Được xuất bản vào năm 2016, đã bán được hàng triệu bản, được dịch sang 16 thứ tiếng, nằm trong danh sách bán chạy nhất ở Nhật Bản, Đài Loan, cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời một người phụ nữ tên Kim Ji Young đã chạm tới hàng triệu trái tim độc giả nữ, bởi đơn giản, họ soi thấy bóng mình trong cô ấy.
Kim Ji Young, sinh năm 1982 mở đầu vào mùa Thu năm 2015, khi Ji Young 34 tuổi, vừa mới sinh con và nghỉ việc ở nhà làm nội trợ, đột ngột mất đi tiếng nói của chính mình: Cô gọi chồng là con rể, cứ như thể đang đóng vai mẹ vợ. Những tưởng vợ cố tình đùa cợt, nhưng rồi chồng cô nhận ra tình trạng tương tự cứ tiếp diễn: Cô lần lượt dùng các giọng nói khác nhau và nhập vào vai của người đang sống, lẫn đã chết.
Vì cớ sự gì mà Kim Ji Young lại rơi vào cảnh ấy? Có lẽ nào cô bị trầm cảm sau sinh như chồng cô nghĩ, nên đã phải cùng chồng đi khám bác sĩ tâm thần? Cuốn tiểu thuyết là bản tường trình của bác sĩ điều trị cho Ji Young, phơi bày một thực tế đầy bất ngờ về thân phận người phụ nữ Hàn Quốc. Những rắc rối ở hiện tại của nhân vật chính đều có nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ những sự kỳ thị mà cô đã nghe, chứng kiến, và chính mình trải nghiệm trong hơn suốt 30 năm cuộc đời.
Chia làm các giai đoạn khác nhau, bản tường trình lần theo các giai đoạn trong cuộc đời người con gái từ lúc còn bé tới lúc đến trường, lúc tốt nghiệp đại học và ra trường đi làm, lúc lập gia đình và có con cái. Nổi rõ mồn một qua từng câu chuyện nhỏ là vấn đề trọng nam khinh nữ nghiễm nhiên được coi là bình thường trong xã hội Hàn Quốc, là những bất công mà nữ giới phải chịu đựng và thậm chí còn không hiểu đó chính là bất công, lẽ dĩ nhiên không dám cất lên tiếng nói phản kháng.
Sự bất bình đẳng thể hiện từ những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày, chẳng hạn như, trong gia đình, chị em gái phải nhường nhịn và chu cấp từ cái ăn cái mặc cho anh em trai; ở trường học, nam sinh được ăn cơm trước nữ sinh; ở công ty, nữ nhân viên phải tiếp rượu cho sếp nam. Như thể mưa dầm thấm lâu, những trải nghiệm ấy dồn nén lại, tạo nên một sự ức chế khó giải tỏa nổi ở Ji Young, mà chính cô cũng không ý thức được. Đỉnh điểm nhất của sự kỳ thị phụ nữ đã đẩy cô vào trạng thái rúng động đến điên loạn khi nghe câu nhận xét bâng quơ của cánh đàn ông: Phụ nữ ở nhà nội trợ là sâu ăn bám đàn ông.
Trong một bài phỏng vấn, Cho Nam Joo tâm sự: “Tôi muốn trải nghiệm của Kim Ji Young phải được xem xét là do giới tính của cô ấy chứ không phải do những khó khăn kinh tế hay hạn chế nảy sinh từ địa phương chủ nghĩa”. Hơn ai hết, tác giả muốn thể hiện được “một người phụ nữ Hàn Quốc bình thường trong thực tế sống một đời sống như thế nào”.
Và quả thật, Kim Ji Young không phải chỉ là một cá thể đơn lẻ bị cướp mất tiếng nói mà còn là hiện thân của những người phụ nữ khác: chị em gái ta, mẹ ta, chị đồng nghiệp, bà bán hàng ở chợ, cô giáo dạy ta môn toán… và cho bất kỳ một phụ nữ nào bị phân biệt đối xử. “Ngột ngạt và thương cảm” là cảm xúc của tác giả khi viết tiểu thuyết này, và hẳn nhiên, cảm xúc ấy giờ đây không còn là của riêng cô mà được sẻ chia bởi tất cả những người đã đọc cuốn sách.
Chuyện về Ji Young khởi sự bằng tình huống đột ngột, làm độc giả dễ liên tưởng đến câu chuyện của người phụ nữ chống lại cả gia đình và xã hội với quyết định không ăn thịt nữa trong Người ăn chay của Han Kang. Nhưng điểm đặc biệt trong tiểu thuyết của Cho Nam Joo lại nằm ở cốt truyện hoàn toàn không có gì gay gắt, hay những tình tiết kịch tính. Bằng giọng văn bình thản, không hề lên gân, song lại đầy âm hưởng nữ quyền, lối văn hư cấu kết hợp với tư liệu, Kim Ji Young, sinh năm 1982 động chạm đến sự kỳ thị nữ giới đã ăn sâu vào nếp nghĩ và cách hành xử của cả một dân tộc, một vấn đề đáng lên án của xã hội gia trưởng Hàn Quốc.
Hơn ai hết, Kim Ji Young, có lẽ, mong muốn được một lần tự do cất tiếng nói của mình trong một môi trường nhiều bình đẳng hơn.
BÀI LIÊN QUAN
—
“Kim Ji Young, sinh năm 1982” vừa được đạo diễn tài năng Kim Do Young chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với sự tham gia đóng chính của “yêu tinh” Gong Yoo và Jung Yoo Mi (bạn diễn ăn ý trong Train To Busan và Silenced). Bộ phim dự kiến ra mắt vào cuối năm 2019.
Nhóm thực hiện
Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE