Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Người mắt kép – Dụ ngôn ám ảnh về sinh thái

Được viết bằng thứ bút pháp điêu luyện đan bện giữa hiện thực và huyền ảo, Người mắt kép là một dụ ngôn đầy rúng động về môi trường và sự hủy diệt của con người đối với hệ sinh thái.

Wu Ming-yi (Ngô Minh Ích), học giả văn chương, nhà hoạt động môi trường kiêm họa sĩ, là nhà văn Đài Loan duy nhất cho đến thời điểm này được lọt vào danh sách sơ khảo giải Booker quốc tế danh giá. Anh được các văn sĩ tiền bối, như Ursula K. Le Guin, ngợi ca hết lời, được giới phê bình so sánh với những nhà văn lớn của thể loại giả tưởng như David Mitchell và Haruki Murakami. Tác phẩm đầu tiên được dịch sang tiếng Anh của anh, Người mắt kép được tụng ca như một Cuộc đời của Pi của Đài Loan.

Ở trung tâm của cuốn tiểu thuyết là sự kiện một vực xoáy rác được sóng lớn đánh ập vào bờ biển huyện Haven, một thị trấn du lịch xinh đẹp một bên là núi một bên là biển, ít nhiều được dựng trên hình mẫu là thành phố Hoa Liên của Đài Loan, nơi tác giả từng sinh sống. Từng đọc và bị ám ảnh ngày đêm về Đảo rác Thái Bình Dương nơi tập hợp các loại rác thải trên biển được phát hiện hồi năm 1999, kết hợp với niềm đam mê biển cả và kiến thức về biến đổi khí hậu, Wu Ming-yi dùng trí tưởng tượng của mình để hình dung ra cảnh một ngày nào đó vực xoáy rác ấy đập vào vùng duyên hải Đài Loan và gặp chính những người đã thải ra rác, chính là con người chúng ta.

review sách hay người mắt kép
Ảnh: Unsplash/NMG Network

Chia làm mười một chương, mỗi chương lại bao gồm các câu chuyện nhỏ ít nhiều liên quan tới nhau kể về số phận của nhiều nhân vật, Người mắt kép như thể một đa tự sự về những mảnh đời đầy bất ổn, mà hai trục chính của nó lần lượt là: số phận của cậu thiếu niên tên Atile’i trên hòn đảo Wayo Wayo và cuộc sống của một nữ giảng viên đại học tên là Alice có chồng và con trai bị mất tích trong một chuyến leo núi. Trong khi Atile’i là đứa con trai thứ, buộc phải đi ra biển để tự sát, và cuối cùng dạt vào hòn đảo rác khổng lồ, thì Alice lại ngày ngày đương đầu với nỗi đau đớn mất con và luôn tìm cách để tìm đến cái chết một cách dễ dàng. Tình cờ gặp gỡ, số phận của họ bị biến đổi vĩnh viễn.

Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết còn kể về số phận của một vài nhân vật sống ở huyện đảo. Bằng ngòi bút tài tình của Wu Ming-yi, số phận của họ lần lượt trải qua, dưới lăng kính những đam mê và bi kịch cá nhân, những biến đổi của môi trường, khiến họ không ngừng choáng váng mà nhận ra sự khác biệt dữ dội giữa xưa và nay, giữa trước mất mát và sau mất mát.

Tiểu thuyết về khí hậu (cli-fi hay “climate fiction”) là một thể loại mới xuất hiện lần đầu vào năm 2013, và thường được coi là do Dan Bloom, một nhà văn nghiệp dư sáng tạo ra. Không lấy làm khó hiểu khi nhiều nhà phê bình xếp Người mắt kép vào thể loại này. Điểm đặc biệt của Người mắt kép với tư cách một tiểu thuyết về biến đổi khí hậu là tích hợp được vô số đề tài môi trường khác nhau dù chỉ vỏn vẹn gần 400 trang: nó là những câu chuyện đầy ám ảnh và bạo lực về săn cá voi và hải cẩu, về những công đoạn đào hầm xuyên núi đi kèm là những tai nạn sập đường hầm, là hiện tượng nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường với những thiên tai cuốn phăng mạng người và tài sản. Những câu chuyện ấy được Wu Ming-yi đưa vào tác phẩm hết sức tự nhiên, bởi hơn ai hết, anh là người trực tiếp tham gia vào các nhóm hoạt động vì môi trường. Độc giả có lẽ ít nhiều tìm thấy những nét đồng điệu của Người mắt kép với cuốn tiểu thuyết gần đây của anh là Chiếc xe đạp mất cắp, ở khả năng sử dụng tư liệu để trình ra một phác thảo về đời sống hay lịch sử người Đài Loan, ở thứ văn chương rất khó phân tách giữa hiện thực và huyền ảo.

Người mắt kép, như chính lời tác giả tâm sự, là cuốn tiểu thuyết đi sâu vào nỗi tuyệt vọng của mỗi cá nhân đan xen nỗi tuyệt vọng của con người sau khi hiểu ra được hậu quả của sự tàn phá tự nhiên. Những nỗi buồn khi phảng phất, khi sâu lắng, bao trùm lên toàn bộ các câu chuyện. Tác phẩm không chỉ là hành trình khám phá bản sắc dân tộc Đài Loan, hay đơn giản chỉ là lời tố cáo giản đơn về cái giá con người phải trả khi chọn lựa phát triển kinh tế mà khai thác đến kiệt quệ thiên nhiên. Ở một tầm cao hơn, nó là chiêm nghiệm sâu sắc về chủ thuyết nhân vị: liệu con người có thật là lực lượng tối cao nhất trong mối quan hệ với môi trường, vũ trụ?

hình ảnh_2021-10-21_091222.png

[TIKI] Người mắt kép

hình ảnh_2021-10-21_091511.png

[Fahasha] Người mắt kép

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Hình ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)