Cuốn hồi ký sống động
Ra mắt vào năm 2021, khi phong trào #MeToo đang có những bước phát triển vượt bậc, Thân em là một trong những tác phẩm giúp ta nhìn thấy sự thật vẫn đang diễn ra đằng sau bức tường chói sáng hào quang và đầy sức mạnh làm bằng dối trá tại Hollywood.
Nổi lên như một hiện tượng với vai chính được đánh giá cao trong phim điện ảnh Cô gái mất tích, thế nhưng, Ratajkowski đã được biết đến trước đó khi góp mặt vào MV Blurred Lines của Robin Thicke, T.I và Pharrell Williams. Không thể phủ nhận rằng MV đã mang lại thành công cho nữ siêu mẫu, nhưng ẩn sau đó là những ký ức ám ảnh vô cùng. Thông qua cuốn sách, độc giả không khỏi bất ngờ trước những tiết lộ lần đầu được kể, từ việc bị lạm dụng ở tuổi thành niên, bị động chạm ở set quay Blurred Lines… cho đến rất nhiều rắc rối với những tấm ảnh khỏa thân nghệ thuật hay lời tường thuật mười mươi dối trá của những “ông trùm” mà cô tìm đến lúc chưa nổi tiếng.
Những gì đã qua được Ratajkowski kể lại một cách chân thật, dồn nén và đầy sức mạnh, bởi như cô nói, “cuốn sách này bao gồm nhiều suy nghĩ cũng như thực tế mà trước đây tôi ngần ngại đối mặt, hoặc có thể không đủ khả năng đối mặt”. Nó đặc biệt không chỉ bởi là câu chuyện tương đối dài rộng của một cá nhân bước vào thế giới giải trí ngay từ rất sớm, mà còn bởi ngay từ đầu, cô đã ý thức về quyền làm chủ để tự kinh doanh hình ảnh của mình. Có thể nói, đây là cuốn hồi ký phức tạp và với góc nhìn của một chứng nhân đã nắm rõ cách “cỗ máy” vận hành.
BÀI LIÊN QUAN
Câu chuyện của việc “làm chủ”
Một điều không khó nhận ra trong cuốn sách này là Ratajkowski luôn muốn làm chủ bản thân khi mà hình ảnh đã bị bán đi, chỉ còn lại căn tính hay quyền kiểm soát chính con người mình. Thế nhưng, điều đó có giữ được không trong một xã hội vốn luôn đồng nhất rằng bán hình ảnh như một siêu mẫu cũng là bán mình? Ở Thân em, bằng những câu chuyện từ tuổi vị thành niên cho đến giai đoạn trưởng thành rồi làm vợ, làm mẹ của tác giả, ta thấy tác động của nhãn quan nam giới áp lên hình ảnh người phụ nữ luôn luôn tồn tại. Dù làm gì, người phụ nữ cũng luôn có thể bị vật hóa. Chẳng hạn, ở thời thơ ấu, nhãn quan nam giới đã được “nội hóa” trong chính tư duy của mẹ tác giả, khi bà luôn muốn con gái trở nên xinh đẹp theo những chuẩn mực của xã hội, vốn được định hình bởi giới còn lại. Đến khi trưởng thành, dẫu thành công với công việc kinh doanh riêng và có được sự nổi tiếng của một siêu mẫu, sự khinh miệt và bị coi thường bởi hình tượng “bình hoa di động” vẫn luôn hiện diện bên trong ánh nhìn của người khác.
Chính ước muốn được kiểm soát bản thân cũng đã để lại nỗi đau vô cùng sâu sắc cho tác giả của Thân em. Trong các câu chuyện bị lạm dụng bởi những người đàn ông khác nhau, ta thấy Ratajkowski luôn co mình lại vì sợ sẽ bị tước đi quyền làm chủ. Nếu người bình thường cảm thấy tổn thương khi bị vật hóa, thì với một người biết trước điều đó và đã cố tránh nó, thất bại còn trở nên nặng nề hơn. Qua đó, ta thấy sự xóa mờ căn cước, danh tính của người phụ nữ dưới nhãn quan của xã hội do nam giới thống trị là khó tránh khỏi với bất cứ ai. Như một vòng tròn, Ratajkowski khép lại cuốn sách cũng bằng nỗi đau, nhưng thay vì những cơn co thắt lo âu, đó lại là cơn đau hạnh phúc khi được làm mẹ. Qua cơn rúng động của việc sinh nở, cô đã được làm chủ bản thân như mình hằng ao ước. Đó là trải nghiệm nữ tính, riêng tư và thiêng liêng nhất, cho thấy rằng, dù bị đồng nhất một cách không mong muốn, trải nghiệm riêng của người phụ nữ vẫn là điều không thể thay thế được.
Thân em là cuốn hồi ký không đao to búa lớn, không công kích cá nhân và cũng không mong cầu mang đến giải pháp xoay chuyển tình hình, nhưng bằng hành động phơi bày thực trạng, độc giả được quan sát những gì diễn ra, từ đó có cách đối diện theo lựa chọn riêng của bản thân mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu