[Giới thiệu sách hay] Cuộc đời phía trước: Đừng “copy – paste”, hãy đặt câu hỏi về mọi thứ
Thế hệ trẻ thường được gọi là tương lai của nhân loại. Tương lai ấy sẽ tươi sáng hay… tăm tối phụ thuộc nhiều vào nền tảng giáo dục mà các em nhận được ở hiện tại. Như riêng ở Việt Nam, giáo dục luôn là đề tài gây nhiều lo ngại bởi tính trọng thành tích hơn là thực học.
Học nhiều nhưng không thực học cũng là mối quan tâm của triết gia, nhà diễn thuyết nổi tiếng người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti. Trong nhiều thập kỷ, ông đã đi khắp nơi để nói về cải cách giáo dục và ảnh hưởng của nó lên tiến trình thay đổi thế giới. Các bài giảng của ông được ghi lại trong hơn 70 cuốn sách. Trong đó, Cuộc đời phía trước là một trong những quyển sách hay của ông hướng tới độc giả chính là các em học sinh, sinh viên – những người trẻ đang chập chững bước vào hành trình kiến tạo thế giới, cho riêng các em, và cho tương lai nhân loại.
Học nhiều nhưng học kiểu “copy – paste”
Trong cuốn sách hay này, Krishnamurti bàn rất nhiều về những nỗi sợ tạo nên khuôn khổ, kìm kẹp tư duy của học sinh. Cha mẹ sợ con cái không tìm được công việc ổn định. Học sinh thì học nhiều, nhưng phần lớn chỉ vì cha mẹ buộc phải học để vào trường chuyên lớp chọn và sau này kiếm được việc làm lương cao.
Theo Krishnamurti, người học sinh, vì đã luôn được dạy bảo bởi trường lớp, các tấm gương thành đạt nổi tiếng, các lãnh đạo quốc gia và cả các bậc thầy tôn giáo, luôn sợ mình sẽ đi chệch khỏi những gì được dạy. Không có tình yêu với tri thức và ham muốn khám phá ý nghĩa thực sự của cuộc sống, nên tầm nhìn chỉ loanh quanh trong khuôn khổ của những cuộc đua ảo tưởng mà xã hội bày ra.
Bên cạnh đó, ở thời nay, các em có thêm nguồn thông tin dồi dào từ internet. Nguồn tri thức hiện đại này cung cấp nhiều điều mới mẻ và mang tính cập nhật hơn, có thể giúp các em viết được bài luận hàng nghìn chữ hay nói được bài diễn thuyết hùng hồn về bất kỳ vấn đề đương đại nào, nhưng nó cũng tạo thêm một vòng kìm kẹp tư duy mà các em không dám thoát ra vì nỗi sợ không theo kịp xu hướng chung.
Tất thảy đều sợ phải đứng một mình, vì vậy, ai ai cũng làm những việc giống nhau, đua tranh chạy theo những ảo tưởng giống nhau.
Xem thêm
• 5 bức tranh màu nước được thực hiện bởi vua Charles III
• [Review sách hay] Âm nhạc và văn chương – Muôn mặt Murakami
Hãy dám đặt câu hỏi về mọi thứ
Nói đến đây, ta phải nhớ đến cụ Phan Chu Trinh – người từ thuở xưa đã cảnh báo về mối nguy của việc học nhiều nhưng không thực học. Trong bức thư gửi cho một thiếu niên thời ấy, cụ Phan nhắn nhủ: “Vậy tôi xin các anh đừng vội vàng, đừng ham nhiều, đừng khoe rộng, chỉ cứ tùy theo sức mình, bước một bước cho chắc một bước, […] chớ bắt chước những người thiếu niên bên ta bây giờ, việc gì cũng biết cả, việc gì cũng nói cả, một bài diễn thuyết có bốn, năm giờ, một bài luận có mấy chục trang giấy mà kỳ thực biết hão huyền, nói xằng nói chạ, trăm voi không được bát xáo, lại làm cho lộn hết cả cái đầu trong trẻo của kẻ thiếu niên…”.
Cải cách hệ thống giáo dục là việc của người lớn, nhưng theo Krishnamurti, việc các em có thể làm ngay là từ bỏ thói quen tiếp nhận thông tin theo kiểu “copy – paste”, thay vào đó là đặt câu hỏi về mọi thứ.
Khi không hài lòng với những gì được bày sẵn, em sẽ phải tự mình dấn thân, suy tư, thử nghiệm và vấp ngã. “Các em phải được tự do khám phá chứ không phải bị nhốt kín trong những bức tường về điều được làm và điều không được làm“, Krishnamurti nói, “Đừng chỉ biết vâng lời mà hãy khám phá làm cách nào để tự suy nghĩ xuyên suốt một vấn đề“.
Vậy tại sao em phải chọn con đường nhọc nhằn và cô độc đến thế? Bởi vì, chỉ những tâm hồn không bị xiềng xích mới tự biết mình muốn gì trong đời, nhìn thấy chính mình trong mối quan hệ với mọi người, và điều mà mình có thể làm để tìm kiếm hạnh phúc thực sự cũng như đóng góp cho hiện thực chung.
Cuộc đời phía trước được trình bày với hình thức hỏi – đáp như cuộc trò chuyện giữa Krishnamurti với các em học sinh. Tuy nhiên, cũng như kiến thức trong sách giáo khoa hay triết lý tôn giáo, như lời dạy của cha mẹ hay quan điểm trên Facebook và Instagram; lời của Krishnamurti có thể đẹp đẽ và sáng suốt, nhưng đó là suy nghĩ của riêng ông, từ trải nghiệm cuộc đời của riêng ông.
Điều quan trọng nhất mà cuốn sách hay này mang lại cho các em là ham muốn mở ra những cánh cửa bị đóng kín trong mình. Dù ở thời nào, ở xã hội Việt Nam hay bất kỳ đâu, luôn có những luật lệ và định kiến – những giới hạn mà các em phải chủ động vượt qua để khám phá cái chân cái thực, để tự do kiến tạo một thế giới mà ở đó, em cảm thấy cuộc sống của chính mình có ý nghĩa.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE