Sách là một kho tàng kiến thức mà có lẽ sẽ chẳng ai có thể tự tin nói rằng mình đã “khai quật” được tất cả. Trong tháng 2 này, ELLE Việt Nam sẽ giới thiệu đến bạn các đầu sách hay mới nhất.
1. Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu – Huyền Thư
Huyền Thư là một thiếu nữ đã rời xa gia đình, làng quê ra nước ngoài du học từ nhỏ nhưng vẫn nuôi trong mình cảm thức tiếng Việt và cảm xúc đồng quê để viết nên những bài thơ nặng trĩu nhớ thương, hoài cảm. Tập thơ chứa đựng nỗi nhớ của một người con với cha mẹ, của một người trẻ thử già nua để được hồn nhiên, của một cô gái với đất và người ở những nơi cô đã đến, đã sống. “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu” có thể là một câu hỏi cho người đối diện, nhưng phần nhiều là câu tự vấn mình, một khát khao tâm tình và sẻ chia, cả một day dứt, phân vân nữa. Rốt cuộc, nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?
2. Thế giới mới tươi đẹp – Aldous Huxley
Là kiệt tác văn chương thế giới được viết năm 1931 và gây sửng sốt nhiều thế hệ dù gần một thế kỷ đã đi qua vì tính tiên tri của nó, Thế giới mới tươi đẹp là một cuốcn sách hay thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, mô tả London vào năm 2540. Đó là thế giới của một nhân loại mới, một loài người được làm hoàn toàn bằng công nghệ. Sản phẩm người được chia thành 5 loại ở 5 đẳng cấp theo thứ tự từ cao xuống thấp theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon, được huấn luyện theo đúng đẳng cấp của mình để tạo nên một trật tự nhất quán, nhằm xây dựng “thế giới tươi đẹp”. Thế nhưng, liệu một thế giới hành xử theo lập trình, không cảm xúc, hủy diệt tính người…có thực sự là một thế giới tươi đẹp?
3. Elon Musk – Ashlee Vance
Elon Musk được mệnh danh là Người Sắt bằng xương bằng thịt, nhưng qua cuốn sách này, bạn sẽ thấy anh còn vĩ đại hơn cả Người Sắt. Bởi ngoài những sứ mệnh to lớn với Trái đất, anh còn phải chống chịu những đau đớn, tổn thương hết sức con người. Chỉ vài người trong lịch sử có nghị lực và tầm nhìn tầm cỡ như Musk, người đứng sau SpaceX, Tesla, PayPal, SolarCity, những doanh nghiệp đang thay đổi lối sống của toàn nhân loại. Anh là mẫu hình kết hợp giữa những bộ óc vĩ đại về phát minh và kinh doanh như Thomas Edison, Henry Ford và Steve Jobs. Sự điều hướng và tầm nhìn vĩ đại đã khiến Musk khởi phát ba cuộc cách mạng: tên lửa, xe tự hành và năng lượng. Nhưng thật bất ngờ, người làm nên những điều vĩ đại ấy lại từng là một cậu bé chuyên bị bắt nạt ở trường, một chàng trai từng lang thang trên đất Mỹ với tấm vé xe buýt liên bang, một doanh nhân từng bị truyền thông giễu nhại… Tất cả sẽ được hé lộ trong cuốn sách hay nhất của tác giả độc quyền viết tiểu sử cho Elon Musk.
4. Những điều bạn chưa biết về trai Tây – Cameron Shingleton
Trai Tây ấn tượng trước kiểu phụ nữ nào nhỉ? Anh ta sẽ làm gì khi lần đầu ra mắt gia đình cô bạn gái Việt và được nhắc khéo chuyện cưới xin? Chồng Tây có hôn vợ vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm không? Anh ta có sửa soạn bữa sáng và bưng vào tận giường như một vài cô gái có bạn trai Tây vẫn khoe trên mạng? Liệu tình yêu xuyên biên giới đó có bền vững không? Họ giải quyết bài toán khác biệt văn hóa như thế nào? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong cuốn sách hay ho, hài hước và cực kỳ sinh động này, do một trai Tây chính hiệu viết hoàn toàn bằng tiếng Việt. Và rồi, bạn sẽ khám phá ra chân dung thật sự của trai Tây – không phải mang dáng dấp đầy hư cấu của các diễn viên Hollywood. Họ cũng chỉ là những chàng trai đi tìm một nửa của mình mà thôi.
5. Món quà từ cánh chim – Eun Hee-Kyung
Tác giả Eun Hee-kyung đã miêu tả thật sinh động thế giới của người lớn cùng các bí mật của họ thông qua đôi mắt đầy hoài nghi của nhân vật “tôi”. Nhân vật chính, Kang Jin-hi, một người phụ nữ giữa tuổi 30, nhớ lại quãng đời của mình trong tâm trí của một bé gái 12 tuổi với lời khẳng định: “Trở lại tuổi mười hai, tôi không cần phải lớn lên nữa”. Đó là một cô bé mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi và luôn phải cảnh giác trước thế giới của người lớn. Eun Hee-kyung giành được tình cảm của độc giả bằng lối kể chuyện tỉ mỉ và tinh vi, dù đó là những chuyện hết sức tầm thường của đời sống hàng ngày. Sự hoài nghi phức tạp kết hợp với lối văn xuôi nhẹ nhàng, dí dỏm đã làm sáng tỏ những rào cản của sự kết nối giữa người với người.
6. Xứ tuyết – Kawabata Yasunari
Xứ tuyết là tiểu thuyết dạng vừa đầu tiên của Kawabata Yasunari, cũng là tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa duy mỹ ở ông.
Nhân vật chính, Shimamura, là một người cơm áo không lo, dần dần thành ra mau chán và ì trệ. Vì muốn củng cố thái độ sống của mình, anh quyết định đi xa leo núi, lấy sự vất vả về thể xác làm phương pháp rèn tinh thần. Từ trên núi xuống, anh ghé vào làng suối nước nóng ngay cạnh đó để nghỉ ngơi, nào ngờ từ đây buông mình vào mối quan hệ khiến anh nhiều khi ân hận nhưng không dứt bỏ được với một geisha nồng nàn, giàu nhục cảm, cho đến ngày một ngọn lửa điêu tàn bùng lên thiêu rụi tất cả.
Là tác phẩm đỉnh cao của Kawabata, giúp ông giành giải Nobel Văn chương năm 1968, Xứ tuyết đẩy đến cực hạn cái đẹp hư vô, cái đẹp thanh khiết và cái đẹp bi thiết bằng một bút pháp tinh tế, cô đọng, gợi ý, khó nắm bắt, tạo nên cuộc hội ngộ hoàn hảo giữa thể loại tiểu thuyết và thơ Haiku.
7. Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới – Nguyễn Hải Nhật Huy
Đô thị lấp lánh thơm tho, đô thị của các trung tâm thương mại, truyền thông và internet, hơn bao giờ hết đang dần trở thành một cỗ máy khắc nghiệt, nhào nặn ra những con người giống nhau đến kỳ lạ. Và nếu như ta không chịu giống người khác, nếu như ta kháng cự guồng quay mua nhà tậu xe, đắp điếm lên người những thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng, có một em người yêu xinh đẹp thời thượng, tham dự tiệc tùng và lai vãng đến những quán cà phê sang chảnh, nếu như ta cứ cật vấn mình là ai và có đang hạnh phúc, thì đô thị sẽ nghiền nát ta thành một cái gì gớm ghiếc. Cho đến khi một cơn bão tràn qua… Bằng giọng “khẩu văn” tưng tửng, bụi bặm, giễu nhại, Nguyễn Hải Nhật Huy đã kể thật sống động câu chuyện về đô thị hôm nay trong một cuốn sách hay, mà sẽ rất nhiều người thấy bóng mình trong đó.
8. Nẻo xa cát bụi – Nguyễn Trọng Văn
Một cuốn sách hay và thú vị với cái nhìn thâm trầm, đôi chỗ rất hóm hỉnh của một nhà văn có vốn sống dồi dào và tinh tế. Nội dung truyện trải rộng từ những chuyện đậm màu sắc tâm linh, huyền ảo, đến những câu chuyện về những phận đời mà bóng dáng chiến tranh vẫn thấp thoáng đâu đó. Và kết thúc bằng những chuyện của ngay thời hiện đại mà cứ ngỡ là quá xa xôi vì những kiếp người cô đơn đến cùng cực. Họ mang nỗi bất hạnh có khi do chính mình tạo ra hay nỗi bất hạnh đã đeo mang họ từ khi tượng thành kiếp người.
9. Mỗi ngày nhìn lại – David Levithan
“Mỗi ngày tồn tại trên một thân xác khác nhau. Mỗi ngày sống một cuộc đời khác nhau. Nhưng dù vậy, mỗi ngày trôi qua vẫn chỉ yêu duy nhất một cô gái”. Đó là cuộc đời của cậu bạn có cái tên ngắn gọn “A” trong cuốn sách hay này. A chỉ thực sự tồn tại trong thân thể người khác, phải sống với suy nghĩ, hoàn cảnh của người khác trong một ngày và chuyện ấy đã diễn ra trong 16 năm nay.
Chưa từng có một lời cảnh báo nào về việc cậu sẽ di chuyển đến đâu, ngự trị trong thân xác của ai. Cậu phải học cách quen với việc ấy, thậm chí còn tự vạch ra cho mình những điều tối kị khi sống “lang bạt” thế này: Đừng quá gắn bó. Tránh bị phát hiện. Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của người cho mượn thân xác.
Cho đến một ngày kia, A tỉnh dậy trong thân xác của một cậu bé và gặp gỡ bạn gái của cậu ta. Đó là lần đầu tiên, A có cảm giác thích một ai đó, sẵn sàng vì ai đó mà phá bỏ quy tắc sống của mình. Dù sau này vẫn phải sống trên thân xác người khác, nhưng cậu vẫn cố tìm cách liên hệ với cô bạn ấy. Cô gái đầu tiên cậu muốn ở bên từ lúc mặt trời mọc đến lúc vầng trăng lên, ngày này qua ngày khác.
Liệu cô bạn ấy có nhận ra người mình cũng đem lòng cảm mến khi mỗi ngày lại gặp cậu ấy dưới một hình hài khác? Liệu cậu bạn A có tìm cách khiến cô bạn kia tin rằng dù diện mạo có đổi thay thì có duy nhất một thứ mãi mãi không đổi, đó là trái tim của cậu? Tất cả sẽ được giải đáp trong cuốn sách hay về tình yêu mang đậm màu sắc giả tưởng này.
10. Người tị nạn – Viet Thanh Nguyen
Viet Thanh Nguyen là nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer và nhiều giải thưởng khác của các Hiệp hội văn học Mỹ cho sự nghiệp sáng tác của mình. Ông sinh năm 1971 ở Việt Nam, cùng gia đình di tản sang Mỹ vào mùa Hè năm 1975. Năm 2016, ông gây tiếng vang đặc biệt trên văn đàn Mỹ đương đại sau khi thắng giải Pulitzer cho hạng mục Fiction. Ông có những cuốn sách hay đáng chú ý như Nothing ever die, The Sympathyzer, Vietnam and the Memory of war, The refugees…
Tác phẩm Người tị nạn (The Refugees) là tác phẩm đầu tiên của ông được dịch và xuất bản tại Việt Nam và để “tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu”. Mở đầu cuốn sách là những day dứt về một quá khứ đầy ám ảnh “Tôi viết sách này cho những hồn ma vốn là nhóm duy nhất ở với thời gian bởi vì họ ở ngoài thời gian” (Roberto Bolafio, Antwerp), “Những thứ ám ảnh bạn không phải là những ký ức của bạn Không phải những điều bạn đã viết ra Mà là những điều bạn đã quên, bạn phải quên Những điều bạn phải tiếp tục quên suốt cả đời mình” (James Fenton, A German Requiem).
—
Xem thêm:
Tủ sách hay gối đầu của tỉ phú Elon Musk
[Review sách hay] Thủy Tiên đã cưỡi chép vàng đi: Câu chuyện về sự cô đơn của con người
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE