[Review sách hay] “Nhà điên”: Ám ảnh với điên loạn
Được mệnh danh là nhà văn lớn nhất của nền văn học Brazil, Machado De Assis, với phong cách viết vừa hiện thực lại vừa trào lộng, đi sâu vào những khía cạnh đầy cắc cớ trong đời sống.
Phê bình gia nổi tiếng người Mỹ Harold Bloom liệt kê Machado de Assis vào danh sách 100 thiên tài văn chương của thế giới, cùng với những Shakespeare, Joyce, Kafka. Susan Sontag coi ông là “văn hào vĩ đại nhất được sản sinh ra ở Mỹ Latinh”. Nhà điên, truyện vừa nổi tiếng nhất của ông, đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới, là một minh họa rõ nét cho kỹ thuật hư cấu táo bạo của một nhà văn luôn ám ảnh bởi sự điên rồ của con người.
Lấy bối cảnh là thành phố Itaguaí, gần Rio de Janeiro, khi Brazil còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha vào thế kỷ 18, Nhà điên kể về cuộc đời đầy éo le của một vị bác sĩ tên là Simão Bacamarte. Sau khi du học thành công ở Bồ Đào Nha và Ý, ông trở về quê hương để phụng sự, với tôn chỉ “khoa học là mối quan tâm duy nhất”. Sự thú vị và quái đản của nhân vật chính này nằm ở chỗ mấu chốt nhất: ông cống hiến cả xác lẫn hồn cho khoa học. Nhưng chính khoa học lại đem đến cho ông bao trắc trở khôn lường, từ đời tư cho đến sự nghiệp.
Ông chọn vợ mà loại bỏ yếu tố nhan sắc, chỉ tính đến các khía cạnh làm sao để người phối ngẫu “kết hợp được những đặc tính cơ thể học và sinh lý học hạng nhất”, nhằm mục đích cho ông những đứa con khỏe mạnh. Nhưng mọi sự bất ngờ ập đến trong đời sống, những tính toán của ông đều bị thất bại khi vợ ông là Dona Evarista làm cho triều đại Bacamarte tuyệt chủng vì không sinh được đứa con nào.
Bacamarte lại bám víu vào khoa học mà gượng dậy và chìm đắm vào việc nghiên cứu một lĩnh vực ngóc ngách ít người quan tâm, đó là sức khỏe tâm thần – bệnh điên. Thuyết phục được hội đồng của thành phố chỗ ông sống, nơi những kẻ mất trí hoặc bị nhốt trong nhà hoặc bị bỏ mặc lang thang ngoài đường, ông xây dựng một dưỡng trí viện để làm nơi cư trú và chữa trị cho những người loạn thần, đặt tên là “Casa Verde” – Nhà Xanh Lá. Sau khi khánh thành thành công rực rỡ, dưỡng trí viện bắt đầu đón tiếp lũ lượt người điên. Tham vọng được đội vòng nguyệt quế bất tử nhờ sự vĩ đại của Bacamarte rất lớn: ông muốn “nghiên cứu sâu về bệnh điên ở mọi cấp độ, phân loại từng triệu chứng” và tìm ra nguyên nhân đích thực cũng như cách chữa trị. Ông mất ăn mất ngủ lao vào dự án vĩ đại nhất đời mình.
Khát khao phân định rạch ròi các ranh giới giữa điên và tỉnh, nơi tỉnh được coi là “sự cân bằng tối ưu của mọi năng lực”, còn ngoài phạm vi đó ra chỉ là “điên, điên, và điên mà thôi”, từng bước từng bước một bác sĩ Bacamarte tống vào dưỡng trí viện hằng hà sa số người dân thành phố, bao gồm cả vợ mình. Từng được tụng ca không ngớt lời, Casa Verde giờ đây thành đại họa, vì tiêu chí điên – tỉnh giờ đây mù mờ hơn bao giờ hết, và nhà tâm thần học Bacamarte bắt đầu bị chửi rủa là kẻ độc tài ác ôn. Nổi loạn xảy ra, nhằm lật đổ cái “ngục Bastille của lý trí loài người”. Xuất phát với niềm tin rằng, “khoa học có một khả năng siêu phàm khôn tả là chữa lành mọi bất hạnh”, Bacamarte cương quyết không chịu từ bỏ xác tín khoa học mà ông coi mình là hiện thân của cả lý thuyết lẫn thực hành.
Chống lại sự giả tạo, giễu nhại sự thái quá của niềm tin vào khoa học, trào lộng mọi nỗ lực sắp xếp trật tự cực đoan cứng nhắc, Machado là bậc thầy của thứ văn chương hài hước mà sâu cay. Dịch giả Clotilde Wilson, người đã chuyển ngữ tác phẩm Triết gia hay con chó của Machado de Assis sang tiếng Anh, nhận định rất chính xác rằng: “Ông viết về sự điên rồ không phải với tư cách là người sợ hãi nó, mà đúng hơn là người chào đón coi nó như là lối thoát cho nỗi buồn bã khôn kham của hiện thực”. Nhà điên đem lại cho độc giả tiếng cười sảng khoái, và khiến cho ta tự nhìn nhận lại chính mình: liệu, trong rất nhiều lát cắt giai đoạn cuộc đời, ta có lúc nào bị liệt vào những nhóm mà vị bác sĩ đã liệt kê ra, và có nguy cơ bị tống vào nhà điên?
Bài: Zét Nguyễn
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE