Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Sách hay] Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa

Bị biến thành nạn nhân hoặc trở thành một nạn nhân là hai phạm trù không giống nhau. “Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” là một cuốn sách hữu ích không chỉ cho các độc giả muốn tìm hiểu về một trong những cuộc diệt chủng tàn bạo nhất lịch sử, mà còn cho bất kỳ ai muốn tìm cách chữa lành thương tổn và tìm lại sự tự do cho tâm hồn.

Trong cuốn sách Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành), tác giả, Tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng thế giới Edith Eger không chỉ kể lại cho độc giả trải nghiệm kinh hoàng cũng như nỗ lực kiên cường của chị em bà để có thể sống sót qua thảm họa diệt chủng kinh hoàng của phát xít Đức; mà còn tái hiện hành trình cũng như các phương pháp bà đã sử dụng để chữa lành tổn thương cho chính bản thân cũng như rất nhiều bệnh nhân khác – những người đang phải đấu tranh với chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương), biếng ăn, ung thư, nghiện ngập, gặp các rắc rối liên quan hôn nhân, phân biệt chủng tộc…

Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa

Ở độ tuổi trăng tròn, cô gái trẻ người Do Thái Edith Eger – cùng gia đình sinh sống tại Kosice (thuộc Slovakia hiện đại), dưới sự cai trị của Hungary vào năm 1938 – đã cảm nhận khá rõ xu hướng bài Do Thái ở đất nước mình. Cha cô bị buộc phải tới một trại lao động trong tám tháng liền. Bản thân Edith là người múa ba lê, vận động viên thể dục xuất sắc nhất trong đội thiếu niên được đào tạo để dự thi Thế vận hội. Tuy nhiên, Edith đã bị tước quyền tham dự bởi cô là người Do Thái.

Năm 1944, ở tuổi 16, khi đang ngập tràn trong hạnh phúc của mối tình đầu, Edith cùng cha mẹ, người chị gái cả và hầu hết các gia đình Do Thái ở Kosice bị ép buộc di chuyển đến trại tập trung tử thần Auschwitz. Đến trại tập trung, cha của họ cũng như tất cả những người đàn ông Do Thái khác đều bị tách khỏi gia đình, và họ đều lạc quan nghĩ rằng: chắc họ được đưa đi lao động ở đâu đó, rồi sẽ tới lúc gặp lại gia đình thôi; mà không hề hay biết cái chết đang chờ đợi họ.

Những người phụ nữ được phân loại thành hai hàng: những người trẻ tuổi đứng một hàng, những người có tuổi và phụ nữ có con nhỏ đứng một hàng. Không ai biết sự phân loại này có ý nghĩa như thế nào. Edith đối mặt với “Thiên thần chết chóc”, Tiến sĩ Josef Mengele, khi ông ta chỉ vào mẹ bà và hỏi: “Đây là mẹ cháu hay chị gái cháu?”. Bà phân vân rồi trả lời đó là mẹ mình. Và mẹ của bà được phân vào hàng những người có tuổi.

Những lò thiêu xác tỏa khói nghi ngút ngày đêm và tin tức được rỉ tai từ những người giam cầm cuối cùng đã tiết lộ mẹ Edith bị xếp vào hàng những người phụ nữ bị cho hít khí độc và thiêu xác ngay khi vừa đặt chân đến Auschwitz. Lời nói vô tình đẩy mẹ vào cái chết, nỗi cùng cực khi phải chịu đựng sự tra tấn của phát xít trong hơn một năm sau đó, đã tạo nên tổn thương sâu đậm trong tâm trí của cô gái trẻ.

Nằm trong 10% người Do Thái được cứu sống từ các trại tử thần, dù đã lựa chọn nhìn về phía trước, kết hôn với một doanh nhân giàu có người Do Thái, rồi từ bỏ đất nước để sang Mỹ định cư (dù quá trình này mới đầu cũng đầy gian khó)… nhưng Edith vẫn luôn cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí tê liệt khi nghe bất kỳ ai hay gặp bất cứ hiện tượng gì gợi nhớ đến phát xít Đức, trại tử thần Auschwitz. 

Năm 1966, Edith 32 tuổi, có ba con và quyết định quay trở lại con đường học vấn. Khi được biết bà là người sống sót từ thảm họa diệt chủng của Phát xít Đức, một người bạn học đã tặng bà cuốn sách Đi tìm lẽ sống của Victor Frankl, một bác sĩ tâm thần lớn tuổi người Áo, cũng từng là tù nhân trong các trại Auschwitz và Dachau. 

Cuốn sách cũng như tình bạn, tình đồng nghiệp với Frankl như ánh sáng soi đường để Edith Eger đào sâu học hỏi, phát triển liệu pháp chữa trị tổn thương của riêng mình, để chữa lành thương tổn cho bao người cũng như chính cá nhân bà.

Edith lần lượt nhận bằng cử nhân rồi thạc sĩ tâm lý học tại Đại học Texas ở El Paso. Đến năm 1978, bà có bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng. Ngoài việc giữ mối quan hệ thân thiết với Victor Frankl, bà đã nghiên cứu một số tên tuổi lớn trong tâm lý học cùng phương pháp trị liêu của họ như Carl Rogers, Albert Ellis và Martin Seligman.

sach hay su lua chon.jpg

Sự Lựa Chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hi vọng nở hoa

Edith đã phát triển phương pháp trị liệu của riêng mình được bà gọi là Liệu pháp Lựa chọn. Bà viết: “Hành trình tìm kiếm tự do và nhiều năm làm việc trên cương vị của một bác sĩ tâm lý đã dạy tôi hiểu rằng, đau khổ là mẫu số chung của nhân loại. Nhưng một người bất kỳ nào đó có trở thành nạn nhân hay không lại là một sự lựa chọn. Bị biến thành nạn nhân hoặc trở thành một nạn nhân là hai phạm trù không giống nhau. Một người có thể bị biến thành nạn nhân bởi những yếu tố bên ngoài. Ngược lại, trở thành một nạn nhân lại đến từ những yếu tố bên trong. Không ai có thể biến bạn trở thành nạn nhân ngoại trừ chính bạn. Chúng ta trở thành một nạn nhân không bởi những gì xảy ra với chúng ta, mà là khi ta lựa chọn mãi bám chấp vào những đau khổ ấy. Khi chọn lấy nhà tù ngột ngạt của tâm lý nạn nhân, ta sẽ trở thành tên cai ngục của chính mình… Tự do nằm trong việc học cách đón nhận những gì đã xảy ra, gom đủ dũng khí để phá bỏ nhà tù, dù chỉ là từng viên gạch một”.  

Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa là một cuốn sách hữu ích không chỉ cho các độc giả muốn tìm kiếm thông tin về một trong những cuộc diệt chủng tàn bạo nhất của lịch sử nhân loại, sự kiên cường của những con người sống sót từ đó; mà còn hữu ích cho bất kỳ ai muốn tìm cách chữa lành các thương tổn, tìm được sự tự do cho tâm hồn.

Cuốn sách được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm từ khi bà 80 tuổi. Ra mắt lần đầu năm 2017, cuốn sách đã nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhận được nhiều đánh giá cao từ các tờ báo lớn và nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Oprah Winfrey, Tổng giám mục đạt giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu. Cuốn sách cũng được trao Giải thưởng sách Quốc gia Do Thái và Giải thưởng Christopher.

Nhận xét về Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa, báo New York Times viết: “Khó có thể tìm thấy thông điệp dành cho thời hiện đại nào quan trọng hơn cuốn sách này. “Sự lựa chọn là khúc khải hoàn, và là cuốn sách cần phải đọc cho bất kỳ ai quan tâm đến sự tự do của tâm hồn và tương lai của nhân loại”.

Trong khi đó, Desmond Tutu, Tổng giám mục người Nam Phi đạt giải Nobel Hòa bình viết: “Sự lựa chọn là một trong những câu chuyện hiếm hoi, với sức sống bất diệt mà bạn không muốn khép lại, sẽ thay đổi con người bạn mãi mãi”.

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)