Trong lịch sử điện ảnh, những tác phẩm như vậy cũng nhiều vô kể và thậm chí trở thành một “sub-genre” (tiểu thể loại) đặc trưng. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành khiến chúng ta khó có thể thực hiện việc đi lại như mong muốn, có lẽ bạn sẽ muốn cùng ELLE tìm hiểu về những bộ phim kéo dài qua các cung đường, và quan trọng hơn, phân tích xem chúng đã góp phần ủng hộ cho tinh thần nữ quyền như thế nào.
THAY ĐỔI KHÔNG GIAN, ĐIỂM NHÌN
Tại sao chúng ta muốn bắt đầu việc đi – việc đi đơn thuần không cần quá bận tâm nơi mình sẽ đến? Đó là nhu cầu được nhìn thấy cái mới, được thay đổi nhận thức, được va chạm với những tập tục, suy nghĩ, văn hóa mới. Và quan trọng hơn nữa, với rất nhiều người, đi xa là để được nhìn thấy chính mình.
Những bộ phim road movie cũng vậy, nhân vật chính luôn rời khỏi ngôi nhà, môi trường sống quen thuộc của họ để hoặc chủ đích, hoặc bị ép buộc, dấn thân vào một hành trình qua những vùng đất xa lạ. Trên hành trình ấy, họ sẽ buộc phải gặp những người khác mình, buộc phải thay đổi, buộc phải thích nghi, buộc phải phá bỏ những thói quen và suy nghĩ cũ. Và cái đích của mỗi cuộc hành trình ấy, không phải là không gian cụ thể, mà là sự trưởng thành về nhận thức. Hollywood đã thành công với một loạt bộ phim road movie nổi tiếng như Easy Rider, Vanishing point, hay Rain Man… Tuy nhiên, có một sự thật là phần lớn road movie có nhân vật chính là đàn ông, những người có quyền chủ động với cuộc đời mình.
BÀI LIÊN QUAN
Vậy nên, với những bộ phim road movie mà nhân vật trung tâm dấn thân vào hành trình là nữ, thì yếu tố trưởng thành về nhận thức lại càng quan trọng. Dù ở xã hội phương Đông hay phương Tây, phụ nữ vẫn được khuyên nên chọn cuộc sống bình lặng, an toàn dưới mái nhà. Họ có thể là tướng, nhưng chỉ nên là nội tướng. Họ chỉ nên tập trung xây dựng một mái ấm gia đình, và chấp nhận tuân theo mong muốn của người đàn ông trong nhà. Road movie, ngay từ những ngày đầu, đã là tiếng nói của phụ nữ phản kháng tư duy bảo thủ này thông qua điện ảnh. Trong bộ phim It happened one night (1933), cô tiểu thư giàu có Ellen đã sẵn sàng bỏ chạy khỏi biệt thự sang trọng của gia đình, lên chiếc xe bus greyhound của giới bình dân và dấn thân vào cuộc hành trình đi theo tiếng gọi con tim. Cuộc sống nước Mỹ bên ngoài lối sống thượng lưu tràn ngập bất ngờ đã khiến Ellen không chỉ hiểu rõ hơn về lựa chọn của mình, mà còn tìm được tình yêu đích thực.
SỰ TRỖI DẬY CỦA NỮ QUYỀN
Tuy đã có sự xuất hiện của nữ giới trong những phim road movie từ thập niên 1930, 1940, nhưng phải đến những năm 1990, Thelma & Louise mới trở thành sự bùng nổ và bước ngoặt cho dòng phim road movie tại Hollywood khi hai nhân vật chính trong phim là hai phụ nữ. Trong những bộ phim road movie trước đó, các nhân vật nữ phần lớn luôn có một người đàn ông bên cạnh. Họ là những nhân vật chưa nếm trải mùi đời, chưa hiểu rõ tinh thần phiêu bạt, và tất nhiên thiếu kinh nghiệm để đương đầu với các bất trắc xảy ra dọc đường. Chính vì thế, họ cần phải có một đại diện nam giới bên cạnh, để họ có sự hỗ trợ và chỉ đường. Thelma & Louise chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác, cho dù lý do lên đường của hai cô gái trong phim không hẳn là sự chủ động. Hành trình của họ bắt đầu khi Louise bắn chết một người đàn ông toan xâm hại tình dục Thelma, buộc họ phải bắt đầu cuộc chạy trốn – và cũng là hành trình đến tự do thực sự, chống lại thế giới của những gã đàn ông hoặc áp chế, hoặc xúc phạm, hoặc lừa lọc họ.
Bộ phim đã trở thành một hiện tượng điện ảnh được nhiều nhà phê bình ca ngợi, được coi như là tuyên ngôn của nữ quyền, khi các nhân vật nữ dám đi đến tận cùng của sự nổi loạn, để giành lại sự chủ động và ý nghĩa của cuộc đời họ.
Âm hưởng của Thelma & Louise để lại dấu ấn sân đậm với những bộ phim sau này. Nhiều bộ phim với nhân vật chính là nữ giới được nắm quyền chủ động khi dấn thân vào hành trình được làm ra nhiều hơn trong những thập kỷ sau. Ví dụ, Wild (2012) do Reese Witherspoon đóng chính đã kể lại hành trình của một người phụ nữ quyết định một mình dấn thân vào hành trình xuyên nước Mỹ để tìm lại ý nghĩa cho bản thân. Đi theo hướng hài hước, Tammy (2014) lại chọn kể về hành trình đi ngược lên miền Bắc nước Mỹ của cặp con dâu mẹ chồng, để họ nhìn ra được giá trị của phụ nữ và sự tương trợ. Hay gần đây nhất, chúng ta cũng đã có cơ hội được theo chân Cate Blanchett lên vùng cực Bắc xa xôi, khi cô đóng vai một người mẹ ở độ tuổi trung niên, quyết định bỏ nhà ra đi để tìm lại khát vọng sáng tạo của mình trong phim Where’d you go, Bernadette (2019).
Cũng phải nói thêm rằng, những bộ phim hành trình không phải là đặc sản của riêng Hollywood, bởi lẽ khát vọng đi là khát vọng chung của nhân loại. Bên cạnh đó, một chuyến đi luôn khiến người ta trưởng thành hơn, điều này dường như đã trở thành chân lý của con người. Ở Việt Nam, thị trường điện ảnh cũng đã có sự xuất hiện của những bộ phim road movie chiếu rạp khá thành công như Tèo Em, Lật mặt hay Taxi, em tên gì? Tuy nhiên, có lẽ chúng ta còn phải đợi lâu hơn nữa mới có những bộ phim road movie Việt mà nhân vật nữ được độc hành, hoặc nắm thế chủ động.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Huyên
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE