Văn hóa / Thế giới văn hóa

Tiếng cười trí tuệ từ “Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975” của nhà báo Phạm Công Luận

Cuốn sách biên khảo “Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975” (tác giả Phạm Công Luận, Phương Nam Book phát hành) giúp độc giả hiểu rõ hơn về báo chí ngày trước qua những giai thoại kể chuyện thời sự hóm hỉnh, những bức tranh biếm họa mang đến tiếng cười nhẹ nhàng đầy trí tuệ.

Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 được thực hiện khá công phu với các bài viết, bài trích và rất nhiều hình ảnh biếm họa phong phú. Tác giả vẫn tập trung vào thế mạnh lâu nay của anh là viết về đời sống văn hóa xã hội trên đất Sài Gòn – Gia Định xưa, lần này là chủ đề tranh biếm họa báo chí Việt Nam từ cả thế kỷ trước cho đến năm 1975.

sách mới của tác giả phạm công luận
Ảnh: Phương Nam Book

Tiếp nối mảng đề tài biếm họa trên báo chí miền Nam

Tựa sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là phần cảm hứng tiếp nối từ tác phẩm đã xuất bản Sài Gòn phong vị báo xuân xưa, trong đó có phần nói về biếm họa trên các giai phẩm xuân trước 1975. Nhà báo Phạm Công Luận nhận thấy đây là thể loại đồ họa báo chí hấp dẫn độc giả, có hàm lượng nội dung phong phú, đặc biệt là ở các nhật báo. Tác giả tiếp tục đi sâu vào đề tài này trong tập sách mới, nhằm trình bày bức tranh rộng hơn về biếm họa báo chí miền Nam trước đây.

Quyển sách biên khảo Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 tiếp nối mạch cảm hứng và tình yêu bền bỉ như nguồn nước không bao giờ cạn mà tác giả Phạm Công Luận dành cho mảnh đất Sài thành. Sách được Phương Nam Book phát hành khổ lớn với hơn 200 trang, 30 bài viết, và hơn 4000 tranh, in màu chất lượng toàn bộ.

bìa sách mới của nhà báo phạm công luận
Ảnh: Phương Nam Book

Tác giả Phạm Công Luận mở đầu quyển sách bằng những dòng hồi tưởng về một thời tuổi thơ vui tươi, êm đềm: “Từ năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hằng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Ba tôi mỗi ngày mua hai tờ nhật báo là Sóng Thần và Điện Tín, tờ nào cũng có biếm họa. Không thể quên những buổi tối, ba và bác Mười Thọ hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì nhỏ xíu, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt… những cái tên khá tức cười nhưng vẽ châm biếm rất thâm sâu”.

Quá khứ là một hiện thực luôn sống động trong hồi ức của tác giả Phạm Công Luận. Cuốn sách mới này gồm hai phần, phần đầu đưa ra cái nhìn khái quát giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt. “Trên các số báo Nông Cổ Mín Đàm thịnh hành ở Nam Kỳ khoảng năm 1917 tuy có vài bức tranh vẽ có dáng dấp biếm họa nhưng thực chất là tranh minh họa mục “Cải lương tiếu quại”…”, Phạm Công Luận viết.

Lần giở những trang sách, bạn đọc sẽ được thưởng thức mảng nội dung thú vị như câu thơ nhại Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Ông Quỳnh, ông Hiếu khéo là cợt nhau!…”. Tinh thần thể thao tưng bừng trên tuần báo “Thể Thao Đông Dương” (số 1 ngày 9.9.1943), có đoạn chú thích: “Tôi đã nói với ông, khi giơ tay lên thì thót bụng vào, mà ông không nghe”. Tờ báo “Sài Gòn Mới số xuân Đinh Dậu 1957” có mẩu chuyện: “- Cô giáo: Trong thân thể có bộ phận gì hở trò Tý?/- Dạ, có xương, thịt, mỡ, gầu, tái nạm và gân với sụn ạ./- Trời! Thế ra trò nói chuyện phở tái?/- Vâng vì ba em làm hàng phở ạ.”…

tranh biếm họa của phạm công luận
Ảnh: Phương Nam Book

Các phần trong sách gợi lại những điều lý thú, giúp độc giả tiếp cận thể loại báo chí có sức nặng biểu đạt, nêu bật những vấn đề đặt ra cho xã hội, mạnh dạn giễu cợt những thói hư tật xấu của người đời, hay châm biếm chính sách và chính khách. Phần “Sự đời lắm nỗi” với một số bài báo đặc sắc trên các tờ báo có tiếng thời bấy giờ, minh họa tranh ngắn, những câu chuyện dí dỏm được tuyển chọn: Phong tục cưới gả năm… con Bò, Làm cách nào để kiếm được người chồng “lý tưởng”?, Gia đình Ba Lém, Trằn trọc trên giường… Tất cả nội dung vừa quen thuộc gần gũi vừa chứa đựng nhiều mảng ký ức của cuộc sống một thời không còn nữa.

Tài năng của những họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975

Với tập sách mới, Phạm Công Luận vẫn giữ được mạch cảm xúc tự nhiên kết hợp với nguồn tư liệu dồi dào, luôn có khám phá mới và chi tiết mới, giữ được thế mạnh của một cây viết sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Hơn hết, trong điều kiện nguồn tư liệu báo chí Sài Gòn trước 1975 hiếm hoi và tản mát, nhưng tác giả vẫn nỗ lực tìm tòi, góp nhặt để cuối cùng cho ra đời một công trình biên khảo lớp lang và thông tin đầy đặn.

tư liệu tranh biếm họa
Tư liệu tranh biếm họa

Theo Phạm Công Luận: “Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp. Những người tài hoa đó, tác giả của “Bé Ngôn – Bé Luận”, “Anh Tám Sạc-ne”, “Anh Năm Trật Búa” nay ở đâu? Còn Đức Khánh, Văn Hiếu, Diệp Đình, Bình Thành, Hưng Hội, Cẩm Đường, Tám Bờm… là những ai, đang còn sống hay đã mất?”. Đây chính là lý do anh chọn đề tài này với mong muốn tô đậm cá tính người cầm cọ phải đánh cược sự tự do cá nhân để bộc lộ quan điểm qua một bức tranh biếm, và tờ báo cũng phải đánh cược cả vận mạng để phát hành.

bé ngôn bé luận
Ảnh: Phương Nam Book

Ở phần chương “Họa sĩ biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975”, tác giả Phạm Công Luận bộc lộ tình cảm trân trọng tài năng của các họa sĩ biếm thông qua những trang viết giới thiệu đầy đủ lai lịch, nêu bật phong cách cá nhân, những tác phẩm ấn tượng của một số họa sĩ vẽ biếm họa, minh họa trên báo chí. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết thêm về họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ theo lối “Tướng tinh họa” với những nét to, gồ ghề, cá tính. Họa sĩ Hưng Hội được người làm báo và giới họa sĩ thập niên 1940 đánh giá cao. Hình họa của ông rất vững, nét vẽ sinh động, gọn gàng, tạo hình nhân vật sắc sảo, thể hiện tốt nội dung.

Hay tên tuổi họa sĩ Văn Hiếu được nhiều người từng sống ở miền Nam trước 1975 biết đến. Trên một số tờ báo, họa sĩ vẽ nhiều bức biếm họa hài hước, ý nhị với nét vẽ sinh động, duyên dáng. Nói về Văn Hiếu, nhà thơ Lý Thụy Ý, từng là Thư ký Tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong khoảng thời gian gần 1975 đánh giá: “Nếu nói đến Văn Nghệ Tiền Phong phải nói đến họa sĩ Văn Hiếu. Anh rất nổi tiếng thời đó, cha đẻ của ‘Bé Ngôn – Bé Luận’ rất hài hước, đáng yêu. Văn Hiếu vẽ biếm họa… thần sầu!”.

Biếm họa trên Báo chí Sài Gòn trước 1975 giúp độc giả cảm nhận rõ tài năng của các họa sĩ biếm, họ không chỉ vẽ đẹp, hài hước mà còn có những ý tưởng rất sâu sắc. Các họa sĩ thể hiện những câu chuyện biếm họa giai đoạn thập niên trước bám sát hành trình của đời sống xã hội, của thời cuộc, của nền chính trị và theo được những bước thăng trầm của đời sống văn hoá người Việt những năm hậu chế độ thuộc địa.

phạm công luận ca ngợi các họa sĩ biếm họa
Ảnh: Phương Nam Book

Nhà báo Phạm Công Luận bộc bạch: “Họa sĩ biếm đáng được kính nể. Họ có thể vẽ tranh, vẽ nhân vật rất sinh động, lại biết cách diễn đạt khúc chiết ý tưởng của chính họ qua các hình tượng. Ngôn ngữ tranh biếm cô đọng, có khi không cần lời, chỉ cần một biểu tượng là có thể nhận diện ra một kế hoạch, một âm mưu, một tham vọng hay vấn đề lớn của một con người, một chính khách. Dáng nằm của một người nghèo có thể thấy cả cuộc đời bất hạnh”.

Quyển sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 cung cấp cho độc giả những tư liệu quý giá về thể loại tranh biếm họa, minh họa… Để từ đó, người đọc sẽ hiểu rõ thêm về báo chí ngày trước qua những trích lọc, những câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh phản ánh trong những bức tranh đậm chất biếm. Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 xứng đáng là quyển sách dành cho những độc giả quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội của đô thị miền Nam xưa và từ đó góp phần lưu giữ những ký ức đang dần mai một.


Xem thêm

• 7 cuốn sách mới hay cho mùa ngập nắng

• [Giới thiệu sách hay] Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận – Mảnh ký ức quý giá trong lịch sử dân tộc

• [Review sách hay] Cô gái – Những chữ “E” câm


Trích đoạn

“Biếm họa báo chí những năm 1954, 1955, 1956 tiếp tục xuất hiện đều trên các báo xuân như Quê Hương, Thần Chung, Tiếng Chuông, Tin Điển, Xuân Mai… đa số về chuyện sinh hoạt đời thường. Một số tranh không ký tên tác giả, chỉ có tên của cơ sở chế bản thường là Cliche Dầu trên đường Huỳnh Thúc Kháng chuyên làm bản kẽm cho báo chí trong nhiều năm trước 1975”.

“Họa sĩ Hưng Hội lúc đó là cây cọ đang lên, về biếm và minh họa thường xuyên cho Nam Kỳ tuần báo của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ngoài ra còn vẽ bìa sách và minh họa cho các tờ báo khác. Trên báo, Hưng Hội thể hiện tay nghề vẽ biếm không thua kém các họa sĩ Pháp cùng thời. Các nhân vật của ông, từ các cô thiếu nữ, các thầy thông thầy ký, người lao động… thật linh hoạt và sống động qua từng cử chỉ, cách biểu cảm. Tranh của ông vừa cổ vũ phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa châm biếm nhẹ nhàng và cười cợt vui tếu những hoạt động phi thể thao, khi hội đánh tứ sắc vẫn thu hút hơn đám đánh bóng bàn, môn “quyền thuật” vẫn tồn tại ở các gia đình đa thê mà trọng tài là đức lang quân”.

trích đoạn trong sách biếm họa của phạm công luận
Ảnh: Phương Nam Book

“Một bài viết trên báo Tia Sáng có nêu: “Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến cho chúng ta tiếng cười trí tuệ, tiếng cười mà con người cần có để tự hoàn thiện chính mình.””

Vai trò của biếm họa báo chí đã được ông Kofi Annan, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát biểu tại tổ chức mà ông lãnh đạo năm 2006 như sau: “Các họa sĩ biếm họa có ảnh hưởng lớn đến cách nhìn về nhau giữa các nhóm người khác nhau. Họ có thể khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc và tăng cường sự đồng cảm với những đau khổ và thất vọng của người khác. Nhưng họ cũng có thể làm ngược lại. Tóm lại, họ có một trách nhiệm lớn” ông nói với các họa sĩ biếm họa từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại New York. Ông còn cho biết: “Họ có thể giúp chúng ta suy nghĩ rõ ràng hơn về công việc của họ và cách chúng ta phản ứng với nó. Và có lẽ chúng ta có thể giúp họ suy nghĩ về cách họ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình, không phải để củng cố định kiến hay thổi bùng đam mê, mà để thúc đẩy hòa bình và hiểu biết. Chắc chắn, họ có thể giúp đỡ lẫn nhau để làm điều đó” (trình bày tại hội thảo “Unlearning Intolerance: Cartooning for Peace” tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 16.10.2006).

Đánh giá về sách

Ngay lần đầu lật xem tập bản thảo Luận trao tay ở quán cafe hôm ấy, tôi đã thấy sướng củ tỉ… khi được nhìn thấy cả một bầu trời tuổi thơ tái hiện. Kìa là những tên tuổi quen thuộc Văn Hiếu, Vương Nghiêm, Đức Khánh, rồi là Tuýt, Ớt, Chóe… với những phong cách vẽ không ai lẫn được với ai… Hơn nửa thế kỷ trước, tôi và bạn cùng trang lứa (như anh chị em nhà Luận) đã bị mê hoặc bởi tranh vẽ của họ. Mãi hôm nay mới được xem lần nữa những bức tranh đăng báo một thời gắn với tuổi thơ chúng tôi, tưởng chừng không bao giờ thấy lại nữa. Cảm ơn Luận nhiều. Và sẽ còn cảm ơn tác giả nhiều nữa, khi ta lật từng trang sách…”.

– Họa sĩ Đức Lâm

Cuốn sách sẽ không chỉ dành cho lứa “già” như Satế đọc để chậm rãi tìm về những ngày xưa của mình. Lớp trẻ đang lớn yêu tranh vui, thích biếm họa sẽ tìm thấy trong đó bút tích quý giá của những họa sĩ tiền bối mở đường. Sẽ hiểu rõ thêm về báo chí ngày trước qua những câu thoại ghi chép thời sự hóm hỉnh, chọc ngoáy thông minh. Cuốn sách, chuyên khảo về tranh vui, biếm họa này đáng lý đã phải “góp mặt” trên các kệ sách từ lâu. Satế ghi tạm ít dòng ở đây, cảm ơn công phu, tâm huyết lần này của Phạm Công Luận đặt vào sách: món quà quý dành cho cộng đồng”.

Satế – Nguyễn Văn Thưởng

Anh 3.jpg

Biếm Họa Trên Báo Chí Sài Gòn Trước 1975

Nhóm thực hiện

Tham khảo: Phương Nam Book

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)