Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] Nhà Tranh – Phía sau một giấc mơ Mỹ

Được tạp chí ELLE Mỹ đánh giá là có “cách viết hồi ký bậc thầy”, qua Nhà Tranh, câu chuyện về sức mạnh, niềm tin và nỗ lực của một cá thể di dân được đan dệt thông qua lối viết chân thành, giản dị mà đầy xúc cảm của Ly Tran.

CHÊNH VÊNH GIỮA HAI BẾN BỜ

Năm 1993, có một gia đình người Việt gốc Hoa di cư sang Mỹ. Trong chuyến hành trình nhiều điểm dừng ấy, từ Thái Lan sang Đan Mạch, từ Đan Mạch sang Pháp, từ Pháp sang Mỹ, cô bé Trần Kỳ Lý, khi đó mới 3 tuổi, như nhìn thấy trước tương lai của gia đình mình. Giữa sự hỗn loạn của nhiều con người, trong những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, thứ trước tiên mà cô chạm vào chính là tuyết – một thứ tinh khiết như tương lai mới mẻ, nhưng chốc lát sau sẽ lại nhão nhoét hòa vào với bùn, hệt như viễn kiến về những ngày đen tối sắp tới.

Cũng như những tiểu thuyết khác thuộc dòng sách di dân, Nhà tranh được xây dựng theo dòng thời gian trưởng thành của chính tác giả và những gì xảy ra quanh cô. Đó là những tình tiết rất thường gặp, từ nỗ lực tồn tại, bị khinh miệt, phân biệt đối xử… cho đến hành trình vươn lên thoát nghèo, nỗi hoài nhớ hướng về quê hương và sự hoài nghi khi không thể biết trước tương lai nào đang chờ mình.

Thân phận sống xa quê hương luôn khiến cho các gia đình phải ly tán, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong thiếu đi người cha, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm của Le Thi Diem Thuy thiếu đi người mẹ, thì Nhà tranh tuy toàn vẹn một gia đình nhưng lại ẩn sâu những tâm hồn đang chết dần chết mòn. Chính sự vô lý của một người bố đôi khi điên loạn vì những thương tổn thời kỳ hậu chiến, sự bất lực gần như buông xuôi của một người mẹ chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng gia trưởng, đã làm cho những người con ngày càng tuyệt vọng và cô độc, khi họ không chỉ chơi vơi giữa đất nước mới mà còn lạc lõng ngay giữa gia đình mình.

nhà tranh tác phẩm di sản

Cách viết giản dị

Tuy được viết bởi từ ngữ đơn sơ, thế nhưng, Nhà tranh vẫn chạm đến nhiều người nhờ ký ức phổ quát và câu chuyện chung của thế hệ di dân. Ly Tran đã cho thấy tài năng quan sát tinh tế bằng cách co mình, điềm tĩnh ngắm nhìn và thể hiện chúng lên trên trang viết với lòng dũng cảm, bộc trực, không hề che giấu hay ẩn dụ.

Cô thể hiện sự quan sát của mình thông qua nhiều hình tượng. Chẳng hạn, trong mối liên kết giữa bố và âm nhạc của Michael Jackson, tác giả không xem đó chỉ là một sở thích đơn thuần mà còn là tuyên ngôn về nam quyền. Những chuyển động ấy, điệu moonwalk ấy cũng là khát khao sở hữu cơ thể mà ông từng bị tước đoạt sau những ám ảnh trong trại cải tạo. Nhìn rộng ra, Michael Jackson cũng đồng thời đại diện cho thế hệ của tác giả – những đứa trẻ mới lớn muốn thay đổi màu da và trở thành điều gì đó khác, để sự nhục nhã của “bọn da vàng”, “đồ mặt phẹt”, “đồ mắt ti hí”, “đồ răng đen”… không còn hiện diện.

Thông qua ngôn ngữ và những câu chuyện dân gian, tác giả cũng cho thấy rằng, mối gắn kết với cội nguồn quê hương sẽ luôn song hành cùng đời sống mới. Chính cái tên Ly (Lý) cũng đã ẩn chứa một sự chối từ, bởi trong tiếng Anh, Ly được phát âm gần giống với Lie (dối lừa). Sự nhạy bén về mặt từ ngữ vẫn thường xuất hiện trong thơ của Ocean Vuong, và Ly Tran, bằng sự phản chiếu giữa quá khứ và hiện tại, cũng đã tái hiện được khía cạnh này. Đó là “từ nằm trong từ” vốn được khởi phát bởi sự xa lạ của ngôn ngữ mới, để một nụ cười (laughter) cũng đồng âm với hành động tàn sát (slaughter).

Thế nhưng, ở khía cạnh khác, Nhà tranh cũng là hành trình đánh thức sức mạnh, tiếp thêm niềm tin để con người vươn lên làm chủ số mệnh. Đã từng bỏ học ở tuổi 19, từng bị trầm cảm bởi những tổn thương trong thời thơ ấu… thế nhưng, Ly Tran cuối cùng cũng tìm thấy chính mình, để viết ra tác phẩm này trong vòng 7 năm như sự an ủi và làm liền vết sẹo của những nỗi đau hằn sâu. Vì thế, cuốn sách không chỉ có nỗi đau mà còn là sự ủi an cho ngày hiện tại, cho những cá thể thấy bản thân mình không thể hòa nhập, rằng hãy dang tay ôm lấy chính mình.

nha-tranh-tac-pham-di-dan-scaled.jpg

Nhà Tranh - Ly Tran

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh 

Ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)