Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Ngàn cánh hạc: Độ tối của thân phận, độ sâu của tội lỗi

Gợi cảm đến đầy nhục dục, tinh tế đến mơ hồ, đẹp đẽ đến đau đớn, Ngàn cánh hạc của Kawabata đào sâu vào số phận những cá nhân bị nhấn chìm trong tội lỗi.

Kawabata Yasunari, người Nhật đầu tiên được nhận giải Nobel văn chương, từng tuyên bố trong diễn từ nhận giải của mình: “Coi tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của tôi như một sự khơi gợi cho vẻ đẹp tinh thần và nghi thức của trà đạo là một cách hiểu sai. Nó là một tác phẩm phủ định nhằm nói lên nghi ngờ và cảnh báo với sự thô thiển mà nghi thức trà đạo đang sa vào”. Quả thật, những tính toán nhỏ nhen, những thao túng quyền lực, những hệ lụy thể xác đều như bày ra trong một bữa tiệc trà trong tác phẩm này của Kawabata. Thay vì là kết nối hòa hợp con người với thiên nhiên thông qua những động tác chuẩn xác để gợi đến sự tinh khiết và an nhiên, trà đạo trong Ngàn cánh hạc là nơi những nọc độc phát tiết và phun trào.

Ngàn cánh hạc mở đầu bằng chuyến đi của nhân vật chính là chàng trai trẻ Kikuji đến một buổi tiệc trà trong chùa Engaku ở Kamakura. Chỉ trong chương đầu tiên của tiểu thuyết, Kawabata bày ra trên sân khấu là trà thất cùng tất cả dụng cụ và lễ nghi trà đạo, toàn bộ hệ thống nhân vật với những mối quan hệ thân sơ mà rối rắm, ẩn hiện đầy thân tình lẫn ghen ghét. Dường như những gì tiếp biến ở các phần sau chỉ là sự triển khai một cách cụ thể hơn chuyện đã xảy ra trong buổi trà: cuộc sống của Kikuji bị chi phối bởi bốn người phụ nữ có mặt ở buổi chiều hôm ấy: Sư phụ Kurimoto Chikako cùng đệ tử của bà là Yukiko, phu nhân Ota cùng con gái Fumiko. Rất nhanh chóng, Kikuji bị cuốn vào mối quan hệ tình cảm với bà Ota, người hơn anh hơn hai mươi tuổi. Bị con gái phản đối cùng cực, lại dằn vặt khôn nguôi vì yếu lòng, bà Ota tìm đến cái chết. Kikuji chuyển tình yêu của mình sang Fumiko. Và xuyên suốt tác phẩm là sư phụ trà đạo Chikako với chiếc bớt màu đen trên ngực như phun tỏa nọc độc ra khắp những ai liên đới tới bà, khi xúc xiểm, khi gian trá, có mặt mọi nơi, can thiệp mọi chuyện.

Kỳ lạ thay, các bản dịch Ngàn cánh hạc tiếng Việt cũng như các thứ tiếng khác như tiếng Anh, Pháp, Đức đều dừng lại ở phần đầu tiên của tác phẩm nơi Kikuji bị bỏ lại một mình. Trong tiếng Nhật, tác phẩm Ngàn cánh hạc được chia ra làm hai phần lớn là “Ngàn cánh hạc” và “Cánh chim trên sóng”. Bản dịch Ngàn cánh hạc mới đã bổ sung phần thứ 2 và 2 chương nhỏ được coi là đang viết dở của Kawabata. Việc thêm phần thứ 2 “Cánh chim trên sóng” vào đã làm thay đổi một cách triệt để toàn bộ tiểu thuyết này xét trên bình diện nội dung lẫn cấu trúc của truyện kể khi chuyển sang một quãng đời hoàn toàn mới của Kikuji. Anh đã kết hôn cùng cô gái khác trong giai đoạn được gọi là “gia đình mới”. Cái kết truyện cũ giờ đây trở thành kết chương, và cảm giác hụt hẫng của người đọc khi Fumiko đột ngột biến mất được thay thế bằng sự choáng váng đến tươi mới của cuộc tân hôn bất ngờ. Trọng tâm của truyện đã đổi sang phía người con gái mang chiếc khăn furoshiki in hình ngàn cánh hạc mà ở phần đầu chỉ xuất hiện vô cùng mờ nhạt.

Ngàn cánh hạc review sách hay

Lấy được người con gái trong sạch và thuần khiết những tưởng Kikuji giờ đây sẽ có được yên ổn, nhưng anh lại bị giày vò bởi mặc cảm tội lỗi. Bằng ngòi bút miêu tả tâm lý sắc sảo, Kawabata đào sâu vào những bất ổn thường trực của người chồng luôn thấy mình ô uế, không xứng đáng để tận hưởng tình yêu mới bởi nỗi ám ảnh không dứt của anh với người tình cũ.

Trong Ngàn cánh hạc, Kawabata miêu tả những dụng cụ uống trà được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ tay người này sang tay người khác. Và thân phận những người theo trà đạo dường như gắn bó khăng khít với những dụng cụ khi gương mặt và thân hình của họ ánh lên cái chén họ dùng, khi tình yêu và tội lỗi được truyền từ bố mẹ họ sang con cái họ. Bà Ota nhìn thấy hình ảnh người tình cũ trong hình dáng con trai ông. Đến lượt Kikuji nhìn thấy hình ảnh của bà Ota trong Fumiko. Fumiko đã tìm cách phá vỡ lời nguyền ấy bằng cách đập một cách đầy kịch tính cái chén uống trà có vệt son môi của mẹ. Còn Kikuji, để rũ bỏ hình ảnh Fumiko, để tiếp tục sống với vợ mà anh cũng yêu đắm say, đã đem bán cả bình đựng nước Shino lẫn chiếc chén trà Oribe đẹp đẽ năm xưa. Sự đoạn tuyệt với dụng cụ uống trà trở thành một ẩn dụ cho sự đoạn tuyệt với quá khứ, với những bóng ma cũ.

Ngàn cánh hạc là tác phẩm thể hiện bút pháp đỉnh cao của Kawabata trong nghệ thuật khơi gợi đầy ám ảnh bằng hình ảnh. Đâu chỉ riêng Kikuji mà dường như cả độc giả cũng bị mê hoặc bởi hình ảnh ngàn cánh hạc trên chiếc khăn furoshiki màu hồng đào của Yukiko. Những đối lập sạch sẽ/ bẩn thỉu, ô uế/trong trắng, tinh khiết/ dục vọng chạy xuyên suốt trong tác phẩm nhưng lại được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ lãng đãng đầy hình ảnh đến mức văn xuôi của Ngàn cánh hạc như những làn sóng mỹ cảm làm chấp chới mọi lằn ranh, đẩy nhân vật vương vào những bi kịch nhân sinh, không lối thoát.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)