Mời bạn cùng ELLE Việt Nam tổng hợp các tựa sách hay trong tháng.
Người con gái ta thương – Ngô Võ Giang Trung
Người con gái ta thương – tập thơ thứ 2 của Ngô Võ Giang Trung là chiếc ôm ân cần, là nụ hôn nồng ấm, là siết tay sẻ chia… ở lại sau mỗi cuộc tình, khi chữ yêu đi qua, còn lại chữ thương êm đềm vững chãi. “Ta thương em” nghe thật hiền và bền vững. Những tình cảm trong mỗi câu thơ của Giang Trung dù buồn, là thứ tình của kẻ đến sau, hay những đợt sóng ngầm của người đàn bà nhận thấy vết son lạ trên áo chồng, hay thứ tình buồn bã của người đã cũ nhìn người mình thương bên một người mới… thì tất cả đều là một nỗi buồn hiền lành. Có trách móc, giận hờn gì nhiều đâu, bởi sau cùng vẫn giản dị là “tôi thương người” đấy thôi. Tập thơ là một cuốn sách hay, một món quà cùng bạn trẻ đối diện với tổn thương của lòng mình. Để biết dẫu không còn yêu thì vẫn còn thương vẹn tròn.
Ta còn em – Phan Vũ
“Tháng Chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi! Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa… Điệp từ Ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về”. Đó là lời của nhà thơ Phan Vũ khi nói về Em ơi! Hà Nội phố, bài thơ được ra đời trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom xối xả. Giờ đây, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những câu thơ ấy dường như vẫn vẹn nguyên giá trị. Tập thơ Ta còn em bao gồm hai phần: phần Trường ca là bài Em ơi! Hà Nội phố nổi tiếng, phần Thơ gồm những bài thơ tác giả sáng tác qua nhiều năm, trong đó có cả những bài mới công bố lần đầu.
Đung đưa trên những đám mây – Nguyễn Hoàng Mai
Nếu quy đổi âm điệu văn phong thành những đường nét trong hội họa thì Đung đưa trên những đám mây của tác giả Nguyễn Hoàng Mai là bức tranh với những nét cong tròn mềm mại, tràn đầy nữ tính dịu dàng chiếm vai trò chủ đạo, định hình toàn bộ không khí câu chuyện. Sự nữ tính ấy không chỉ nằm trong giọng văn mà còn nằm trong hình tượng nhân vật: Những nhân vật chính yếu trong câu chuyện này đều là những người phụ nữ chịu nhiều tổn thương trong quá khứ đang cố gắng đấu tranh để sống cho hiện tại.
Thời tính, hữu thể và ý chí – Một luận đề siêu hình học – Nguyễn Hữu Liêm
Thời tính, hữu thể và ý chí – Một luận đề siêu hình học có thể nói là một trong vài tác phẩm triết học siêu hình hiếm hoi do một tác giả Việt Nam viết ra. Nguyễn Hữu Liêm dùng triết học để kiến giải Truyện Kiều, tôn giáo, dân tộc tính, địa chính trị cũng như nhiều vấn đề khác nhau: Với hơn 1.000 luận đề nhỏ trong cuốn sách hay được đánh số thứ tự 1,2,3,4… bạn có thể cầm sách lên và đọc một luận đề bất kỳ, như hấp thụ một lượng caffeine – có thể khiến bạn hưng phấn, thích thú hoặc mất ngủ hoặc không đồng tình.
Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không? – Vũ Thành Sơn
Với cuốn sách hay Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?, một lần nữa chúng ta lại thấy Vũ Thành Sơn tiếp tục đi trên con đường riêng mình khai phá, không lẫn vào đâu. Qua từng trang viết tác giả cho ta thấy cuộc sống là vô vị, đều đều, không phi lý cũng không hữu lý, nó là không dưng (gratuit), là có đó, là trung tính, là một hiện thực tẻ ngắt mà chúng ta phải chung đụng hằng ngày. Tác giả không cần phải dùng đến sự tưởng tượng để khám phá nội tâm nhân vật – có vẻ như tất cả chất liệu có thể làm nên văn chương hư cấu nằm ở phương diện biểu hiện khách quan của mỗi người. Vũ Thành Sơn kéo những độc giả bình tĩnh khác ở lại, đọc, rồi trầm tư với câu hỏi: “Bí mật của nhà văn là gì khi với một câu chuyện không gay cấn kịch tính như thông thường nhưng nó làm ta khoái cảm khi đọc, và muốn đọc lần nữa ngay khi truyện kết thúc?”.
Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng – Isabelle Müller
Isabelle Müller sinh năm 1964 tại Tours (Pháp). Cha bà là người Pháp, mẹ là người Việt, tên Đậu Thị Cúc, tự là Loan. Loan chính là người phụ nữ đã bỏ trốn khỏi cuộc hôn nhân cưỡng ép năm 12 tuổi để bắt đầu cuộc phiêu lưu dài, hiểm nguy và đầy khổ cực qua Việt Nam, Pháp, Algeria… Người phụ nữ này tuy ít học nhưng duyên dáng, mạnh mẽ, khôn ngoan, và đặc biệt luôn giữ niềm tin lớn vào chính mình. Những cuộc phiêu lưu vượt biên giới và hành trình tự giải phóng của mẹ chính là nguồn cảm hứng để Isabelle Müller viết nên cuốn sách hay này. Loan không chỉ là cuốn sách hay kể lại hồi ức về một người mẹ mà còn là bức tranh chân thực về cuộc đời của một người phụ nữ Việt Nam nổi loạn nhưng kiên cường, dù trải qua bao biến động của chiến tranh vẫn luôn sống kiêu hãnh như một con chim phượng hoàng.
Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở – Françoise Sagan
Đó là buổi sáng mà Nicole được báo tin về ngày tận thế và chỉ còn duy nhất một giờ để sống. Cô sẽ làm gì, sẽ nghĩ về ai? Đó cũng là buổi sáng bình yên của Rémi Pelletier, khi vợ con đã đi nghỉ mát và anh đang tận hưởng khoảng thời gian tự do. Rémi đâu biết rằng việc nhờ cô hàng xóm Olga đơm hộ mấy chiếc cúc áo có thể mở ra những buổi sáng không còn bình yên nữa. 17 truyện ngắn là 17 bối cảnh không gian, thời gian, là những biến cố bẻ ngoặt cuộc đời các nhân vật theo những con đường không ai biết trước. Với giọng điệu phiền muộn pha lẫn hài hước, Françoise Sagan không chỉ gợi lên nỗi ám ảnh về cuộc đời, nơi quá khứ phản chiếu và tương lai dễ thay đổi, mà còn chạm tới những xúc cảm chân thật trong mỗi người đọc. Qua cuốn sách hay này, chúng ta tự hỏi mình sẽ làm gì khi chỉ còn một giờ để sống và quyết định nào sẽ không khiến ta hối tiếc?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyến tàu định mệnh – Georges Simenon
Tình yêu và chiến tranh là một chủ đề kinh điển, vì dường như trong chiến tranh, tình yêu có thể hé lộ hết chiều sâu của nó. Cuốn sách hay Chuyến tàu định mệnh đã đưa Georges Simenon trở thành tác gia nổi tiếng của chủ đề này. Với sự chân thực vốn dĩ gắn bó với cả cuộc đời viết văn đồ sộ của mình, Simenon đã tự nhiên chọn lấy một tông giọng đẹp và chuẩn xác để kể về câu chuyện của Marcel và Anna trên chuyến tàu hỏa huyền ảo, vào thời điểm chiến sự bắt đầu bùng nổ tại châu Âu, mùa Hè năm 1940. Không ít chi tiết thuộc tiểu sử của Simenon đã đi vào Chuyến tàu định mệnh, cũng theo cách thức tự nhiên giống như bản thân cuốn tiểu thuyết lớn có vẻ bên ngoài rất đỗi giản dị này.
Gái Pháp chính hiệu – Laurence Caracalla
Bạn có tưởng tượng nổi người phụ nữ luôn được gắn liền với tính từ “thanh lịch” như cô gái Pháp hóa ra lại rất hay nói tục và đôi khi cư xử hết sức xấc xược? Bạn có tin rằng biểu tượng kinh điển của thế giới thời trang hóa ra chỉ thích mặc đi mặc lại một vài món đồ cơ bản mà ai-ai-cũngcó và thường xuyên khước từ việc chạy theo xu hướng? Và bạn có biết rằng người phụ nữ nổi tiếng sành điệu nhường này… hoàn toàn còn có thể là một bà nội tướng đảm đang với tài nấu ăn thượng thừa, cùng khả năng chủ trì một bàn tiệc kiểu Pháp đạt mức xuất sắc. Cô gái Pháp trông tuyệt đẹp khi ngắm nhìn từ xa, nhưng nếu có dịp kéo ghế gần lại và trò chuyện trực tiếp, bạn sẽ còn phải ngạc nhiên gấp bội bởi phong cách sống tinh tế và nhân sinh quan hết sức thú vị của nàng.
Gam lam không thực – Thái Cường
Khởi đầu bằng đám cháy và vụ mất tích bí ẩn, cuốn sách hay Gam lam không thực có cấu trúc phản trinh thám, hai giọng kể song song, mang dáng dấp của một tiểu thuyết ly kỳ. Tiếp theo Những mảnh mắt nhìn, Thái Cường vẫn trung thành với lối viết gọn về dung lượng, độ nén cao, nhưng đã phần nào già dặn, ưu tư hơn. Trong một mạch truyện chen chúc cảnh và ý, dòng suy tưởng đan bện, người đọc buộc phải dừng lại nhiều lần để theo dõi, nhờ đó mà khởi sinh xúc cảm đa chiều về tình yêu, về lòng thù hận, về đời sống hôn nhân, và cả về những phận người trót bén duyên chữ nghĩa. Đề tài của tác phẩm không mới, là sự phản chiếu, tri nhận về những người trẻ, những kỳ vọng của thế hệ mình, về khoảng cách diệu vợi giữa yêu thương và oán hận. Mặc dù cày xới trên mảnh đất không lạ, nhưng cách dẫn dắt truyện hẳn ngược lại, rất cá tính, rất “hỗn độn” – một đặc thù của trào lưu hậu hiện đại.
—
Xem thêm:
[Review sách hay] Yêu một cô gái Việt – Hành trang tình yêu
[Giới thiệu sách hay] Sách hay tháng 3/2018
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE