[Giới thiệu sách hay] Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành – Giữa những miền hư thực
Thông qua 10 truyện ngắn xoay quanh hồi ức của các nhân vật từng sinh sống tại một khu chợ ở Đài Bắc vào những năm 1970, nhà văn Ngô Minh Ích đã họa nên bức tranh sống động về ký ức tuổi thơ và những ảnh hưởng đặc biệt của nó đối với con người.
Ở đó nhưng không ở đó
Là nhà văn Đài Loan đầu tiên được đề cử giải Man Booker Quốc tế danh giá với tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp, Ngô Minh Ích là tên tuổi lớn của nền văn chương châu Á đương đại và thường được so sánh với Haruki Murakami. Sự tương đồng này được thể hiện rõ nét nhất trong Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của những đứa trẻ giờ đã trưởng thành, có dịp nhìn lại thời thơ ấu muôn vàn sắc thái, từ lông bông muốn khám phá thế giới rộng lớn, tò mò với trò ảo thuật trên cầu bộ hành đến chứng kiến tình yêu của hai người lớn bị ngáng trở hay lọt vào lưới tình với thiếu nữ lớn tuổi hơn mình…
Trong 10 câu chuyện của tuyển tập này, Tầng 99 có thể nói là truyện ngắn đặc sắc và hấp dẫn nhất, xoay quanh cậu bé Mark, vì gia đình không mấy ấm êm mà một ngày nọ đã bỏ nhà đi. Mọi người đã tìm khắp nơi nhưng không thấy, cậu như tan vào không khí và không để lại một dấu vết nào. Vào ngày trở về, qua cuộc nói chuyện với người bạn thân, ta biết cậu đã đến với một thế giới khác – nơi chốn mang tên “không có bất hạnh”. Đó là tầng 99 của tòa nhà mà cậu đang sống – vốn chỉ có 5 tầng, và chiếc thang máy được vẽ bằng phấn trong buồng vệ sinh chính là cánh cửa dẫn đến không gian ấy.
Thì ra, Mark vẫn luôn ở đó, chỉ là biến mất trong tâm trí mình và tâm trí người khác. Tình huống này làm ta nhớ đến truyện ngắn Tại nơi mà dường như tôi có thể tìm ra thứ ấy ở bất cứ đâu của Haruki Murakami trong tập Những chuyện lạ ở Tokyo, khi một người đàn ông cũng bỗng biến mất trong cầu thang bộ ở tầng mà mình sinh sống. Cả hai nhân vật đều muốn thoát ly vào một nơi chốn mà tâm trí họ đang tưởng tượng ra. Họ muốn quay lưng lại với hiện thực và bằng ý chí mà họ ở “đó” – lãnh địa nương náu của tinh thần. Hai câu chuyện này dường như có liên hệ với một cặp phạm trù mà ngành triết học luôn cố tìm ra lời giải, rằng vật chất và ý thức, cái nào quyết định cái nào? Liệu khi ý thức muốn ở nơi khác thì các vật chất hay thân xác phàm có còn giữ nguyên?
Những cuộc thoát ly
Những cuộc trốn chạy hay biến mất này cũng là trọng tâm của toàn cuốn sách Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Các nhân vật của Ngô Minh Ích đều là người trưởng thành. Họ muốn chạy trốn hiện thực bằng chính vùng đất ký ức, vùng đất của sự hồn nhiên, vô lo vô nghĩ thuở thiếu thời, như Franz Kafka từng nói: “Ai giữ được khả năng nhìn thấy cái đẹp sẽ không bao giờ già nua”. Bằng màu sắc hiện thực huyền ảo độc đáo, Ngô Minh Ích đã chứng minh rằng đây là điều hoàn toàn có thể, khi chính ở tuổi mà sự ố tạp của nơi phàm trần vẫn chưa chạm đến, những đứa trẻ ấy đã đến được nơi mà bản thân mong muốn. Đó là khi người kể chuyện nhìn thấy một con ngựa vằn trong nhà vệ sinh, là sư tử đá bỗng dưng sống lại cũng như 2 nửa chú chim là cái xác khô nhưng khi ghép lại thì bỗng cựa quậy… dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Hình ảnh nhà ảo thuật xuất hiện xuyên suốt tập sách không chỉ giữ vai trò kết nối 10 câu chuyện, mà thông qua những trò ảo thuật đưa hiện thực chuyển sang phi thực, đây cũng chính là biểu tượng của sự thoát ly. Như nhân vật này nói: “Trên đời có những chuyện vĩnh viễn không một ai hay. Sự việc mắt người trông thấy không phải là duy nhất đâu” hay cực đoan hơn, ở một phân đoạn, y đã móc mắt vào trao cho người kể chuyện nhãn cầu của mình vì không cần đến. Qua đó, ta hiểu rằng, niềm tin quan trọng hơn là thứ ta nhìn thấy, và trẻ thơ luôn rõ nhất điều ấy, khi chúng chưa bao giờ ngừng tin vào phép màu, rằng cuộc đời này sẽ có lúc đẹp hơn.
Nhà ảo thuật trên cây cầu bộ hành
Bài: Ngô Minh
Hình ảnh: Tư liệu