[Review sách hay] Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ – Quyển trinh thám kỳ bí về tâm lý người phụ nữ
Nghẹt thở, hồi hộp và cuốn hút, hơn 400 trang sách của Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ là một chuyến phiêu lưu đầy cảm xúc với độc giả.
Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ (The Woman in the Window) là tiểu thuyết trinh thám, kỳ bí đầu tay của tác giả A. J. Finn (tên thật là Dan Mallory). Xuyên suốt tiểu thuyết là những tình huống mù mờ, xoáy sâu vào phân tích tâm lý của nhân vật chính khi chứng kiến một vụ án mạng. Tưởng chừng như nhàm chán nhưng nhờ cách sắp xếp tình tiết hợp lý, giọng văn không đáng tin cậy qua lời kể của ngôi thứ nhất, Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ đã lôi cuốn người đọc qua từng trang sách. Có thể nói, đây là quyển sách hay dành cho những độc giả yêu thích sự hồi hộp của trinh thám kết hợp với nét bí ẩn của thể loại tâm lý, buộc bạn phải kiên nhẫn theo dõi đến trang cuối cùng để khám phá sự thật.
Nội dung của Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ xoay quanh Anna Fox – cựu bác sĩ tâm lý trẻ em, đang nghiện ngập và mắc chứng sợ khoảng không rộng nên không thể ra khỏi nhà. Tuy đã ly thân nhưng Anna vẫn giữ liên lạc với chồng con qua iPad. Hoạt động hằng ngày của cô chủ yếu là xem phim, đánh cờ, trò chuyện qua mạng xã hội và theo dõi hàng xóm qua chiếc máy ảnh Nikon. Bên cạnh người trị liệu Bina và bác sĩ tâm lý Fielding, Anna dần làm quen với 2 người hàng xóm mới dọn đến là Ethan và Jane Russell.
Nếu người mẹ Jane có phần cởi mở với Anna khi cùng trò chuyện, tâm sự cùng cô về con cái, thì cậu con trai Ethan lại có phần nhút nhát của một đứa trẻ bị bạo hành. Là một bác sĩ tâm lý không thiếu tình thương dành cho trẻ em, Anna ngày càng quan tâm đặc biệt đến Ethan và thường xuyên dùng máy ảnh để theo dõi nhà cậu. Đến một ngày, cô chứng kiến vụ án mạng mà Jane là nạn nhân trong chính ngôi nhà Russell, nhưng đáng tiếc, không một ai tin lời người phụ nữ đã lâu không bước chân ra khỏi nhà. Giữa những cơn ảo giác ngày một lúc càng tồi tệ do nghiện ngập, Anna cũng không chắc những điều cô chứng kiến liệu có phải là sự thật.
Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ được kể theo ngôi thứ nhất, theo góc nhìn nửa thật nửa hư của Anna. Chính vì thế, tác giả A. J. Finn dễ dàng dẫn dắt độc giả, đưa họ qua những trải nghiệm không đáng tin cậy của nhân vật chính và đó là yếu tố then chốt của quyển sách hay này. Gần nửa đầu của Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ có thể không lôi cuốn với những độc giả thiếu sự kiên nhẫn, khi tác giả chỉ xoay quanh cuộc sống đời thường của Anna với những lối sinh hoạt quen thuộc. Đến khi làm quen với gia đình Russell, mạch truyện bắt đầu được đẩy mạnh và khi vụ án xảy ra, độc giả khó mà buông được quyển sách khi các tình tiết ngày càng dồn dập hơn. Hàng loạt manh mối thật, giả được tung ra như đôi hoa tai của Jane, bức ảnh về Jane và lời nói sợ sệt của Ethan qua điện thoại… tất cả đều được cài cắm như những bộ phim noir mà Anna đang theo dõi.
Nhờ cách xây dựng nhân vật chính không đáng tin cậy mà khi sự thật được hé mở, Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ hoàn toàn thuyết phục độc giả đây là một quyển sách hay. Bên cạnh những chứng cứ vật lý, tác giả A. J. Finn đòi hỏi người đọc phải theo dõi diễn biến tâm lý của các nhân vật. Với nhân vật Anna, chính biến cố từ 10 tháng trước đã khiến cô mắc chứng sợ khoảng rộng và chìm đắm trong nghiện ngập. Lợi dụng sự mất mát của Anna, thủ phạm đã thao túng tâm lý cô, khiến cô ngày càng bế tắc với những chuyện đang xảy ra. Hắn ta từ từ cô lập Anna, khiến cô đánh mất niềm tin với những người thân còn sót lại. Khi các chi tiết mơ hồ về vụ án ngày càng được thuyết phục là cơn ảo giác của Anna thì 2 cú plot twist đã xuất sắc lật lại toàn bộ câu chuyện một cách ngoạn mục.
Là nam giới nhưng tác giả A. J. Finn đã triển khai diễn biến tâm lý của Anna một cách xuất sắc. Nhân vật chính của tác phẩm ban đầu là một người phụ nữ yếu đuối, suy sụp tinh thần nhưng qua vụ án mạng của Jane Russell, độc giả có thể thấy rõ sức sống mạnh mẽ của phụ nữ, đặc biệt là của một người mẹ. Cả chứng sợ khoảng rộng và việc nghiện ngập đều bắt nguồn từ chính lỗi lầm của Anna, khiến chồng và con phải rời xa cô. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, buộc Anna phải tỉnh táo, chấp nhận sự thật và mạnh mẽ khi đánh bại hung thủ.
Hắn ta có thể lợi dụng những sai lầm của Anna, về hành động ngoại tình và tai nạn khiến cô đánh mất gia đình, để thao túng cô. Tuy nhiên, hắn không thể nào tước đi bản năng mạnh mẽ của người phụ nữ khi bảo vệ chính bản thân và gia đình. Giây phút Anna chấp nhận chồng và con không còn là lúc cô chuyển hóa sự mất mát đó thành năng lượng tinh thần, thành niềm tin mãnh liệt rằng hung thủ không thể nắm giữ tinh thần cô được nữa. Chính sức mạnh đó đã giúp Anna vượt qua chứng sợ khoảng rộng, bước lên mái nhà và đối mặt trực diện với hắn ta.
Ngay khi Anna tỉnh táo và sắp làm sáng tỏ mọi việc, hung thủ đã lật bài ngửa và phơi bày mọi chuyện. Quá khứ đáng thương của hung thủ không tài nào bao biện được những tội ác mà hắn đã gây ra với chính mẹ ruột và những người phụ nữ bị hắn tấn công. Nhờ góc kể chuyện của ngôi thứ nhất mà Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ dễ dàng đánh lừa khán giả về kẻ đứng sau sắp đặt mọi việc. Khi xâu chuỗi lại những manh mối, có thể thấy được hắn đã từng bước tìm hiểu về Anna, cách mà hắn hứng thú trước sự bất ổn của cô và qua đó, dễ dàng chiếm lòng tin, đột nhập vào nhà Anna và đẩy cô vào những cơn ảo giác điên loạn.
Bên cạnh phân tích tâm lý nhân vật, Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ cũng là lời cảnh tỉnh đến độc giả trước lối sống thiếu cảnh giác ngày nay. Điện thoại thông minh, laptop, mạng xã hội và thậm chí là chùm chìa khoá, những thứ mà chúng ta tự tin về khả năng an toàn, những thứ nắm giữ nhiều bí mật lại là thứ dễ phản bội chúng ta nhất. Hung thủ đã lợi dụng những thói quen nhỏ qua những mẫu nói chuyện vô thưởng vô phạt để khai thác những kẻ hở tưởng chừng như an toàn của Anna. Có thể sau tiểu thuyết này, nhiều độc giả sẽ giật mình tự hỏi, liệu chúng ta có đang chia sẻ quá nhiều?
Nghẹt thở, hồi hộp và cuốn hút, hơn 400 trang sách của Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ (theo bản dịch của Nhã Nam) là một chuyến phiêu lưu đầy cảm xúc với độc giả. Khi hung thủ bị lật tẩy trong những trang cuối cùng, đó là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho sự kiên nhẫn của người đọc. Vào thời điểm ra mắt, Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ đã lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ. Quả là thành tích xuất sắc dành cho tiểu thuyết trinh thám, kỳ bí đầu tay của một nhà văn mới.
Quyển sách hay của tác giả A. J. Finn đã được chuyển thể thành phim do đạo diễn Joe Wright – người được đề cử 1 Quả cầu Vàng cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác, thực hiện dựa trên kịch bản của Tracy Letts. Bộ phim có sự góp mặt của Amy Adams – nữ diễn viên được đề cử 6 giải Oscar – cùng Gary Oldman – chủ nhân của 1 tượng vàng Oscar đóng vai chính. Phim dự kiến sẽ khởi chiếu tại Việt Nam với tên Việt hoá là Bí Mật Bên Khung Cửa. Đoạn trailer với độ dài hơn 2 phút cho thấy nội dung phim vẫn giữ được tinh thần chính của tiểu thuyết gốc và diễn xuất của Amy Adams hoàn toàn là điểm sáng.
Nếu đã đọc Người Đàn Bà Sau Cửa Sổ, bạn sẽ đến rạp để xem bộ phim chứ?
Bài: VLynd
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE