Ngai vàng của ai?
Tuy mới xuất hiện chỉ bằng thời lượng một cái chớp mắt trong lịch sử vũ trụ, thế nhưng, con người lại gây ra những tác động khôn lường. Từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới, nhiều nhà khoa học đã ngầm đồng ý gọi tên kỷ nguyên chúng ta đang sống là Thế Nhân Sinh (Anthropocene). Khi đó không phải các lực tự nhiên, mà chính con người mới là lực lượng định đoạt số phận của hành tinh xanh. Mệnh đề này đã khiến ta nhầm tưởng mình đang ngự trên “ngai vàng” tự nhiên, nhưng liệu có phải thế?
Michael Pollan đã đi sâu và đặt câu hỏi, liệu chúng ta có vai trò thế nào từ góc nhìn của cây cối? Đó là thống trị, bị trị, bình đẳng hay cộng sinh? Đồng ý với “người khổng lồ sinh học” Charles Darwin, Pollan cho rằng loài người đang “đồng tiến hóa” cùng với thực vật – đối tượng nghiên cứu trong Khát khao cây cỏ, từ đó, cả hai đã cùng hỗ trợ, tồn tại, phát triển. Trong hai chiều mũi tên của sự tương hỗ, vai trò của con người đối với thực vật đã quá rõ ràng, do đó, ở tác phẩm này, Pollan chủ yếu tập trung theo chiều ngược lại, rằng làm thế nào mà những sinh vật vốn luôn bất động có thể điều khiển con người?
BÀI LIÊN QUAN
Những chuyến du hành thú vị
Tương tự những tác phẩm trước như Nào tối nay ăn gì? hay Food Rules – Ăn uống đúng cách, trong Khát khao cây cỏ, Pollan duy trì cách dẫn truyện hấp dẫn, thú vị, hài hước, đầy ắp thông tin, được khảo sát lần lượt qua nhiều lăng kính: từ lịch sử xã hội và tự nhiên, khoa học, báo chí, tự sự, thần thoại, cho đến triết học và hồi ký. Ông tin rằng chính 4 khát khao mang tính bản năng của con người đã ngầm chi phối mối quan hệ trên. Đó là ham muốn vị ngọt được biểu trương bởi cây táo, là hoa tulip và ham muốn cái đẹp, là cây cần sa với ham muốn thoát tục, là cây khoai tây từ ham muốn kiểm soát.
Mỗi một chương sách được viết ra với cách tiếp cận thú vị và lối dẫn chuyện duyên dáng. Pollan đã dành phần lớn thời lượng đào sâu tìm hiểu về lịch sử xã hội của các loài này, qua đó làm rõ hơn mối quan hệ qua lại giữa chúng và con người. Độc giả sẽ được chu du từ những bang miền Nam nước Mỹ khi Johnny Hạt táo gieo trồng rất nhiều rừng táo quanh những địa hình cho phép ở thế kỷ 19, đến đế chế Ottoman và đất nước Hà Lan thế kỷ 17 cùng cơn sốt hoa tulip, hay Ireland với nạn đói chết người bởi quá phụ thuộc vào giống khoai tây một thế kỷ sau…
Không chỉ hướng về lịch sử, Pollan cũng bám rất sát thực tại hiện nay, cho ta thấy nhiều tác động tích cực cũng như tiêu cực khi con người lạm dụng phương tiện khoa học. Một trong số đó là thực phẩm biến đổi gen. Liệu ham muốn kiểm soát trong việc giữ lại những đặc tính tốt để đảm bảo an ninh lương thực có đáng đánh đổi với việc suy giảm nguồn gen của các giống cây và những tác động vẫn còn chưa được đánh giá một cách chính xác đến sức khỏe con người? Tuy là một câu hỏi mở, nhưng nó cũng đã để lại rất nhiều khoảng hở để chính chúng ta tự nhận định và đưa ra quyết định riêng.
Bằng nghệ thuật kể chuyện bậc thầy và khả năng nghiên cứu rộng mở, Michael Pollan đã giúp độc giả bóc tách mối quan hệ cho-nhận phức tạp giữa con người và thiên nhiên, từ góc độ phi chính thống xuất phát từ cây cối. Song song đó là lời kêu gọi gìn giữ sự đa dạng của tự nhiên và lời tự vấn về những công nghệ mới có nhiều khả năng xoay chuyển cục diện theo hướng ta chưa từng biết.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu