Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] Phụ nữ vô hình: Làm thế nào để thế giới không còn mất cân bằng?

Vì sao mỗi khi nhắc đến một chính trị gia, một nhà khoa học, một phi hành gia... tâm trí ta luôn vô thức nghĩ về một người đàn ông chứ không phải một người phụ nữ?

phụ nữ vô hình review sách hay

KHOẢNG TRỐNG DỮ LIỆU

Từ giai đoạn đầu của lịch sử thành văn, những nhà chép sử theo thuyết “đàn ông săn bắn” đã “giấu” một khoảng trống khổng lồ về các vai trò của giới tính nữ. Điều đó cũng được giữ nguyên trong thời kỳ triết học phát triển, khi Aristotle cũng từng cho rằng, cơ thể phụ nữ là “cơ thể nam giới bị cắt xén”, và nữ giới cũng là nam giới “được lộn trái lại”. Quan niệm này vẫn được “bảo tồn” cho đến ngày nay. Vì sao các hình giải phẫu trong Atlas Y học đều có nhân dáng một người đàn ông, trong khi cơ thể cũng như phản ứng với mọi tác động ở cả hai giới là khác hẳn nhau?

Và có hàng tá câu hỏi tương tự về sự vắng mặt của phụ nữ trong cuộc sống này. Với cuốn Phụ nữ vô hình, nhà báo – nhà vận động nữ quyền Caroline Criado Perez đã lần tìm về sự thiếu vắng thông tin về phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch đường phố cho đến việc làm, sức khỏe, phúc lợi… để khắc họa rõ tư duy “mặc-nhiên-là-nam-giới-trừ-khi-có-bằng-chứng-ngược-lại” cũng như lỗ hổng về dữ liệu giới đã gây ra những ảnh hưởng nhiều hơn ta có thể tưởng.

Suốt thời gian dài, các dữ liệu phân theo giới tính không được thiết lập, nam giới mặc nhiên trở thành “tham chiếu nhân” trong mọi vấn đề. Và từ góc nhìn của họ, dù là vô tình hay là cố ý, thì phụ nữ đã liên tục bị bỏ qua, và phái mạnh có cơ hội áp đặt sự duy ý chí lên mọi thứ.

Thế nên, không hề bất ngờ khi các thí nghiệm về thuốc chỉ có đàn ông tham gia mà không hề có hoặc có rất ít phụ nữ góp mặt. Cũng không lạ gì khi các KTS cho rằng chỉ cần chia đều số lượng buồng vệ sinh là “trung tính giới”, mà quên mất rằng “phía bên kia” còn có những bồn tiểu đứng… Phụ nữ trở nên “vô hình” trong các hoạch định cộng đồng cũng như trong toàn bộ cuộc sống của mỗi chúng ta.

sách hay phụ nữ vô hình

LIỆU CÓ CÔNG BẰNG?

Sự mất cân bằng này không chỉ gây ra sự vắng mặt của phụ nữ theo nghĩa thông thường, mà còn khiến phụ nữ mất đi việc làm, cơ hội thăng tiến… khi không có được vị thế xứng đáng và phải làm việc “nội trợ không lương”. Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ phải mất từ 5 đến 6 tiếng chăm sóc gia đình sau ca làm việc, trong khi con số này chỉ là dưới 2 tiếng đối với nam giới.

Trong bộ phim Hidden Figures (2016) dựa theo cuộc đời của nhà toán học nữ Katherine Johnson, trước khi nổi tiếng với việc tính được quỹ đạo của tên lửa, bà cũng phải trải qua những bất tiện ngay tại NASA. Nhà vệ sinh cách cơ quan chính đến hàng trăm mét, không được tin tưởng giao cho số liệu, cơ hội phát biểu dường như bằng không… Cũng từng có lúc bà định bỏ cuộc, thế nhưng, một khi được trao cơ hội, bà đã thay đổi cả ngành vũ trụ bằng tài năng toán học mà chỉ riêng mình mới có thể làm được.

Điều này cũng cho thấy rằng khi phụ nữ được “nhìn thấy”, thoát khỏi thiên kiến… thì thế giới này sẽ tốt đẹp, đa dạng và thịnh vượng hơn. Như một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở các quốc gia có nhiều phụ nữ trở thành nguyên thủ, các vấn đề về giáo dục, y tế và hành chính công luôn được cải thiện hơn so với khi nam giới nắm quyền.

Do đó, thế giới mà “những gì thuộc về phụ nữ bị cho là không điển hình” cần nhiều nỗ lực để thay đổi hơn trong thời điểm này. Và để làm được điều đó, đòi hỏi phải có một cuộc “đại tu về thế giới quan” của cả cộng đồng. Bởi lẽ, việc không thu thập dữ liệu về phụ nữ và cuộc sống của họ đồng nghĩa với việc ta tiếp tục đang “tự nhiên hóa” sự phân biệt. Khi trao quyền lợi cho phụ nữ, sự phân biệt không còn diễn ra, và thế giới này sẽ nhận về nhiều giá trị hơn. Giờ đây, phụ nữ xứng đáng có được cơ hội để chứng minh vai trò của mình trong tiến trình phát triển của thế giới.

ELLE Khang.png

Sách Phụ nữ vô hình

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh

Hình ảnh: Tư liệu

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)