Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Tấn trò trong “Vết nhơ của người”: Làm cái con người do chính mình tạo ra

Vết nhơ của người chính vì thế là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời một người đàn ông, một người trải qua bao dằn vặt, khổ đau, từ bỏ gia đình để có thể tự kiến tạo căn cước và đời sống, mang theo bí mật tày trời về chủng tộc bao năm không thể tiết lộ với bất cứ ai.

Vết nhơ của người, cuốn tiểu thuyết nằm trong bộ ba tác phẩm với người kể chuyện chính Nathan Zuckerman, được các nhà phê bình coi là đỉnh cao trong sự nghiệp của Philip Roth. Cuốn tiểu thuyết đưa ông trở lại tâm điểm văn đàn Mỹ, bằng bút pháp hài hước đầy cuồng nộ, phơi bày hiện thực tàn khốc, nơi con người với những lời nói dối nho nhỏ, trình diễn trong vở kịch cuộc đời, với nước Mỹ là sân khấu mà nhân vật chính khao khát, mỗi buổi sáng thức dậy có thể tạo ra chính mình.

Vết nhơ của người mở đầu vào mùa Hè năm 1998 bằng hai sự kiện khiến dư luận cộng đồng, một nhỏ, một lớn phẫn nộ, khiến tinh thần đạo đức phê phán những chuyện được coi là ô nhục cho xã hội dâng tràn như sóng lũ: ở một thị trấn của bang Massachusetts, Coleman, một giáo sư văn học Hy Lạp ở Đại học Athena, dan díu với một nữ lao công bằng nửa tuổi mình. Trong khi đó, ở thủ đô Washington, tổng thống Bill Clinton rơi vào một vụ bê bối với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky. Sau bối cảnh mùa Hè oi nồng ấy, độc giả được nhà văn Nathan Zuckerman giới thiệu nhân vật chính. Người này đã vì giận dữ sục sôi mà lao đến đập cửa nhà ông, yêu cầu ông viết tiểu thuyết để lấy lại công bằng và danh dự cho mình.

Vết nhơ của người 1

Bằng một bi kịch ngẫu nhiên, vừa hài hước vừa đáng căm phẫn, Philip Roth đẩy người đọc đi vào những hồi tưởng. Quá khứ của Coleman lần lượt hiện ra trong những trường đoạn khác nhau, để rồi độc giả nhận ra: Coleman, không ai khác, chính là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Ông bản chất là một người da đen, là đứa con có nước da sáng nhất trong một gia đình da đen ở cái thị trấn nhỏ bé East Orange của hạt Essex, bang New Jersey, quyết tâm sống như một người da trắng trong cộng đồng người da trắng. Bắt đầu bằng một lời nói dối nho nhỏ, số phận của Coleman bị định đoạt. Ai có thể ngờ rằng, cậu bé da màu năm xưa từng bị một siêu thị từ chối phục vụ và bị gọi là mọi đen, thậm chí một nhà thổ ở Norfolk còn ném anh ta ra khỏi cửa, giờ đây lại bị ném khỏi ngôi trường mình đã tận tụy cả đời cống hiến vì người da trắng…

Cả cuộc đời Coleman là một màn trình diễn về căn tính: ông chọn là một con người tự do, không đen, không trắng, không phụ thuộc vào bất kỳ chủng tộc nào, chỉ đơn giản là Coleman Silk, một cái tôi cá biệt và thô ráp. Một thứ tự do ngọt ngào mà cha ông cũng như anh ông không được hưởng, một thứ tự do để tách ra khỏi tổ tiên, cộng đồng, để tránh khỏi những nhục nhã, những ngăn cấm, những thứ có thể ngáng đường khi ta bị coi là có màu da khác với màu da trắng. “Tự do trình diễn cái vở kịch tự định nghĩa nên bản thân”.

Vết nhơ của người 2
Philip Roth, một trong những người khổng lồ đã định hình bộ mặt văn chương hiện đại Mỹ, từng thổ lộ rằng, nhiệm vụ của một nhà văn Mỹ là phải hướng tới hiện thực xung quanh mình: “Nhà văn Mỹ giai đoạn giữa thế kỷ 20 lúc nào cũng lao tâm khổ tứ cố để hiểu, rồi miêu tả, rồi phải làm cho cái hiện thực nước Mỹ trở nên đáng tin”. 51 năm cầm bút, để lại gần 30 tiểu thuyết và tuyển tập, giành được vô số các giải thưởng văn chương cao quý, Philip Roth sáng tác không ngừng, để đeo đuổi sự thật đầy riêng tư, để soi rọi vào đời sống con người trong tương quan với một nước Mỹ tàn bạo đầy định kiến.

Vết nhơ của người chính vì thế là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời một người đàn ông, một người trải qua bao dằn vặt, khổ đau, từ bỏ gia đình để có thể tự kiến tạo căn cước và đời sống, mang theo bí mật tày trời về chủng tộc bao năm không thể tiết lộ với bất cứ ai. Song có lẽ, cái bí mật từng giúp ông vượt thoát lên mọi định kiến áp đặt lại chính là khởi đầu và kết thúc cho chính ông. Coleman đã cố tạo ra số phận của riêng mình bằng cách “phá tung xiềng xích của lịch sử”, nhưng lại thất bại thảm hại trong phần lịch sử tạm bợ mà ông không ngờ tới. Cuốn tiểu thuyết vừa là một áng văn về con người, khi ta chẳng bao giờ có thể hiểu thấu đáo về người khác, khi ta không thể làm tất cả để kiểm soát cuộc đời của chính mình.

Bằng thứ văn xuôi hùng hồn, trùng điệp, tinh tế đi sâu vào bóc tách tâm thức sâu kín của các nhân vật, Roth mời gọi người đọc chiêm nghiệm thân phận các nhân vật chính trải ra trên nước Mỹ. Đất nước ấy hiện lên đầy bức bối và nghiệt ngã với đám đông nêu cao ngọn ngờ đạo đức, với định kiến núp bóng sự đúng đắn. Roth chỉ ra một cách rõ ràng và sâu cay, chính cái nước Mỹ – tưởng là nơi người ta thỏa nguyện với những giấc mơ – lại là nơi lịch sử và hoàn cảnh thắt chặt sợi dây thòng lọng lên những cá nhân giãy mình tìm cách vượt thoát.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)