[Review sách hay] Giáo dục tình cảm – Ảo mộng tiêu tan

Đăng ngày:

Được viết bằng giọng giễu nhại với câu văn được viết theo nhịp ba, Giáo Dục Tình Cảm là đỉnh cao về văn phong tiết chế và tập trung vào việc phô bày những chi tiết thị giác.

Ngày 15/11/1912, Franz Kafka gửi tặng cho Felice Bauer – người sau này sẽ trở thành vị hôn thê của ông – một cuốn sách hay và viết như sau trong thư: “Giáo dục tình cảm là một cuốn sách trong nhiều năm rất thân thiết với tôi mà chỉ có hai hay ba người thân thiết đến mức như vậy; mỗi khi mở cuốn sách này ra ở bất kỳ chỗ nào và bất kỳ thời điểm nào, tôi đều bàng hoàng và bị nó chinh phục hoàn toàn, và tôi luôn cảm thấy như thể mình là đứa con tinh thần của tác giả, dẫu chỉ là một đứa con vụng về và kém cỏi”.

Người cha tinh thần của nhà văn vĩ đại người Séc này không ai khác chính là Gustave Flaubert, “nhà văn của những nhà văn”, như Henry James từng gọi. Flaubert viết về Giáo dục tình cảm như sau: “Tôi muốn viết lịch sử đạo đức về những người thuộc thế hệ tôi – hay, nói chính xác hơn, lịch sử cảm xúc của họ. Đó là tác phẩm về tình yêu, về đam mê; nhưng về đam mê như có thể tồn tại ở thời buổi này, nghĩa là không hoạt động”. Cuốn tiểu thuyết viết về quá trình giáo dục tình cảm của nhân vật chính, về tình yêu và đam mê của anh chàng sinh viên Frédéric Moreau với một người đàn bà lớn tuổi hơn đã có gia đình. Trên chiếc tàu thủy lúc rời Paris về quê, anh đã gặp hình ảnh một người phụ nữ “cứ như là một sự hiển linh”: ngay lập tức Frédéric rơi vào lưới tình.

sách hay giáo dục tình cảm

Ảnh: Pexels

Cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Arnoux, vợ ông chủ Nghệ thuật công nghiệp, một doanh nghiệp lai tạp, gồm một tờ báo về hội họa và một cửa hàng tranh, đã đẩy Frédéric vào một cuộc truy đuổi ái tình đầy mơ mộng và miên viễn. Cuộc tình tuyệt vọng này được trích xuất ít nhiều từ chính những trải nghiệm trong đời của Flaubert. Thời trẻ, ông cũng từng yêu mê muội, một tình yêu không hồi đáp, một phụ nữ có gia đình, bà Elisa Schlésinger. Khi đưa nó vào tác phẩm, Flaubert như dựng lên một thế thân của chính mình, một kẻ yêu lý tưởng, mãnh liệt mà thầm lặng, luôn tìm mọi cơ hội để được tiếp cận tình yêu, dẫu đến mức phải kết bạn và giúp đỡ hết lần này tới lần khác chồng của người mình yêu, lẫn dây dưa với cả người tình của ông.

Không chỉ là một lịch sử cá nhân, Giáo dục tình cảm còn là cuốn tiểu thuyết lịch sử, là bức tranh xã hội rộng lớn về Paris trong cuộc cách mạng 1848. Flaubert dựng lên một Paris rộng lớn và đầy hiện thực không kém gì Balzac, nhưng với kỹ thuật viết tiết chế hơn – một Paris trong các phong trào quần chúng, trong hàng loạt hỗn loạn của những lật đổ chính trị, của sự thiết lập một nền cộng hòa mới. Giữa cái phông nền xã hội và chính trị rộng lớn ấy, Flaubert để cho các nhân vật của mình xoay mòng giữa các mối tình trai gái và những tham vọng nghệ thuật lẫn chính trị không kết quả.

Giáo dục tình cảm

Flaubert từng bày tỏ rất đanh thép về vai trò của người viết: “Theo tôi, tiểu thuyết gia không có quyền bộc lộ quan điểm của mình về mọi việc của thế giới này. Khi sáng tạo, anh ta phải bắt chước Chúa trời: làm việc của mình rồi ngậm miệng lại”. Quan điểm ấy chạy xuyên suốt các tác phẩm của ông, từ Bà Bovary tới Giáo dục tình cảm. Flaubert – tác giả, người kể chuyện trong tác phẩm, lẫn nhân vật chính, đều không cung cấp bất kỳ bình luận hay diễn giải nào về những sự việc trong tác phẩm. Frédéric cũng như các nhân vật khác luôn được kể bằng giọng mơ hồ trong điểm nhìn, hoàn toàn thiếu vắng sự phán xét trên bất kỳ phương diện nào, dẫu các nhân vật có hành động ngông cuồng ra sao. Độc giả như được đẩy vào vị trí buộc phải truy tìm điểm nhìn nhằm đưa ra nhận định của chính mình. Đây là một trong những sáng tạo độc đáo của Flaubert mà các thế hệ sau tìm cách học tập. Hơn nữa, được viết bằng giọng giễu nhại với câu văn được viết theo nhịp ba, Giáo dục tình cảm là cuốn sách hay đỉnh cao về văn phong tiết chế và tập trung vào việc phô bày những chi tiết thị giác.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more