[Review sách hay] “Được học” – Vượt thoát, hóa thân, và tỏa sáng
Cuối năm 2018, trong danh sách những cuốn sách hay nhất năm của Bill Gates xuất hiện một tác phẩm hồi ký kỳ lạ: “Được học” của Tara Westover. Riêng trong năm mà cuốn sách ra đời, nó đã bán được nửa triệu bản, được mua bản quyền và được dịch ra trên 30 ngôn ngữ khác.
Sẽ không lấy gì làm khó hiểu khi độc giả lật giở Được học để biết rằng nó kể về một tuổi thơ đầy cực đoan của một bé gái có bố mẹ là tín đồ của phái Mặc Môn, tin vào Ngày tận thế đang đến và hành trình lột xác của cô để thoát khỏi gia đình nhờ vào con đường học hành. Được học là một cuốn sách độc đáo, không chỉ bởi nội dung đầy màu sắc không tưởng, mà còn là nỗ lực phi thường của một người phụ nữ dám kể lại câu chuyện của chính mình: Từ một cô bé mãi 16 tuổi mới biết đi học là gì, đến một tiến sĩ sử học ở Đại học Cambridge danh tiếng.
Tara Westover sinh ra và lớn lên ở Clifton thuộc bang Idaho miền Tây Bắc nước Mỹ. Sống trong gia đình có bảy anh chị em, Tara lớn lên chuẩn bị cho Ngày tận thế, mùa Hè nào cũng đóng hộp các quả đào để chuẩn bị đồ dự trữ. Bố mẹ Tara tin rằng thế giới con người sắp sụp đổ. Họ không tin vào chính phủ liên bang đến mức độ cực đoan: Con cái không được làm giấy khai sinh, không được cho đi học ở trường công, và không bao giờ được tiêm chủng. Sự cực đoan của gia đình Tara lên đến mức họ tuyệt đối tránh xa bác sĩ, và khi có tai nạn khủng khiếp xảy ra thì tất cả đều được chữa trị tại gia và không bao giờ được chuyển đến bệnh viện. Tất cả những gì Tara được dạy từ bé đến lớn là từ Kinh Thánh nhưng qua lăng kính của người bố gia trưởng. Cô bé không có bạn bè mấy ngoại trừ con cái của những người cùng đạo. Ở một nước Mỹ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, gia đình Tara sống nhờ vào việc bố và các anh trai làm việc ở bãi phế liệu (mà cô bé cũng phải thường xuyên lao động giúp sức), còn mẹ cô kiếm thêm nhờ làm bà đỡ bất hợp pháp và bán tinh dầu tự chế.
>> Mua tại đây
Một trong những biến cố đẩy Tara xa rời khỏi cộng đồng khép kín lạc hậu của mình là việc anh trai Luke của cô bị bỏng nặng khi lao động ở bãi phế liệu, khiến cô muốn thoát khỏi nó bằng cách xin việc làm thêm ở ngoài, khi mới 11 tuổi. Dần dần, Tara được tiếp xúc với những người ngoại đạo khác, được hát và biểu diễn trong vở kịch. Cộng thêm sự tác động từ người anh trai Tyler bỏ nhà để đi học đại học, Tara dần cảm thấy mình phải vào được đại học để có bằng về âm nhạc. Vừa đi làm, vừa tự luyện thi, Tara đã nỗ lực phi thường để đủ điểm vào Đại học Brigham Young.
Những tưởng Tara khi rời khỏi nhà để bước vào trường đại học thì cuộc đời của cô rẽ sang một trang mới, nhưng chính bản thân cô luôn ở trong thế giằng co chật vật giữa những gì đã được dạy và những gì mình đang tiếp thu. Đại học và môi trường sống mới trở thành thử thách dữ dội với cô bé chưa từng một lần ngồi trong lớp học thông thường, chưa bao giờ nghe từ “Holocaust”, chưa bao giờ biết phải đọc giáo trình.
Việc đi học của Tara không chỉ là từ bỏ nơi mình xuất thân, mà chính là hành trình đi tìm bản dạng của chính mình. Trong lần đầu uống thuốc kháng sinh ở tuổi 20, cô không chỉ vượt thoát khỏi nỗi sợ thuốc có thể gây vô sinh và dị tật bẩm sinh như mẹ cô đã nhồi sọ, Tara còn ngộ ra mình làm vì tò mò, chỉ để hiểu rút cuộc điều cô sợ bấy lâu nay là gì. Tara cần biết và xông tới để biết. Được học chính là thế, không chỉ ở những lớp nghĩa cơ bản thông thường như học ăn, học nói, học cư xử, học tri thức. Học để tự thoát khỏi cảnh nô lệ đầu óc. Không ai ngoài chúng ta có thể giải phóng tinh thần của chính mình.
Được viết bằng văn xuôi miêu tả chuẩn xác, giọng văn chân thành, với nội dung đa dạng trộn lẫn cả những chi tiết căng thẳng và những lời chia sẻ đầy tình người ấm áp, Được học quả là một cuốn sách đem lại nhiều cảm xúc lẫn lộn cho độc giả. Nó không chỉ khiến chúng ta phản tư, như chính cách Bill Gates đã cảm thấy. Nó còn khiến chúng ta suy ngẫm nhiều hơn về thân phận người khác. Nó khiến chúng ta ấm lòng với sự xuất hiện của những ông tiên bà bụt trong hình dáng người thường lúc nhân vật chính có cơ hội gặp những người tốt sẵn sàng giúp đỡ. Nó khiến độc giả nghĩ đến sự khai sáng của giáo dục. Như tác giả Westover khẳng định: “Giáo dục là quá trình tự khám phá, nâng cao nhận thức và cảm giác về bản thân”. Hành trình của giáo dục là như vậy đó: được học để hóa thân.
Bài: Zét Nguyễn
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE