[Review sách hay] Vận mệnh người lính tốt – Giễu nhại sự man rợ của chiến tranh
Nếu hỏi bất kỳ người Séc nào câu hỏi: Tác phẩm nào được coi là vĩ đại nhất của văn học Séc?, câu trả lời hiển nhiên sẽ là: “Vận mệnh người lính tốt švejk trong Đại chiến Thế giới”.
Được dịch ra 63 thứ tiếng, tiểu thuyết của nhà văn Jaroslav Hašek không chỉ được xem là kiệt tác của văn học Séc mà còn là của nền văn học thế giới. Hài hước đến phi lý, nó giễu nhại sự man rợ của bộ máy chiến tranh bằng hình tượng nhân vật có một không hai trong lịch sử văn chương: người lính tốt Švejk.
Vận mệnh người lính tốt gồm bốn tập có nhân vật chính là anh chàng trung niên tên là Josef Švejk, làm nghề bán chó ở Praha. Béo tốt mũm mĩm, bị xem là đần độn (hoặc giả vờ ngu dốt), có ánh mắt lúc nào cũng ấm áp lấp lánh nụ cười, Švejk dẫn độc giả đi qua gần 1.000 trang sách với đủ các loại câu chuyện dở khóc dở cười, những tình huống tréo ngoe sập xuống đầu anh mà phần lớn là do chính anh gây ra.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ sự kiện Đại công tước Ferdinand bị ám sát và kéo theo đó là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 1. Švejk đã xung phong nhập ngũ để phục vụ hoàng đế Áo-Hung ấy vậy mà bị coi là giả bệnh để trốn lính, bị tống vào nhà thương điên, đi lạc rồi bị coi là đào ngũ, lại đi lạc và bị xem là gián điệp, suýt nhiều lần bị treo cổ… Hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác, Vận mệnh người lính tốt được xâu chuỗi với nhau bằng một anh lính đần độn luôn mồm kể chuyện.
Trong các câu chuyện mà Švejk ba hoa kể, đúng như nhận xét của trung úy Lukáš, “anh có thói quen xem nhẹ hàng ngũ các sĩ quan bằng một cách đặc biệt”. Tác giả Hašek không ngừng tố cáo tội ác của chiến tranh, bằng những câu chuyện cười man rợ, nơi người và trâu bò được xem là như nhau khi nhốt cùng nhau để cùng ra trận, hay nói cách khác là cùng đi đến lò sát sinh, nơi một vùng đất sau chiến tranh bao giờ cũng rất được mùa bởi “cả một tiểu đoàn tiêu tan thành cát bụi trên cánh đồng” thì đỡ phải mua bột xương để bón ruộng.
Max Brod, người bạn thân thiết của Franz Kafka và là người đã in bản thảo của Kafka sau khi ông mất, chính là người đầu tiên dịch một phần tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt sang tiếng Đức. Ông tụng ca nhân vật Švejk, “Nhà văn dân gian người Séc đã đạt được điều mà hàng trăm nhà văn khác cố gắng suốt đời nhưng không thành: đó là việc sáng tạo, xây dựng được một nhân vật, một con người độc đáo, đồng thời là một kiểu người. […] Nhà văn không thể mong muốn gì hơn được nữa: đó là nhân vật xuất hiện từ cõi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, và lập tức được mọi người công nhận và tiếp nhận vào tâm thức của mình”.
Švejk độc đáo tới nỗi cho đến thời điểm này các nhà phê bình văn học vẫn không ngừng tranh cãi về anh: một nhân vật nước đôi nhất, mù mờ nhất, khó hiểu nhất. Anh như là sản phẩm của trí tuệ dân gian, nhưng đồng thời lại như một nhân vật chiến lược do chính tác giả tạo ra để phá bỏ mọi thể chế.
Tài năng của Hašek đỉnh cao ở chỗ ông đã giữ vững được tay bút để các câu chuyện hài không hề bị nhạt. Người ta có thể duy trì phong cách được vài trăm trang, nhưng đến gần 1.000 trang, nhân vật Švejk vẫn khiến độc giả cười nghiêng ngả, sự ngu xuẩn của cuộc chiến vẫn bị đem ra làm trò hề không dứt.
Khi mới ra đời, dẫu được quần chúng nhân dân cực kỳ yêu quý vì đem lại tràng cười sảng khoái liên tu bất tận, Vận mệnh người lính tốt lại không được các nhà phê bình văn chương đánh giá cao bởi ngồn ngộn lớp ngôn từ đường phố có phần bình dân và tục tĩu. Ngược lại, vẫn có những nhà phê bình bênh vực nó một mực bởi nhìn ra giá trị của tác phẩm. Nhà thơ và nhà văn Durych nói rằng Švejk phải được đúc thành tượng.
Năm 2021 kỷ niệm tròn 100 năm ngày anh lính Švejk đến với độc giả. Và quả thật, người ta đã đúc tượng anh, anh vẫn được đọc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và anh đã trở thành một dạng nhân vật đặc biệt có một không hai, để khi cần, người ta có thể nói, đúng kiểu Josef Švejk.
Bài: Zét Nguyễn
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE