[Review sách hay] Người giao sữa và thời kỳ ngột ngạt
Năm 2018, lần đầu tiên một tác giả người Bắc Ireland được trao giải Man Booker – Anna Burns – với cuốn sách “Người giao sữa”.
Cuộc đời Burns có đầy đủ các chi tiết để biến bà thành huyền thoại: Bà viết cuốn sách Người giao sữa khi toàn thân đau đớn vì một ca phẫu thuật hỏng, và từ sau khi hoàn thành nó đến nay bà không thể viết tiếp được gì; bà sống nhờ trợ cấp, cụ thể là ngân hàng lương thực; bà sung sướng hân hoan vì có thể dùng tiền thưởng để giúp mình sạch nợ.
Dường như có một khoảng cách khủng khiếp giữa hai thời điểm: lúc bản thảo cuốn sách Người giao sữa bị hàng loạt nhà xuất bản từ chối, và lúc toàn bộ thành viên ban giám khảo nhất trí chọn trao giải Man Booker cho nó. Người giao sữa kể về một cô gái 18 tuổi không tên bị một gã đàn ông trung niên rình mò ở một thành phố không tên, tại một đất nước không tên. Là một cuốn tiểu thuyết cực kỳ khó đọc, được viết với phong cách văn chương lạ lùng, với giọng kể độc nhất vô nhị, Người giao sữa là tiếng nói nữ quyền về thân phận người phụ nữ trong thời kỳ loạn lạc.
Câu mở đầu ấn tượng của Người giao sữa gần như thâu tóm được toàn bộ không khí đầy đe dọa của tác phẩm: “Ngày Ai Đó McAi Đó kê súng vào ngực mà gọi tôi là đồ đĩ rồi dọa bắn cũng là ngày người giao sữa chết”. Cô gái bị dọa bắn ấy có thói quen vừa đi vừa đọc sách, một thói quen bị mọi người gièm pha và phản đối, bởi ở xã hội nơi cô sống thì hành động xách thuốc nổ dẻo Semtex đi quanh được coi là bình thường còn đọc Jane Eyre trước mắt mọi người lại là bất bình thường.
Chính vì sống ở một thời kỳ quái đản như vậy mà một sự việc đáng lo ngại xảy đến với cô lại bị gạt đi một cách nhẹ bẫng: Cô bị một người đàn ông trung niên, mà cô gọi là người giao sữa, đeo bám, gạ gẫm. Hắn tỏ ra quen biết cô, rành rõi chuyện gia đình cô, hắn đe dọa giết bạn trai của cô. Hành động quấy rối ngày một leo thang: Hắn rình rập cô khắp mọi nơi, thuộc lịch làm việc và học hành của cô. Sinh ra trong một gia đình có mười một anh chị em, với các chị lớn đã đi lấy chồng, các anh trai đã bỏ đi hoặc chết vì theo phe ly khai, với một ông bố chết vì trầm cảm, với một bà mẹ ngoan đạo dằn vặt cô vì mãi chưa chịu lấy chồng, cô không có cách nào tự phòng vệ. Cô không biết tâm sự cùng ai, mà cũng không biết làm cách nào đáp trả những hành vi quấy rối của gã giao sữa. Ấy vậy mà, cô bị chính người trong gia đình của mình quy kết là đang có quan hệ tình cảm với người giao sữa. Bị anh rể thêu dệt đời tư, bị hàng xóm đồn thổi, bị cả cộng đồng xa lánh, cô rơi vào một tin đồn hiểm ác mà không thể rửa sạch.
Bằng câu chuyện rõ ràng về tình trạng dễ tổn thương không nơi bấu víu của một cô gái say mê sách vở, Burns dần làm sáng tỏ tại sao cô gái 18 tuổi ấy lại lạc lối trong cái thời đại mình đang sống. Chính trị thấm đẫm trong mọi cuộc chuyện trò, mọi hành động, mọi suy nghĩ của các nhân vật trong cuốn sách. Lớn lên ở Belfast trong giai đoạn xung đột vũ trang ở Bắc Ireland giữa phe ly khai và phe chính phủ, Burns chứng kiến và không thôi bị ám ảnh bởi chính những bạo lực ấy.
Nhân vật “chị tư” của bà sống trong một cộng đồng phân rã và xung đột vì chính trị, nơi sự phe phái phân chia rạch ròi rõ nét giữa “ta và họ”, nơi mọi sự hớ hênh vi phạm phạm vi cũng có thể dẫn đến cái chết, nơi đánh bom và bắn súng diễn ra hằng ngày, nơi tang tóc diễn ra ở mọi nhà. Nhưng Burns chọn một lối đi riêng, như chính bà đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: “Tiểu thuyết của tôi viết về cả một xã hội bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong một quãng thời gian dài dặc và tồn tại dưới sức ép căng thẳng. Nó viết về cách mà các xã hội cùng với cá nhân phản ứng và phân rã khi mỗi ngày đều phải sống trong sợ hãi xen lẫn hoang tưởng và về những con người phải khốn khổ vì những tổn thương ở cả ý thức lẫn tiềm thức lén lẩn vào từng sợi từng thớ trong bản thể của họ”.
Burns đã chọn một cách vô cùng độc đáo khi tạo ra các nhân vật của mình: tuyệt đối không đặt tên. Nhân vật chính được gọi là “chị tư”, cô gọi các chị của mình theo thứ tự “chị đầu, anh rể đầu, chị hai, anh rể hai”. Cô đặt biệt danh cho những người xung quanh: “bạn trai hờ”, “thằng bé hạt nhân,” “đứa con gái hạ độc”. Sự phiếm chỉ ấy được tác giả áp dụng cả cho thời gian câu chuyện này xảy ra, “giai đoạn nhiễu nhương” (mà chỉ một đôi lần nhân vật chính có nhắc đến thoáng qua là thập niên 70), cho cả vùng đất nơi Anh được gán cái tên “đất nước bên kia biển”, còn Ireland thì trở thành “bên kia ranh giới”.
Được viết bằng thứ ngôn ngữ hòa trộn giữa lời ăn tiếng nói hằng ngày với văn chương tinh hoa và những pha chơi chữ tài tình, dòng tự sự thì miên man những suy nghĩ, những câu chuyện bên lề, cuốn sách Người giao sữa được nhiều nhà phê bình so sánh với thứ văn chương dòng ý thức bất tận. Tù túng, bi kịch xen lẫn hài hước, đây là một tác phẩm độc đáo khai thác cách bạo lực bị bình thường hóa đã tác động lên cách sống của cá nhân và cả xã hội. Nó cũng là một tiếng chuông vang vọng về cảnh huống con người bị giám sát, bị đưa vào vòng vây của tin đồn trong một cộng đồng bị kìm nén ngộp thở mà không thể nào tự cất tiếng giải thích.
Bài: Zét Nguyễn
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE