Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Thân gửi mùa Hạ: Hãy luôn theo đuổi sự hiếu kỳ

Tove Jansson đã cho ra đời tác phẩm Thân gửi mùa Hạ như một cách để đương đầu với nỗi thương nhớ người mẹ và gia đình giờ đây đã không còn nữa.

Tove Jansson, nhà minh họa tài ba nổi tiếng khắp thế giới với loạt series truyện Moomin, có quan niệm sống: “Đơn giản thế này thôi: Không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ mất đi sự hứng thú, không bao giờ trở nên thờ ơ – mất đi sự tò mò vô giá thì ta để cho chính bản thân mình chết đi”.

Thân gửi mùa Hạ, tiểu thuyết giờ đây đã trở thành kinh điển của văn học vùng Scandinavia của Tove Jansson, như minh họa cho chính nhân sinh quan theo đuổi sự hiếu kỳ và luôn tận tâm, bởi vì “Chỉ đơn giản như vậy đó”.

Cuốn sách gồm 22 mẩu chương ngắn, được kể không theo thứ tự thời gian, về bé gái Sophia và bà nội của bé, sống trên một hòn đảo vào kỳ nghỉ Hè. Sophia sáu tuổi, nghịch ngợm, nhiều lý luận, mồm miệng liến thoắng. Bà nội Sophia bệnh tật và dễ mệt, dửng dưng, cổ quái, hay cau có. Họ trở thành một đôi bạn không tưởng vừa yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, vừa cãi cọ, đôi khi cả căm ghét nhau. Thế giới trong cuốn tiểu thuyết của Jansson hiện lên vừa trong vắt vừa mộng ảo: Giữa những tán lá và hoa chi chít nơi ta cả thể chui xuống mà nằm ngủ một cách dễ chịu; những ngọn núi, nơi cuối mũi đá có ngọn núi chìm bóng xuống làn nước mà ta có thể lặn xuống…

Sophia được thỏa sức khám phá các hòn đảo và rừng rậm, được cùng bà phóng sức tưởng tượng giả vờ cùng xây dựng cả thành phố Venice, cùng nhau viết cả luận văn về giun đất khi bị đứt thân trong một ban mai tháng Bảy nóng rực, hay một độ tháng Tư mặt biển đầy băng giá, hay một tờ mờ sáng trời lạnh buốt.

Thiên nhiên, với đủ sắc thái của nó, vừa làm nền cho câu chuyện, vừa là đối tượng để nhân vật khám phá, vừa là kẻ bầu bạn của hai bà cháu.

Thân gửi mùa Hạ tiểu thuyết cho người lớn

Jansson lấy rất nhiều chất liệu từ cuộc sống của chính mình và những người thân. Nhân vật bà nội và cháu gái trong Thân gửi mùa Hạ được viết dựa trên những quan sát của bà về mẹ ruột của mình, bà Ham, và cô cháu gái (con của em trai Lars của bà) Sophia.

Mẹ ruột của Jansson, người đã có ảnh hưởng rất lớn lên sự nghiệp Jansson, người hướng bà vào con đường nghệ thuật, qua đời năm 1970. Cái chết của mẹ là một tổn thất lớn với Jansson. Nỗi mất mát ấy phủ cái bóng ảm đạm lên tác phẩm cuối cùng trong series Moomin của bà – Moominvalley in November. Và có lẽ, cái chết của mẹ còn khiến bà đổi sang một hướng mới, viết tiểu thuyết cho người lớn, như một cách để đương đầu với nỗi thương nhớ người mẹ và gia đình giờ đây đã không còn nữa. Năm 1972, Jansson cho ra đời Thân gửi mùa Hạ.

Dễ hiểu vì sao, bên cạnh chủ đề thiên nhiên kỳ diệu của tác phẩm, hai bà cháu Sophia còn nhắc nhiều đến cái chết. Ngay mở đầu tác phẩm, Sophia đã hỏi bà: “Khi nào bà chết ạ?” và bà trả lời, “Sắp rồi, nhưng nói chung đó không phải chuyện của con”.

Một cháu bé sáu tuổi vừa mất mẹ, và một bà nội gần đất xa trời cùng trải qua mùa Hè với nhau. Và họ cùng nhau chiêm nghiệm về cuộc sống, cái chết, Chúa trời, theo cách của riêng họ.

Không chỉ thế, cuộc phiêu lưu của hai bà cháu trên hòn đảo ở Vịnh Phần Lan cũng mang ít nhiều hơi hướm của cuộc đời mà Jansson đã sống suốt hơn 30 mùa Hè trên một hòn đảo biệt lập, nơi bà xây dựng một ngôi nhà riêng giản dị không tiện nghi và cách xa đời sống thị thành, nơi toàn bộ sức lực của bà dành cho sáng tác và tận hưởng cuộc sống chan hòa giữa thiên nhiên. Căn nhà bốn phía nhìn ra biển để có thể thấy cơn bão ập tới từ tứ phía ấy của bà cũng hao hao căn nhà mà Sophia và bà nội đã ở trong Thân gửi mùa Hạ.

Nhà văn Ali Smith đã nhận xét: “Văn của Jansson lừa mị lôi cuốn, câu văn giản dị mà lại đầy ẩn ý. Cuốn tiểu thuyết đọc như thể nhìn qua làn nước trong suốt và đột nhiên nhìn thấy đáy sâu thẳm”. Tươi vui, trong sáng, không dạy dỗ giáo điều, tiểu thuyết của Jansson trực diện và thẳng thắn. Nó kích thích sự hiếu kỳ ở độc giả nhờ những nhân vật đầy lập dị.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)