[Giới thiệu sách hay] Thung lũng Đồng Vang: Hòa mình vào cuộc sống đầy chất thơ của những đứa trẻ vùng cao
Câu chuyện đẹp đẽ về những đứa trẻ ở Thung lũng Đồng Vang, nơi có dòng sông, núi đồi, ruộng bậc thang và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Kinh, người Tày. Tất cả được viết bằng giọng văn hài hước, chắc khỏe của tác giả Trung Sỹ, cùng với minh họa đặc sắc của họa sĩ Hồ Quốc Cường, đã tạo nên làn gió mới trong làng văn học thiếu nhi.
Theo lời tác giả Trung Sỹ, thung lũng Đồng Vang, xóm núi và các địa danh khác là do ông tự nghĩ ra, nhưng những câu chuyện trong sách được gợi cảm hứng từ chính những câu chuyện mà các em học trò kể cho ông nghe trong những lần đi công tác vùng cao.
Thung lũng Đồng Vang kể chuyện về những cô cậu học trò: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… vừa tinh quái, vừa lém lỉnh, với nhiều “phi vụ” lớn nhỏ, đầy hài hước. Chuyện những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như thầy Thức, cô Vi vốn là dân Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học. Đám học trò tuổi mới lớn và thầy cô giáo trẻ đã khiến cho lớp học ở ngôi trường phố núi đầy tiếng cười và sự thú vị.
Ở Thung lũng Đồng Vang còn có tình bạn đẹp đẽ, những giá trị văn hóa độc đáo, nơi có người Tày và người Kinh sống chung. Vùng yên bình này có ngôi trường cạnh bên dòng sông, có ruộng bậc thang, có núi đồi, thôn bản và thời tiết thay đổi theo từng mùa. Thung lũng Đồng Vang còn có những câu chuyện chưa được kể, hoặc kể dở dang như bức thư mà ông Kiền – người ông từng tham gia chiến trường K – viết cho Thụy và Thảo. Như chuyện những chuyến xe đường dài của bố mẹ Thụy – Thảo đi dọc dài đất nước. Người đọc sẽ bất ngờ với nhiều câu chuyện kỳ thú, như chuyện xóm rèn gõ búa ra mưa, chuyện đốt lửa dưới gốc trám để quả trám chín tự rụng xuống, những sinh hoạt thường ngày đầy khí chất miền cao, những buổi dã ngoại của lớp học, thầy trò Đồng Vang đã biến kiến thức thành những bài học thực tế thú vị, vui nhộn… được viết với ngôn ngữ đặc tả hình ảnh vô cùng đặc trưng, chi tiết.
Trung Sỹ là tác giả của Chuyện Lính Tây Nam từng gây tiếng vang, được xem là “tên tuổi ẩn dật” như những Bình Ca với Quân khu Nam Đồng, Vũ Công Chiến với Hồi ức lính, Đoàn Tuấn với Mùa chinh chiến ấy… đã làm nên những cơn sóng cho văn đàn về những tác phẩm hồi ức chiến tranh vừa thực tế, vừa thấm đẫm nhân văn. Quyển Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu của ông cũng lọt vào danh sách đề cử chính thức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020.
Xem thêm
• [Giới thiệu sách hay] Sức mạnh của sự trầm lắng: Những giá trị đáng trân trọng của người hướng nội
• [Giới thiệu sách hay] Công dân toàn cầu – Công dân Vũ trụ
• [Review sách hay] How we learn – Chúng ta nên nghĩ thế nào về việc học?
Truyện dài Thung lũng Đồng Vang được xem là một cú rẽ ngoặt của ông khi viết truyện cho thiếu nhi. Cuốn sách với chất văn, câu chữ trong sáng thật sự có ích cho các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Trong tác phẩm thấp thoáng những nhân vật người ông, người cha, người thầy… đóng vai trò là người dẫn dắt, che chở, khai mở tâm hồn cho con cháu qua những câu chuyện và hành động có ý nghĩa, như ông nội Kiền, người từng đi nghĩa vụ ở chiến trường Campuchia, là thầy Thức với những giờ học tự nhiên thú vị…
MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN TIÊU BIỂU
“Đi sâu vào mé bên trong, dưới những mái ngói âm dương trầm mặc đã lên rêu xanh lục là một không gian khác, rực rỡ như một sự tương phản. Ở đây hiện ra đủ cung bậc văn hóa cuộc sống vùng cao. Sinh động giàu màu sắc nhất là khu bán rau quả. Dậu hoa bí còn quận phấn vàng tươi trên tay người mới hái, rủ theo lũ ong mật vo ve chui ra chui vào. Mẹt ớt đỏ bóng loáng xếp cạnh những mớ rau dải yến mơn mởn lá xanh. Bày dọc thềm chợ là bó củ mài gầy guộc dài ngoẵng, lấm đầy đất đỏ. Bó củ rừng không bị gẫy, chứng tỏ người đi đào đã rất khổ công.
Gian hàng thực phẩm đủ loại sản vật địa phương. Cá bò, cá quất thân chấm hoa loang lổ vừa vợt từ hom đăng dưới sông lên, kêu kèn kẹt trong dạy chậu xăm xắp nước. Dăm ba lồng con dúi béo ú mới đào, khìn khịt đớp nan lồng dọa những người trêu chọc. Đùm trứng kiến trắng tươi được gói trong những chiếc lá vả rộng bản. Mùi vịt quay ngầy ngậy lẫn mùi thơm lá mắc mật. Hương hoa hồi, hương quế vỏ nồng nàn từ gian hàng lâm thổ sản khô ướp cay bầu không khí đang tiết Xuân phân“.
“Nhắng nhít bơi ra lội vào quanh chân người rửa ráy là đàn cá đòng đong cân cấn. Giống cá này có bộ vảy vàng nhạt, điểm những chấm lam và da cam trông khá đẹp. Ruột cá đòng đong rất đắng, khi kho khế bà phải bóp bụng bỏ ruột.
Cũng hay đến kiếm ăn trong vùng nước động là đàn cá mương xanh. Những buổi trưa vắng, đàn cá mương ngoi miệng ăn nổi, quần thảo thành một vòng trong rộng cỡ vài chiếc chiếu đôi. Lắm lúc đàn cá mương hoảng sợ tung mình vọt lên không trung rào rào. Mặt nước cồn lên những vòng sóng ngầm. Ấy là con cá măng khổng lồ đang đi săn mồi, cá lớn nuốt cá bé.
Những hôm mưa to, nước nguồn ngầu đục trôi về, Thụy thường hay câu được cá trôi ta. Thân con cá hình thoi thon dài, vảy trắng toát, pha ánh vàng ở gốc vây và chót đuôi. Giống cá trôi đầy một bụng ruột nên mới có câu thành ngữ “lôi thôi như cá trôi xổ ruột”. Ông nội bảo “đầu trôi môi mè” chính là con cá trôi ta này. Đầu nó kho ăn mềm, béo…”.
Thung lũng Đồng Vang
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE