Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] “Tự do”: Hiểu đúng về tự do để sống trọn vẹn cuộc đời hạn hữu

Bạn luôn mong muốn tự do, luôn khát khao thoát khỏi những ràng buộc để sống theo cách mình chọn. Nhưng liệu điều bạn theo đuổi có phải là tự do đích thực hay chỉ là sự giải thoát nhất thời khỏi những áp lực bề ngoài?

Ở phương diện cá nhân, nhiều người muốn tự do chống đối lại cha mẹ, thầy cô, những sự nhào nặn và áp đặt từ ai đó. Cũng có người muốn tự do thoát khỏi quá khứ, khỏi con người cũ của mình. Trên bình diện xã hội, có người không ưa thích các hệ thống, như quy tắc, luật lệ, tôn giáo… và tha thiết muốn thay đổi chúng. Và họ gọi đó là tìm kiếm tự do. 

Nhưng theo Osho, tự do khỏi điều gì đó chưa phải là tự do đích thực. Sự chống đối, phản kháng chỉ là một kiểu tự do tiêu cực, và về mặt nào đó thì chính sự chống đối lại ràng buộc chúng ta. 

Trong cuốn sách Tự do (tựa gốc: Freedom – The courage to be yourself), vị đạo sư người Ấn Độ đem đến cho bạn một “bữa tiệc” của những câu chuyện và những luận điểm độc lạ xoay quanh chủ đề tự do. Osho đưa ra một ý niệm tự do mới và cách có được nó, để giúp ta sống thật trọn vẹn, chân thật và hân hoan trong cuộc đời hạn hữu của mình. 

cuốn sách tự do của tác giả Osho
Ảnh: First News

Đừng tưởng chống đối là… ngầu 

Theo Osho, mặt trái của sự chống đối là ta trở nên ám ảnh với điều chúng ta cần thay đổi. “Người nào còn chống lại quá khứ thì vẫn chưa thực sự tự do. Họ vẫn mang trong lòng những ác cảm, những oán trách, những vết thương”, Osho nói. 

Nhiều ví dụ đa dạng được nhắc đến xuyên suốt cuốn sách: từ chuyện cá nhân, gia đình đến chuyện chính trị, từ chuyện xưa đến chuyện nay, từ chuyện thật đến chuyện… bịa. Nhưng ví dụ độc đáo và hài hước nhất của Osho có lẽ là về Friedrich Nietzsche, vị triết gia lỗi lạc người Đức, người cực lực chống lại chúa Giêsu.

“Ông cứ nhắc đi nhắc lại về Giêsu. Ông bị ám ảnh. Khi trở nên điên loạn, vào giai đoạn cuối của cuộc đời, ông thậm chí còn bắt đầu ký tên dưới những bức thư là ‘Kẻ Phản Kitô, Friedrich Nietzsche’… Bạn có thể nhận thấy nỗi ám ảnh, sự đố kỵ sâu sắc đối với Giêsu Kitô đã chi phối toàn bộ cuộc đời ông. Nó hủy hoại khả năng sáng tạo tuyệt vời của ông”, Osho nói. 

Hãy nghĩ về điều bạn đang phản kháng và cố gắng phá vỡ vào lúc này. Có thể đó là một sự áp đặt từ cha mẹ, thầy cô, quá khứ của bạn, hay thậm chí là một vấn đề xã hội nhức nhối. 

Bạn có như Nietzsche, bị ám ảnh bởi chính điều bạn ghét bỏ? Ám ảnh đến nỗi bỏ lỡ việc sống cuộc đời của mình? Bạn có thể gọi đó là tự do đích thực được không, và sự chống đối đó có phải là cuộc chiến thật sự mà bạn nên theo đuổi? 


Xem thêm

[Giới thiệu sách hay] Hiểu: Những thuyết giảng gây tranh cãi nhưng đầy thông tuệ của Osho

[Review sách hay] Osho: Sự trưởng thành đích thực không nằm ở tuổi tác, thành tựu hay kinh nghiệm sống

Giới thiệu 10 quyển sách hay và nổi bật nhất tháng 12/2024


Cuộc chiến bên trong mỗi người

Trong sách, Osho định nghĩa về tự do như sau: “Tự do là chuyện cá nhân của bạn. Nó hoàn toàn chủ quan. Cá nhân tự thay đổi bản thân. Họ không quan tâm đến cơ cấu quyền lực; họ chỉ tìm cách thay đổi bản thể của mình, sinh ra một con người mới trong chính mình”.

trích dẫn giải thích ý nghĩa tự do trong cuốn sách Tự do của tác giả Osho
Ảnh: First News

Theo Osho, tự do đích thực thuộc về tâm linh. Xiềng xích của ham muốn, của ký ức, của quyền lực – đó mới chính những xiềng xích thật sự đang trói buộc tâm hồn ta và ngăn cản ta sống trọn vẹn khoảnh khắc thuộc về mình. “Nếu bạn vứt bỏ mọi rác rưởi của quá khứ và mọi ham muốn, tham vọng về tương lai, thì trong chính khoảnh khắc này, bạn tự do – như chim tung cánh, cả bầu trời thuộc về bạn. Mà có lẽ ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn”, Osho hứa hẹn. 

Thế còn với những áp đặt, luật lệ, những vấn đề xã hội nhức nhối thì sao? Thẳng thắn mà nói, Osho không khuyến khích bạn đấu tranh hay thay đổi điều gì; ông nói rằng bạn chỉ nên “thoát khỏi”, “rời bỏ”, “không quan tâm”. 

Và khi nói rời bỏ, ý Osho không phải là bạn rời bỏ xã hội và… lên núi sống. Bạn tiếp tục sống trong xã hội nhưng phải từ bỏ tham vọng, từ bỏ lòng tham, từ bỏ lòng hận thù. 

Cứ thầm lặng như rễ cây mà thay đổi thế giới 

cuốn sách tự do của tác giả osho được ra mắt thu hút khán giả
Ảnh: First News

Khi bạn tự do đến mức không chống lại quá khứ, không chống lại xã hội, không chống lại cha mẹ, bạn được tự do phát triển như là chính mình. Bạn giống như một hạt giống được nảy mầm đúng theo bản thể của mình. 

Và Osho muốn bạn trở thành một “người biến đổi thầm lặng”. Ông dùng một liên tưởng rất đẹp – thầm lặng như những chiếc rễ cây, ẩn sâu dưới lòng đất, làm công việc của mình trong âm thầm:“Mọi người hãy giống như rễ cây: âm thầm làm công việc của mình, thay đổi chính mình, thay đổi những ai quan tâm; lan tỏa những phương pháp có thể giúp thay đổi; tạo ra những cái ao nhỏ, những nhóm nhỏ, công xã nhỏ và công xã lớn hơn ngay khi có thể. Nhưng hãy để toàn bộ việc này diễn ra trong âm thầm, không tạo ra bất kỳ sự biến động nào”. 

Giống như những tác phẩm khác của Osho, cuốn Tự do được viết bằng ngôn từ bay bổng, tinh quái đặc trưng. Osho còn thỉnh thoảng “đánh úp” người đọc bằng những mẩu chuyện lạ lùng và hài hước. Trên hết, những bài học từ cuốn sách này giống như một nguồn trí tuệ, nhằm tiêu diệt những xiềng xích cũ kỹ trong tâm trí và thanh tẩy tâm hồn. 

Một khi làm được điều này, bạn thấy mình như mầm cây được hân hoan nảy mầm, như đoá hoa toả hương, như cánh chim được tung cánh trên trời cao bất tận… 

_ELLE Quỳnh Giang - ẢNH GẮN AFF (8).png

Tự Do - Như Chim Tung Cánh (Osho)

Nhóm thực hiện

ELLE Feature Team

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)