Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Sống từng ngày – Cuộc đấu tranh vì tình yêu

Một cuốn tự truyện có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, từ đau thương cùng cực của màn đêm đen tối đến những tia sáng le lói đầy hy vọng của tình yêu.

Trước kia, khái niệm về tình yêu của tôi khá đơn giản. Hai người gặp nhau, yêu nhau và ở bên nhau, khi không còn yêu nữa, họ sẽ chia tay để giải thoát cho nhau. Hạnh phúc chỉ vậy thôi. Bởi vì, tôi thấy những người xung quanh, họ yêu nhau, cưới nhau và chia tay cũng khá dễ dàng. Còn những người sống với nhau bởi đạo lý và sự ràng buộc, tôi thấy họ khổ sở, đau buồn, mệt mỏi và bất lực.

Trước lúc bắt đầu đọc tự truyện “Sống từng ngày” của Benjamin Prüfer, tôi vẫn tin rằng tình yêu từ tuyệt vọng và đòi hỏi sự hy sinh quên cả bản thân ở thời đại này chỉ có trong tiểu thuyết và phim ảnh. Ấy vậy mà nó có thật, thật đến trần trụi. Tôi bám sát cuộc đời của Ben và Sreykeo trên từng trang sách không ngừng từ đêm hôm trước đến ngày hôm sau. Tôi thậm chí còn nghĩ rằng mình có thể thấy cảnh hỗn độn ở Phnom Penh, ngửi thấy mùi mốc meo trong căn phòng của họ và nghe tiếng con mèo cào vào vách tường bằng bìa các-tông nhức nhối như thế nào.

Cho đến khi gấp sách lại, tôi vẫn trong cảm giác lẫn lộn nửa tin nửa ngờ về tình yêu của họ. Sao lại có một tình yêu say đắm và mãnh liệt như của Ben tồn tại? Sao Sreykeo lại may mắn như vậy? Trong một khoảnh khắc, như bao cô gái khác, tôi bỗng thấy một chút ghen tỵ với Sreykeo.

“Tình yêu không nhất thiết phải được thử thách ở tầng cao của tinh thần, mà ở dưới này, ở thực tại của chúng. Nơi đôi khi cũng đầy cay đắng” – Lời của Ben Prüfer.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của Benjamin Prüfer và Sreykeo

Trong chốc lát, tôi bỗng thấy tất cả những tiểu thuyết hay phim ảnh ca ngợi vẻ đẹp và chân lý về tình yêu bỗng trở nên hết sức sến súa và ngớ ngẩn. Tình yêu bị ngăn cách bởi khoảng cách địa lý ư? ngăn cách bởi khác biệt văn hóa ư? bởi bệnh tật ư? Nếu bạn chỉ vướng mắc một trong những điều đó mà đã than khóc ỉ ôi cho cả thế giới biết thì thật quá tầm thường! Ben trải qua tất cả những điều đó, thậm chí chạm đến tận cùng của đen tối và nỗi sợ hãi. Vì sao mà một chàng trai người Đức trẻ tuổi được gia đình bao bọc, ít đi du lịch, tương lai sáng lạn lại đâm đầu vào một mối tình đầy tuyệt vọng với một cô gái bán dâm nhiễm HIV người Campuchia và tìm mọi cách lôi cô và gia đình cô ra khỏi bùn lầy? Là lòng thương hại, trách nhiệm hay tình yêu vô bờ bến?

Tôi đã xúc động khi đọc đoạn này của Ben ở gần cuối cuốn tự truyện, khi anh chỉ mua vé một chiều quay về Phom Penh để bắt đầu cuộc sống chính thức với Sreykeo: “Thật khó hiểu. Không còn chia ly nữa. Không bao giờ phải có giây phút buông nhau ra nữa. Không bao giờ có ánh mắt sầu muộn qua cửa sổ máy bay nữa. Không bao giờ nghe lời dặn “Gọi điện cho em khi đến nơi” nữa. Không nghe tiếng lạo xạo trong điện thoại nữa. Không tranh luận tiền nong và mối ngờ vực đọng lại sau đó nữa. Không còn sự bấp bênh luôn đi kèm tình trạng xa cách nữa”.

Đó là cảm giác vừa là giải thoát, vừa là bình yên, vừa là an toàn. Dường như ngay cả bản thân Ben cũng không tin rằng mình lại có thể trải qua tất cả những điều đó để có thể ở bên cạnh và chăm sóc người phụ nữ anh yêu. Sự khánh kiệt, nỗi đau đớn thể xác và tâm hồn dường như lùi về quá khứ. Căn bệnh thế kỷ giờ chỉ là một thứ lý do để họ cùng tranh đấu, cùng sát cánh và cùng vươn lên. Tôi tìm thấy bức ảnh gia đình của Ben trên mạng, với vợ anh và hai đứa con xinh xắn. Anh nhìn Sreykeo với anh mắt yêu thương, mãn nguyện không che giấu. Sreykeo thì như bao phụ nữ châu Á khác, tươi tắn và mặn mà, vẻ đẹp viên mãn của người đàn bà có gia đình đề huề hạnh phúc. Họ bình thường như bao gia đình khác. Nhưng ai mà biết được họ đã phải trải qua những tháng ngày cay đắng như thế nào. Họ vẫn có thể có hai người con hoàn toàn khỏe mạnh. Điều kỳ diệu chăng? Nhưng điều đó không quan trọng, miễn họ đang hạnh phúc.

Tự truyện “Sống từng ngày” được chuyển thể thành phim “Same Same but Different” đạo dễn Detlev Buck, Ben (David Kross) Sreykeo (Apinya Sakuljaroensuk)

Đọc “Sống từng ngày”, tôi thấy tất cả các ngóc ngách của Campuchia bỗng phơi bày ra trước mắt. Các con đường nhộn nhạo, ô nhiễm khói bụi ở Phnom Penh, cả mấy chục con người cùng chen chúc nhau trong chiếc xe buýt 12 chỗ đời cũ, thậm chí chất đầy trên nóc xe, bóp còi inh ỏi, phóng vèo vèo như muốn lao vào nhau. Con phố với các quán bar san sát, đèn màu nhấp nháy và những phụ nữ Khmer mặt dày phấn, khoác trên người những chiếc đầm bó hở hang, đính hạt lấp lánh trông quê mùa, õng ẹo bên khách Tây ba lô quần đùi, dép lào, không khí nhầy nhụa mùi thuốc lá và bia rượu. Cánh đồng chết lạnh lẽo với những đống xương người và đầu lâu trắng hếu chất thành đống trở thành vật triển lãm cho du khách ngắm nghía chỉ trỏ. Tôi nổi da gà khi bước trên con đường vẩn còn vương vãi những mẩu xương nhỏ nằm lấp ló dưới nền đất. Tôi tưởng tượng đến tối, những mảnh xương đó bỗng chuyển động và đi tìm mảnh ghép của mình, khủng khẳng đi lại và sinh hoạt như thể chưa hề có đợt thảm sát đẫm máu nào xảy ra trên đời này. Tôi thấy những căn nhà sàn ổ chuột dựng trên nền đất nhớp nhúa, hôi thối, mùa mưa thì ngập nước, dột khắp nơi, mùa hè thì bức bối, ngột ngạt, cả chục con người sống chen chúc trong không gian chỉ vài chục mét vuông. Chuột chạy ngang tàng như đi hội, kiến bò lúc nhúc và ruồi thì bu đen như được mùa.

Bên cạnh những hình ảnh đen tối như tận cùng thế giới đó, tôi cũng thấy nụ cười Khmer chất phác và hiền hậu. Tôi nhớ lúc ngồi cả giờ đồng hồ bên đầm sen trước quần thể Angkor Wat chờ mặt trời mọc. Giây phút ngắm cả bầu trời đang xám thẫm bỗng lấp ló những tia bình minh đầu tiên và dần chuyển sang màu đỏ mãnh liệt và nhức nhối. Đền Angkor như phủ một lớp hào quang huyền hoặc và mộng mị, giấu trong đó tất cả bí mật của thế gian.

Ít ra, nó lấp lánh những tia hy vọng về cuộc sống và tình yêu. Và một câu nói có thể lấp đầy những khoảng trống, xỏa bỏ những nghi ngờ, hàn gắn những nỗi đau: Chỉ cần có tình yêu, mọi trở ngại đều có thể vượt qua!

Nhóm thực hiện

Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)