Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Và rồi núi vọng – Khúc hát tình yêu

[Tạp chí ELLE số tháng 1/2018] Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba khắc họa sâu sắc về những mảng đời ở Afghanistan và đưa nhà văn Khaled Hosseini trở thành bậc thầy kể chuyện đại tài. Những áng văn tuyệt đẹp của ông về mối dây gắn kết định hình nên con người và cuộc đời như một khúc hát bi tráng về tình yêu vang vọng qua hàng thế kỷ.

review sách hay

Khaled Hosseini sinh năm 1965 ở Kabul, Afghanistan. Gia đình ông chuyển đến Pháp năm 1976, sau đó định cư ở California và lấy bằng cử nhân Sinh học và bằng Bác sĩ Y khoa. Hai tiểu thuyết “Người đua diều” và “Ngàn mặt trời rực rỡ” bán chạy nhất thế giới và được xuất bản ở 70 quốc gia. Không để mình bị giới hạn bởi bất kỳ trạm dừng hay tuyến đường nào. Ông là bậc thầy của nguyên tắc tường thuật ở tầng lớp sâu hơn: thu hút khán giả đến nơi mà họ muốn nhưng không theo cách mà họ mong đợi.

Như hàng triệu độc giả từng thấy nét quen thuộc qua Người đua diều hay Ngàn mặt trời rực rỡ, ở đây cũng sẽ có những người thân yêu bị chia cắt bởi khó khăn và bi kịch cuộc sống, sẽ có sự mất mát, phản bội và dằn vặt; cũng sẽ có hoài bão cho một Afghanistan cũ đang bị trói buộc trong chiến tranh và chênh vênh bởi những xung đột với các quyền tự do phương Tây, sẽ có những thủ đoạn tàn nhẫn của lịch sử có thể đẩy con người đến bước đường cùng. Tuy nhiên, Và rồi núi vọng có những hơi thở nhẹ nhàng hơn, cảm xúc tươi vui hơn, bớt đau khổ hơn bởi từ những tan vỡ tưởng như kết thúc, người ta lại tìm thấy nhiều niềm tin và kỳ vọng hơn vào tương lai.

Cuốn tiểu thuyết của Khaled ban đầu như những mẩu truyện ngắn rời rạc, các nhân vật tưởng chừng đơn giản và không có mối liên hệ nào với nhau. Thế nhưng càng đi sâu, một mạng lưới tình thân trong gia đình được kết nối, những nhân vật như có sợi dây vô hình gắn với nhau một cách kỳ lạ, chồng chéo phức tạp nhưng đầy cảm xúc và sâu lắng: Người mẹ sách. Ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết, Khaled đã cho người đọc biết chính xác thời gian và địa điểm và những nhân vật chủ chốt của câu chuyện, một công thức đơn giản nhưng lại khiến hàng triệu độc giả say mê. Đó là mùa Thu năm 1952, khi người cha đưa hai anh em Adullah và Pari băng qua sa mạc tới thành Kabul náo nhiệt, không mảy may hay biết một cuộc chia ly sẽ mãi đè nặng lên Abdullah và để lại nỗi trống trải mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari…

review sách hay tại elle

Từ một sự kiện duy nhất đó, câu chuyện mở ra nhiều ngã rẽ phức tạp, qua các thế hệ, vượt qua đại dương, đưa chúng ta từ Kabul tới Paris, từ San Francisco tới hòn đảo Tinos xinh đẹp của Hy Lạp. Dưới ngòi bút khéo léo và cách kể chuyện tài tình của Khaled Hosseini, từng mảng đời được mở ra phơi bày những nút thắt của cuộc sống. Như câu chuyện ngụ ngôn của người cha mở đầu hành trình xuyên qua những ngọn núi và vang vọng đến mãi về sau: “Một ngón tay đã được cắt, để cứu bàn tay”.

“Câu chuyện giống như một đoàn tàu đang di chuyển”, Khaled nắm bắt các nhân vật của mình và lèo lái cuộc đời họ theo cách tự nhiên nhất, “dù bạn ở trên tàu, dù bạn ở đâu trên tàu, bạn sẽ sớm đến và đi tới đích”. Tuy thế, ông kế đầu tiên, Parwana, người không chỉ là một ý niệm cho một tuổi thơ bất hạnh nhưng là người chịu trách nhiệm về nỗi đau của chính mình; người chú Nabi, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự chia cách nhưng lại là mấu chốt cảm thông và cân bằng cảm xúc của cuốn sách; mẹ kế mới của Pari, Nila Wahdati, một người phụ nữ có cuộc đời bí ẩn và nhiều rắc rối, thật giả lẫn lộn, tính cách biến đổi liên tục khiến người đọc như rơi vào một cái bẫy quyến rũ chết người. Cho đến cuối cùng, chính sự thu hút của Nila lại trở thành điểm sáng hấp dẫn nhất của cuốn tiểu thuyết.

Xen kẽ những nhân vật có đời sống vô cùng phong phú của Và rồi núi vọng, Khaled Hosseini không quên bày tỏ tình yêu thuần khiết và sâu sắc nhất của ông dành cho quê hương Afghanistan, thông qua những dãy núi trùng điệp, cây cổ thụ trong ký ức tuổi thơ, những vụ nổ bom và ly tán, thành phố bị tàn phá trong chiến tranh. Và qua đó hình thành những niềm hy vọng, sự tươi mới, sự thức tỉnh chân thành, sự hoàn lương thông qua các nhân vật Timur và Idris. Và nhân vật vị bác sĩ tình nguyện người nước ngoài Markos như cầu nối nhân văn gắn kết các nhân vật và đưa Afghanistan ra ngoài thế giới.

Nhóm thực hiện

Bài: Quỳnh Hương Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)