Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Lưỡng giới: Đi tìm bản dạng giới của chính mình

Bán được hơn 4 triệu bản, được Oprah đưa vào bàn luận ở câu lạc bộ đọc sách nổi tiếng của bà, được hàng loạt những bài điểm sách ngợi ca; đây có lẽ là cuốn sách mới bạn nhất định nên mua dịp cuối Hè.

“Nếu khoái cảm tình yêu mà có thang điểm là 10, thì phụ nữ được ba lần ba. Phần còn lại là của đàn ông”. Hiếm độc giả nào có thể tưởng tượng được đây là câu trả lời của thầy bói mù Tiresias cho câu hỏi giữa thần Zeus và bà vợ Hera trong thần thoại Hy Lạp về chuyện lúc ái ân, đàn ông hay đàn bà là người được hạnh phúc hơn. Và hiếm độc giả nào hình dung nổi, đây là một trong những thứ gây ý tưởng cho Jeffrey Eugenides khởi thảo viết nên tác phẩm Middlesex (Lưỡng giới), giành được giải Pulitzer năm 2003.

Lưỡng giới là một bản trường ca về một chiếc gen đột biến đã phiêu lưu từ bán đảo Tiểu Á của Thổ Nhĩ Kỳ sang vùng Trung Âu nước Mỹ, đến tận thành phố Berlin trong câu chuyện về một gia đình bốn thế hệ người Mỹ gốc Hy Lạp, với nhân vật chính là một đứa bé mang trong mình một điểm đặc biệt.

Trước khi xuất bản Lưỡng giới, Jeffrey Eugenides là nhà văn đã có chút ít tên tuổi trên diễn đàn văn chương Mỹ đương đại. Tác phẩm đầu tay The Virgin Suicides của ông được đón nhận nhiệt liệt (và được nữ đạo diễn Sofia Coppola chuyển thể thành phim điện ảnh nổi tiếng). Ông được tạp chí Granta danh giá bình chọn là một trong những nhà văn trẻ xuất sắc nhất nước Mỹ. Song chỉ với Lưỡng giới, tác phẩm được nung nấu và viết một cách gian khổ trong 9 năm ròng rã với hàng loạt nghiên cứu tài liệu sinh học, y học, lịch sử… Eugenides mới khẳng định vị thế có một không hai của mình bằng một tác phẩm với một nhân vật lưỡng tính.

Trong một cuộc phỏng vấn, Eugenides cho biết trong văn chương, người lưỡng giới thường chỉ được mô tả là nhân vật thần thoại. Chẳng hạn như Tiresias đoán được tương lai, còn Orlando của Virginia Woolf có thể thay đổi từ nam thành nữ một cách kỳ bí. Ông muốn viết về một con người cụ thể, càng chính xác càng tốt, về phương diện sinh học lẫn y học, và quan trọng hơn, cả về phương diện tâm lý, tinh thần của một người lưỡng tính, điều mà ông cảm thấy không thỏa mãn khi đọc tác phẩm tự thuật của một người lưỡng tính Pháp thế kỷ 19, Herculine Barbin.

lưỡng giới 1

Với câu mở đầu đầy độc đáo, “Tôi sinh ra hai lần: Lần đầu, là bé gái, vào một ngày không sương khói khác thường ở Detroit tháng Giêng năm 1960; rồi lần nữa, là thằng nhóc thiếu niên, ở phòng cấp cứu gần thành phố Petoskey, tiểu bang Michigan, tháng Tám năm 1974”, Lưỡng giới ngay lập tức gợi cho người đọc tới những tiểu thuyết nổi tiếng nơi nhân vật chính không ngừng đau đáu về cái thời khắc chào đời và số phận của mình, như David Copperfield của Charles Dickens, hay Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie. Và quả thế, Lưỡng giới là một bản trường thi gia đình, đồng thời là một câu chuyện tuổi mới lớn chi tiết đến sống động. Được viết bằng giọng văn hài hước để miêu tả những nội dung đẫm chất bi kịch, Lưỡng giới kể về gia đình nhà Stephanides, với người ông và bà phạm phải tội loạn luân di cư sang Mỹ sống qua thời Đại suy thoái, với người cha và mẹ vốn là anh em họ, với cô cháu nội đến tuổi thiếu niên đã phải lòng một bé gái khác.

Sinh ra được nhận dạng là nữ giới, được nuôi nấng như một bé gái, song dần phát hiện mình có phần sinh dục nam khi dậy thì, Callie đã bỏ trốn khỏi gia đình trong một chuyến xuyên Mỹ đầy thơ mộng để chuyển sang làm con trai, để đi tìm cái tôi đích thực. Cal/Callie, vì thế, là nhân vật minh họa cho những trăn trở về bản dạng giới, về mối quan hệ giữa tự nhiên và môi trường nuôi dưỡng, về hành trình thiếu niên vật lộn để hiểu được ý nghĩa cuộc đời. Dù chọn cho mình bản dạng nam, nhưng quãng sống là nữ trước đó đã cho nhân vật Cal/Callie độ thấu hiểu vô song về những trải nghiệm của cả hai giới, khiến anh bao dung hơn với mọi người. Vượt lên trên những phân định cứng nhắc, nhân vật của Eugenides khẳng định rằng, “Tôi không bao giờ thấy lạc lõng khi là con gái. Tôi vẫn chẳng thấy hoàn toàn thoải mái khi là đàn ông giữa bọn đàn ông”.

Ý tưởng về một người lưỡng giới đã được triển khai thành công rực rỡ trong một tác phẩm kinh điển đương đại. Tác giả đã trao cho Cal/Callie một quyền kể chuyện vô song: Một người kể chuyện biết tuốt phá, có thể đi xuyên thời gian trở về lúc mình còn chưa ra đời, xuyên không gian lần về quê gốc, vào trong đầu của ông bà nội mình, bố mẹ mình; vừa có thể kể ở ngôi thứ ba, lẫn ngôi thứ nhất.

Với Lưỡng giới, Eugenides không chỉ tạo ra được một người vừa là đàn ông, vừa là đàn bà, một người ở cái thế “lưỡng”; ông còn phá vỡ mọi quy tắc trong văn chương bằng một nhân vật kể chuyện đầy nghịch ngợm. Và ở tác phẩm bom tấn ấy, nhiều hơn một vở bi kịch, nhiều hơn một vở hài kịch, mang đầy hơi hướm thần thoại, nơi hàng loạt cuộc đời và cảnh huống, lạ lẫm, kỳ quặc, được phô bày: Thảm họa lịch sử và số phận cá nhân, cuộc sống của người di dân, mâu thuẫn sắc tộc, giấc mơ Mỹ và sự tan vỡ của nó…

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)