô: “phải cố mà học cho giỏi vào”, “phải chăm chỉ lên”… Cứ thế, ta lao đầu vào con đường một chiều, cố gắng học, nhưng rất hiếm khi ta lật lại câu hỏi là phải “học như thế nào?”, “làm thế nào để biết cách học cho đúng?”. Không có ai chỉ cho ta. Nếu có, họa chăng chỉ là những kinh nghiệm cá nhân của từng người, tạo nên huyễn tưởng về việc học tập.
Điều này có thể lý giải tại sao khóa học Learning how to learn của Coursera là một trong những khóa học được nhiều người tham gia nhất trên nền tảng này trong đại dịch COVID-19: hơn 3,1 triệu lượt đăng ký, với đủ mọi lứa tuổi, thành phần và khác biệt địa lý. Có lẽ, không ít người trong chúng ta đều ước muốn sở hữu phương pháp học tập chuẩn chỉ, bài bản và hữu ích nhất.
Benedict Carey khi viết cuốn sách How we learn – Chúng ta học thế nào cũng mang trong mình câu hỏi và khao khát tương tự. Là một phóng viên khoa học viết cho tờ The New York Times, ông đã truy nguyên lại những nghiên cứu cũ từ tâm lý học đến khoa học về não bộ để đúc kết thành cuốn sách mà ông nói sẽ khiến ta yêu mến việc học hơn.
Khi mới tiếp xúc với How we learn – Chúng ta học thế nào, người đọc sẽ phải từ bỏ những định kiến cũ mà xã hội luôn cho là kẻ thù của việc học, ví dụ như lười nhác một chút thay vì học thâu đêm suốt sáng, cũng như việc hay quên thật ra không tệ đến như vậy, hay đôi khi đi ngủ lại có ích hơn cố ngồi học để nhồi nhét kiến thức. Đúng vậy, ta phải bỏ đi hết vì cơ chế của bộ não rất kỳ lạ, nó vượt qua cả sự tập trung và kỷ luật tự thân thông thường.
Cuốn sách được chia làm bốn phần với cách tiếp cận từ thấp lên cao. Trong phần một, Benedict Carey giúp chúng ta tiếp cận với một tầm nhìn toàn cảnh: Bộ não chúng ta hoạt động thế nào, đi kèm theo đó là sinh lý học của trí nhớ. Bởi đơn giản, nếu hiểu về bộ não mà chúng ta sở hữu, thứ có thể chứa đến 3 triệu chương trình truyền hình như những nhà khoa học tuyên bố, thì không lý gì chúng ta lại không khiến nó chứa được cả định lý Newton hay bảng tuần hoàn hóa học.
Phần thứ hai của cuốn sách How we learn sẽ cung cấp các phương pháp, kỹ thuật để người đọc củng cố thêm năng lực lưu trữ dữ kiện, cho dù bạn đang muốn nhớ thêm các chữ cái của một ngôn ngữ mới, một công thức toán cao cấp hay tìm hiểu một phương pháp lập trình phức tạp. Lưu trữ dữ kiện ở đây chính là năng lực giúp chúng ta kiểm soát trí nhớ.
BÀI LIÊN QUAN
Phần thứ ba – “Giải quyết vấn đề” – sẽ giúp những độc giả tò mò tập trung vào các kỹ thuật để “Hiểu”. Nếu làm chủ được kỹ thuật này, ta sẽ có cách tiếp cận để giải quyết vấn đề dù là bài trên lớp, bài luận lớn hay một phương án cần trình bày trước công ty. Vì phải có sự hiểu biết sâu sắc thì ta mới nhớ lâu và vận dụng được những kiến thức ấy một cách phù hợp vào công việc và cuộc sống thường nhật.
Ở phần bốn của How we learn, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bản thân phải phối hợp tiềm thức với những kỹ thuật được nêu phía trên như thế nào để bổ trợ cho sức mạnh của trí não. Qua bốn phần của cuốn sách này, Benedict Carey hướng đến một mục đích “vừa khiêm nhường vừa lớn lao”: Để việc học trở thành một phần của cuộc sống hơn là một công việc riêng lẻ và mệt mỏi, để những kiến thức mà ta sở hữu khiến cho cuộc đời ta thêm nhiều màu sắc.
Ở thời đại mà mọi thứ phát triển quá nhanh, ta luôn cảm thấy chậm lại so với thế giới bên ngoài, học tập luôn là cách để ta tìm những con đường chắc chắn và bền vững hơn. Nhưng đôi khi, học quá nhiều cũng là một dạng áp lực mà người trẻ đang phải đối mặt. Tôi rất hy vọng cuốn sách nhỏ nhắn này sẽ phần nào đem lại cho bạn góc nhìn khác về kiến thức, rồi tự mỗi người sẽ lại thẩm thấu để trở thành một người học tự tin, vui vẻ và hạnh phúc.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Trân
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE