Khi nỗi đau là ngọn nguồn trí tuệ
Ai cũng có niềm đau của riêng mình. Có những nỗi đau đến rồi đi, nhanh chóng và lặng lẽ. Nhưng cũng có nỗi đau nán lại thật lâu và để lại trong tâm trí ta vô vàn vết thương. Vì sợ đau nên chúng ta luôn tìm cho mình thật nhiều cách để nhanh chóng chấm dứt nỗi đau, nhưng lối tắt trong trường hợp này thường không mang lại kết quả như mong muốn.
Thử ngẫm lại trong quá khứ, có bao giờ bạn thử đánh lạc hướng bản thân bằng những thú vui nhất thời, sa đà vào vô số buổi tụ tập với bạn bè, hay thậm chí gây tổn thương cho người khác? Liệu có lần nào các giải pháp này thực sự mang lại hiệu quả? Hay rồi khi trở về một mình, bạn lại cảm thấy buồn bã, cô quạnh và nhận ra rằng mọi chuyện vẫn còn ở đó, chỉ là bạn đang cố ý lờ đi sự hiện diện của chúng trong một vài khoảnh khắc. Rõ ràng, phớt lờ và trốn tránh chưa bao giờ là lựa chọn hợp lý.
Theo đại đức Thích Đồng Tâm, ôm trong mình nỗi đau cũng giống như cắm một viên đạn vào sâu trong da thịt. Thời gian không chữa được, nó chỉ làm bề mặt vết thương khép lại, còn nỗi đau thì vẫn cắm sâu ở đó, liên tục gây đau đớn. Chỉ khi nào chúng ta dám đối diện và mổ xẻ vết thương của mình ra thì mới có thể giải thoát bản thân khỏi đau đớn kéo dài.
Và nếu nhìn rộng ra, mỗi đau đều có những giá trị riêng và là nguồn trí tuệ quý báu dành cho con người. Đói khổ và bệnh tật dạy ta về đức tính cẩn trọng và kỹ lưỡng. Một chuyện tình tan vỡ dạy ta về cách yêu một người. Thất bại trong công việc dạy ta phải nỗ lực, khéo léo, mạnh mẽ và kiên cường. Bất kỳ cuộc chia lìa nào cũng nhắc nhở ta trân quý những người thân yêu xung quanh. Sau mỗi khổ đau, ta lại thêm kiên cường và thấu tỏ cuộc đời, đồng thời trân quý những phút giây hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày.
Hành trình vượt qua đau khổ có thể dai dẳng và đau đớn, nhưng đó không phải là hành trình bị động. Thay vì để nỗi đau dẫn dắt, chúng ta có thể chủ động buông bỏ nó để được tự do và nhẹ nhõm, như Đại đức Thích Đồng Tâm đúc kết trong cuốn sách hay Sát na này là thiên thu:
“Khi ai đó bước ngang cuộc đời ta, dù chỉ trong giây phút hay đi cùng ta trong nhiều năm tháng, thì nên biết rằng họ đến với một sứ mệnh đặc biệt nào đó. Họ có thể mang theo những thông điệp về tình thương hay một bài học khổ đau để cho tâm mình thêm vững chãi. Họ có thể đến và đi rất nhanh, có thể mang đến hạnh phúc hay khổ đau, bình yên hay sóng gió… Tất cả đều để chỉ cho ta cuộc sống vô thường đến thế nào, và thời khắc hội ngộ hiện tại là thời khắc duy nhất và vô cùng quý giá. Nó quý giá đơn giản vì nó chỉ xảy đến một lần trong đời, nó đến rồi đi và ta không cách gì tìm lại được. Vậy nên, gặp nhau là duyên, sống cho hết mình với nhau bây giờ, ngay đây, trong hiện tại!”
BÀI LIÊN QUAN
Mở lòng với nỗi đau để tìm thấy bình an
Đời sống hiện đại phát triển không ngừng, chúng ta nghĩ rằng cái gì mình cũng có. Thế nhưng, chúng ta đâu bao giờ thấy đủ. Chúng ta cứ loanh quanh trải nghiệm, tìm kiếm, mong cầu rồi khổ đau. Khi ấy, ta lại oán trách cuộc đời mình sao quá khó khăn. Nhưng đừng chờ tới khi chìm trong tận cùng khổ đau ta mới chịu thức tỉnh. Như đại đức Thích Đồng Tâm đã nói: “Thế gian này rộng lớn vô cùng, một vị Phật thì không đủ cho tất cả”.
Sau nhiều năm tu học và giảng dạy Phật pháp, đại đức Thích Đồng Tâm đã không ngừng dùng ngòi bút tự sự của mình để chuyển hóa những giáo lý nhà Phật đến từng khía cạnh của cuộc sống, giúp mọi người xóa bỏ sân hận, tuyệt vọng, cô đơn và hướng đến sự an lành trong nội tâm. Ba cuốn sách hay Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu, Tịch tịnh là tập hợp những bài viết ngắn, đôi khi rất ngắn của đại đức Thích Đồng Tâm tựa như lời hỏi han, nhắc nhở và an ủi dành cho độc giả.
Qua những trang sách, đại đức cho chúng ta thấy rằng, dù ngoài trời có mưa rơi, dù phố xá có ồn ào, đông đúc thì chúng ta vẫn có thể tìm được sự tịnh tâm trong tâm trí. Bởi lẽ, tĩnh lặng hay ồn ào là do ta tự quyết định, và có thể sống yên bình hay không là do ta lựa chọn.
Trong Đủ duyên ta lại tương phùng, Thích Đồng Tâm chia sẻ: “Sóng chỉ là sự lay động ở mặt hồ chứ chẳng phải lòng sông đang biến động. Người có nội tâm nông cạn dễ bị dao động và tổn thương trước khổ đau, nghịch cảnh. Khí chất con người, hơn nhau ở sự bình thản, khả năng bất động trước khổ đau và nghịch cảnh đến với mình”.
Từng câu chữ mà Thích Đồng Tâm viết đều như soi chiếu nỗi lòng của từng bạn đọc. Rõ ràng, người hiểu rõ mỗi sinh linh trong cõi đời này đều phải trải qua bao cảm xúc tức giận, đau khổ, tuyệt vọng và cô đơn. Như trong cuốn sách Tịch tịnh, đại đức cho rằng không có đúng và sai trong một lựa chọn, chỉ là chúng có thể sống an ổn với lựa chọn đó không, hay là để sự chọn lựa trở thành vết thương hằn sâu, ám ảnh đời mình. Nếu chúng ta học cách nhìn nỗi buồn với sự chấp nhận và bao dung, nỗi buồn bỗng trở nên thật hiền và khổ đau nào cũng trở nên thật xinh đẹp.
Thông qua những trang sách, Thích Đồng Tâm mong muốn bạn đọc gần xa có thể bình thản đối diện với những nỗi đau xảy đến trong đời mình để “sống trong an lạc, tự tại, an nhiên, sớm rũ bỏ khổ đau để sống trong tình thương và ánh sáng của những bậc trí tuệ”.
Không chỉ vậy, tiếng gọi “người thương” gần gũi, ân cần, tràn đầy yêu mến của Thích Đồng Tâm ở mỗi trang sách còn đưa người đọc lại gần hơn với những suy nghiệm của tác giả về cuộc đời và con người. Từ đó, ta cũng mở lòng và vững vàng hơn trên hành trình đối diện với khổ đau để tìm đến những phút giây bình an cho riêng mình.
Nhìn chung, cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Những bi kịch đóng vai trò như những điểm trũng trong đồ thị cuộc đời, giúp chúng ta thêm trân trọng niềm vui. Nhờ nó mà tiếng chim hót, nhành hoa nở càng thêm đáng quý; người với người càng yêu thương nhau và ta lại thêm trân trọng sự sống của chính mình – món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng. Nếu lúc nào đó, bạn cảm thấy đau khổ với cuộc đời, hãy nhớ lấy lời dạy trong những trang sách của đại đức Thích Đồng Tâm: “Chơi được với khổ đau của chính mình, người mới gọi là an nhiên!”
Nhóm thực hiện
Tham khảo: First News