[Review sách hay] Những cậu bé kẽm – Nỗi buồn hiện hữu có trăm phản chiếu
Chân thực, rúng động, dám phơi bày những hiện thực luôn bị tránh né và chôn vùi, Những cậu bé kẽm được xem là tác phẩm “nơi thiên đường gặp địa ngục”.
Svetlana Alexievich, cây bút Belarus đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học năm 2005, là một trong những nhà văn hiếm hoi bị ra tòa, vì những gì mình viết. Tác phẩm Những cậu bé kẽm của bà bị chính những người bà phỏng vấn và gia đình của họ kiện.
Những cậu bé kẽm là tập hợp lời những chứng nhân gồm cả người trực tiếp tham gia lẫn gia đình những binh lính của cuộc chiến tranh Liên Xô – Afghanistan kéo dài hơn chục năm từ 1978 đến 1989. Ngay cả trong và sau thời điểm chiến tranh diễn ra, nhân dân Liên Xô gần như không biết được gì nhiều về cuộc chiến. Nhà nước và báo chí không cung cấp thông tin. Những người xung phong được bảo rằng họ đi làm nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng, giúp nhân dân Afghanistan anh em: “Trên báo viết rằng binh lính chúng ta xây cầu, trồng cây trên những con đường hữu nghị, còn các bác sĩ chúng ta điều trị cho phụ nữ và trẻ em Afghanistan”.
Phần lớn họ tin và tưởng tượng ra những điều lãng mạn đợi chờ họ ở phía trước, để rồi chỉ trong vài tuần, tất cả đều vỡ mộng và tất cả đều trở thành người khác. Bởi trên thực tế, họ là những con người “bị đưa ra khỏi nhà, trao vũ khí vào tay”, họ học “giết người đơn giản là bóp cò”, và rất nhanh chóng, giết người trở thành một công việc với họ. Họ chứng kiến máu người lẫn vào máu lạc đà, những bộ phận thân thể đứt lìa.
Kurt Vonnegut trong tác phẩm phản chiến xuất sắc, Lò sát sinh số 5, nói đến cuộc thập tự chinh con nít, những cậu bé chân ướt chân ráo ra khỏi tuổi thơ đã bị đẩy đi lính. Những người còn sống, hoặc đã chết, trong Những cậu bé kẽm cũng vậy. Những binh nhì, 19 tuổi, xung phong lên đường, chỉ có điều họ không hề biết mình đang bước chân vào điều gì. Thế những cậu bé kẽm nghĩa là gì? Họ còn được gọi theo mã hiệu quân sự “Hàng trọng tải 200”: trọng lượng ước tính của một người lớn với chiếc quan tài kẽm, quan tài theo chuẩn quốc tế để chứa tử thi, là 200kg. Những cậu bé kẽm là những cậu bé về nước bằng quan tài kẽm. Ấy vậy mà, tại quê nhà, như lời người kể lại, không ai chất vấn tại sao những thanh niên 19 tuổi lại chết trong quân đội.
Những binh nhì pháo binh, trung sĩ quân y đại đội, nữ nhân viên, binh nhì tài xế, binh nhì xạ thủ súng máy… hiện lên bằng xương bằng thịt qua các lời kể của chính họ về cuộc chiến trong Những cậu bé kẽm. Họ trở thành nhân vật trong chính những mẩu truyện ngắn về một lát cắt đời mình. Những con người luôn tự hỏi tại sao mình lại ở đó, những con người khi quay trở về nhà, nếu còn sống, kẻ lành lặn, kẻ cụt tứ chi, đều chịu đựng những chấn thương tinh thần từ cuộc chiến. Họ sợ hãi thường trực, họ khóc lóc trong đêm như một đứa trẻ, họ mắc chứng ảo thanh khi nghe thấy tiếng nổ, có người cả năm không dám ra khỏi nhà vì sợ bị bắn. Họ chống cự lại những tổn thương ấy bằng thuốc an thần, ma túy và rượu. Họ im lặng để nỗi đau gặm nhấm, và đôi khi nỗi đau quá sức chịu đựng, họ bùng phát trở thành kẻ giết người, như anh thanh niên đã dùng chiếc rìu nhà bếp trên gương mặt không chút niềm vui khi trở về từ Afghanistan trong câu chuyện mở đầu của bà mẹ. Chiến tranh vẫn tiếp diễn trong tâm tưởng họ.
Larry Heinemann – cựu chiến binh và nhà văn người Mỹ từng viết hồi ký về chiến tranh Việt Nam – người viết lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Anh của Những cậu bé kẽm, so sánh những câu chuyện mà Alexievich đã ghi chép lại với những câu chuyện của các binh lính Mỹ trở về từ Việt Nam. Ông tâm sự: “Đây là những gì tôi đã thấy, đây là những gì tôi đã làm, đây là những gì tôi đã trở thành”. Đau đớn hơn, những người lính trong tác phẩm của Alexievich trước khi đi được động viên rằng tổ quốc sẽ không quên họ, nhưng sau chiến tranh người ta tìm mọi cách tránh nhắc đến họ, bởi người ta cố quên đi cuộc chiến này.
Ý tưởng sáng tạo tuyệt vời nhất của Alexievich chính là văn chương tư liệu, thứ phương pháp bà đã tìm kiếm rất lâu để cho phép bà tiếp cận một cách gần nhất có thể với đời thực. Hiện thực hút lấy bà như thỏi nam châm, tra tấn hành hạ bà, thôi miên bà, buộc bà phải túm chặt lấy nó. Bà ghi chép lại những giọng nói, những lời thú nhận, tâm sự, những lời chứng, tạo thành một “bản hòa âm các giọng nói cá nhân và một tập hợp những chi tiết thường nhật”. Nhờ phương pháp ấy, Alexievich có thể “vừa là nhà văn, ký giả, nhà xã hội học, nhà tâm lý học và người thuyết pháp”. Những lời kể trực diện từ ngôi thứ nhất trong Những cậu bé kẽm đúng là thiên đường, bởi mỗi khi một giọng nói cất lên, độc giả được đẩy sâu vào thế giới tinh thần của người ấy, không chút màu mè, không chút lên gân, chỉ có những cảm xúc, những nỗi đau, và những câu chuyện chân thực nhất. Mà cũng chính vì thế những gì được kể ra lại là địa ngục, địa ngục của những con người đã đi qua chiến tranh.
Bài: Zét Nguyễn
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE