Năm 1969, Samuel Beckett nhận được một bức điện tín từ giám đốc nhà xuất bản Minuit, nơi in các tác phẩm của ông: “Mặc cho mọi thứ, họ đã trao giải Nobel cho anh. Tôi khuyên anh nên đi trốn”. Beckett, nhà văn khét tiếng là ẩn dật và né tránh truyền thông, trốn biệt ở châu Phi, nhờ người đi nhận hộ giải, tiền thì phân phát cho bạn bè. Với ông, giải Nobel Văn chương phần lớn chỉ đem lại sự khó chịu. Nhưng không nhiều độc giả biết rằng, ông đã chờ đợi rất lâu để các tác phẩm của mình được xuất bản và được đánh giá đúng đắn.
Cuộc đời của Beckett có thể phân làm hai nửa: nửa đầu sáng tác trong vô danh và nghèo đói, nửa sau là vinh quang đến phiền nhiễu. Vở kịch Trong khi chờ đợi Godot chính là cột mốc quan trọng tạo ra sự phân đôi đó, và cụm “chờ đợi Godot” đã trở nên nổi tiếng đến nỗi là từ cửa miệng mỗi khi người ta muốn nhắc đến một sự chờ đợi trong vô vọng.
Trong khi chờ đợi Godot là một vở bi hài kịch, được viết vào hồi 1948, kể về hai nhân vật nam, có khả năng cao là những kẻ lang thang, tên là Estragon và Vladimir. Vào một buổi chiều tối, họ đang vạ vật ngoài đường chờ một nhân vật khác tên là Godot xuất hiện. Hồi hai lặp lại tương tự hồi một. Nói như nhà nghiên cứu Vivian Mercier, vở kịch đã “đạt được một sự bất khả về mặt lý thuyết – một vở kịch mà không có gì xảy ra cả, nhưng lại khiến cho khán giả ngồi yên trên ghế”.
Điều đáng nói hơn, vì hồi hai chỉ là hồi một được lặp lại có khác đi một chút, ông (Beckett) đã viết “một vở kịch không có chuyện gì xảy ra đến hai lần”. Những phản ứng đầu tiên đối với vở kịch không hoàn toàn là tích cực: ngay trong quá trình tập kịch, một diễn viên bỏ vai; độc giả la ó vì vở kịch không có chút ý nghĩa gì, nhà phê bình phản đối vì nó có nhiều hành động và ngôn ngữ dung tục; nhà phê duyệt thì đòi cấm không cho công diễn… Quan trọng hơn tất thảy, không một ai hiểu Godot là ai. Beckett cũng bất lực thú nhận: tôi không biết gì hơn khán giả, và nếu Godot là Chúa thì tôi đã viết luôn là Chúa.
Sân khấu trong vở Godot của Beckett được bố trí theo chủ nghĩa tối giản, thậm chí trừu tượng mà ta có thể bắt gặp bất kỳ nơi nào: một hai cái cây trụi lá, đường cái. Nhân vật của ông ít ỏi: hai cặp đôi. Thời gian như đông đặc, miên viễn, lặp lại. Toàn bộ vở kịch được diễn ra dựa trên một lời hứa hẹn bất thành: chờ một người tên là Godot xuất hiện. Họ không biết Godot là ai, hình dáng thế nào, tuổi tác ra sao. Họ chỉ biết mình đang phải đợi. Cảm giác bồn chồn lẫn phi lý dồn dập và tràn ngập trong vở kịch. Độc giả, hay chính nhân vật, huy động toàn bộ lý trí để lý giải xem họ đang chờ ai, hay chờ cái gì.
BÀI LIÊN QUAN
Ta có thể gán cho Godot chính là việc được công nhận tài năng mà Beckett đã chờ trong suốt bao năm dài; hoặc Godot là vị Chúa đã chết trong thời đại hậu chiến tranh thế giới thứ 2, như các nhà phê bình đã xếp Beckett vào trường phái kịch phi lý, và coi tư tưởng của ông tương đồng với các nhà hiện sinh, cụ thể là Albert Camus. Estragon và Vladimir dưới góc nhìn ấy không khác gì Sisyphus hết ngày qua ngày đẩy tảng đá lên dốc, một việc làm vô ý nghĩa. Hoặc đi xa hơn, ta có thể coi Godot chính là cuộc đời không ý nghĩa gì mà con người vẫn phải tiếp tục sống mỗi ngày.
Làm thế nào để hiểu được vũ trụ Beckett đã tạo ra, mà không bị sa lầy vào diễn giải quá mức? Như chính Beckett tâm sự, nếu thầy của ông – Joyce – là người đã đi xa nhất trong việc hiểu thêm, thì con đường của ông chính là sự kiệt quệ, là việc thiếu tri thức, là việc quay vào nội tâm bí ẩn và khó dò. Trong khi chờ đợi Godot như một phép thử cho cách đọc hiểu của mỗi độc giả.
Nhóm thực hiện
Bài: Zét Nguyễn
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Phái đẹp ELLE