MỘT THÀNH PHỐ VỪA HÀO NHOÁNG VỪA CHẬT VẬT
Điện ảnh Việt đã không ít lần khắc họa Sài Gòn như một thành phố của những nghịch lý, vừa là “miền đất hứa” cho những kẻ mộng mơ, vừa là thử thách nghiệt ngã đối với những người kém may mắn. Ròm (2020) – bộ phim giành được giải thưởng tại rất nhiều liên hoan phim quốc tế – đã vẽ nên một Sài Gòn đầy bụi bặm, ngột ngạt, nơi những con hẻm chật chội và khu chung cư cũ kỹ trở thành thế giới của những kẻ bên lề xã hội. Ở đó, cậu bé Ròm – một người chạy đề, len lỏi qua những bức tường loang lổ, những cầu thang xuống cấp, những khu chợ lao động đầy tiếng cười cợt lẫn giành giật, để mưu sinh, để tồn tại. Thành phố hiện lên như một đấu trường, nơi kẻ mạnh thì sống, kẻ yếu thì chật vật. Nhưng chính giữa sự khắc nghiệt ấy, Sài Gòn vẫn còn chút ấm áp – một cái bắt tay, một sự giúp đỡ lặng lẽ, một tia hy vọng le lói giữa những con số vô nghĩa.

Nếu Ròm khắc họa một Sài Gòn gai góc, nơi con người ở đáy xã hội phải vật lộn để sinh tồn, thì trong thế giới điện ảnh của Trấn Thành, thành phố này lại hiện lên với một diện mạo khác – vẫn là những con hẻm chật chội, những mảnh đời lao động, nhưng được kể bằng một góc nhìn gần gũi, giàu cảm xúc hơn. Trong các tác phẩm của anh, thành phố là một nhân vật sống động, ghi dấu những câu chuyện đầy cảm xúc về gia đình, tình yêu và thân phận con người. Trong khi Bố già tái hiện một Sài Gòn đầy hương vị cuộc sống với những con hẻm nhỏ vừa là chỗ ở vừa là nơi người ta san sẻ vui buồn, với hình ảnh người cha tần tảo trong khu lao động nghèo; thì Nhà bà Nữ lại là câu chuyện về sự xung đột giữa mẹ và con trong một gia đình bán buôn giữa thành phố nhộn nhịp, nơi con người chạy theo guồng quay kiếm sống và đối mặt với những mâu thuẫn, khoảng cách thế hệ. Những khu chợ, quán ăn, ngõ ngách thân quen trong phim vừa tạo cảm giác gần gũi, vừa là biểu tượng cho những cuộc đấu tranh cá nhân trong mỗi nhân vật. Là người lớn lên ở thành phố này, Trấn Thành rất thành công trong việc khắc họa Sài Gòn dưới những góc nhìn khác nhau – một đô thị đầy mâu thuẫn, nơi phồn hoa và nghèo khó cùng tồn tại, nơi giấc mơ và bi kịch luôn song hành.

NHỮNG THƯỚC PHIM VỀ TÌNH YÊU VÀ HOÀI BÃO
Và rồi, đến Mai (2024), Sài Gòn lại khoác lên mình một dáng vẻ khác – thành phố của những cuộc gặp gỡ định mệnh, của những mối tình chênh vênh giữa guồng quay hiện đại. Mai kể về mối tình giữa Mai, một bà mẹ đơn thân mạnh mẽ, và Trùng Dương, một cậu ấm sinh ra trong nhung lụa. Tác phẩm chạm đến trái tim khán giả bởi cách kể chuyện rất đời, yếu tố bi – hài được cân bằng khéo léo, tạo nên những khoảnh khắc vừa thổn thức, vừa nhẹ nhõm. Những con đường về khuya, những quán cà phê ấm áp ánh đèn, những góc phố trầm lặng – tất cả trở thành không gian cho những cảm xúc lặng lẽ mà mãnh liệt, những yêu thương đẹp đẽ mà xót xa.
Tương tự Mai, Sài Gòn Trong Cơn Mưa cũng phác họa một thành phố lặng lẽ, nơi những tâm hồn trẻ tuổi trôi dạt trong dòng đời mà chưa tìm được bến đỗ. Cả hai bộ phim đều khai thác sự chông chênh của con người giữa lòng đô thị, nhưng nếu “Mai” cân bằng giữa bi và hài, giữa xót xa và hy vọng, thì Sài Gòn Trong Cơn Mưa lại khoác lên một màu lãng đãng, đượm buồn. Bộ phim không phô bày một đô thị hoa lệ, mà đi sâu vào những góc nhỏ bình dị, nơi những người trẻ đang vật lộn với giấc mơ và thực tế. Sài Gòn lúc này là những căn phòng trọ chật hẹp, những quán cà phê nhỏ với đèn vàng ấm áp, những con hẻm dài nơi tình yêu chớm nở giữa tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn. Đó là một Sài Gòn của những người trẻ ngoại tỉnh ôm mộng lớn, vừa háo hức trước cơ hội, vừa sợ hãi trước những thất bại có thể ập đến. Đó cũng là thành phố của âm nhạc đường phố, của những buổi diễn ngẫu hứng, của những giấc mơ nghệ sĩ mong manh trước cơn bão cơm áo gạo tiền.
Và giống như Mai, Sài Gòn cũng là nơi của những mối tình đẹp nhưng không phải lúc nào cũng trọn vẹn. Như tình yêu giữa Vũ – chàng nhạc sĩ tỉnh lẻ với ước mơ lập nghiệp và Miên – cô gái mạnh mẽ nhưng cũng đầy hoang mang trước những lựa chọn cuộc đời. Họ gặp nhau trong một đêm mưa, yêu nhau qua những ngày giông gió, rồi lại rời xa khi cuộc sống đặt ra những ngã rẽ không thể né tránh. Thành phố trong phim không quá rộng lớn, nhưng đủ để con người ta lạc nhau, không quá khắc nghiệt, nhưng đủ để thử thách những giấc mơ. Và cũng không quá phồn hoa, nhưng đủ để khiến người ta nhớ mãi, nhất là khi mưa rơi.
BÀI LIÊN QUAN
MỘT ĐÔ THỊ MANG HƠI THỞ NGHỆ THUẬT VÀ HOÀI NIỆM
Trên màn ảnh, Sài Gòn không chỉ xuất hiện với những con đường tấp nập hay những tòa cao ốc rực rỡ ánh đèn, mà còn được khắc họa như một không gian nghệ thuật, nơi những giá trị văn hóa, thời trang, cải lương hay những nét đẹp xưa cũ vẫn len lỏi trong đời sống hôm nay. Sài Gòn trong Cô Ba Sài Gòn (2017) là một biểu tượng của sự thanh lịch, kiêu sa.
Bộ phim vẽ nên một bức tranh rực rỡ của Sài Gòn những năm 1960, một thành phố vừa mang vẻ cổ điển của Đông Dương, vừa phảng phất hơi thở hiện đại của phương Tây. Đó là những con phố nhộn nhịp với bảng hiệu đèn neon sáng rực, là những hiệu may sang trọng nơi tà áo dài trở thành biểu tượng của nét đẹp truyền thống, là những quý cô diện áo dài cách tân, tóc búi cao, tay đeo găng ren với phong thái kiêu kỳ.
Không dừng lại ở một bức tranh hoài cổ, Cô Ba Sài Gòn còn là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Khi Như Ý – cô tiểu thư nhà may Thanh Nữ, từ Sài Gòn thập niên 60 bị cuốn vào vòng xoáy thời gian đến Sài Gòn hiện đại, sự tương phản giữa hai thời kỳ hiện lên rõ nét. Một bên là sự tinh tế của tà áo dài truyền thống, một bên là nhịp sống hối hả của ngành công nghiệp thời trang. Một bên là những giá trị gia đình bền vững, một bên là chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Giữa những tòa nhà cao tầng, những khu trung tâm thương mại lấp lánh ánh đèn, Sài Gòn hiện đại đôi lúc xa lạ đến mức khiến những giá trị cũ dường như lạc lõng.
Tuy nhiên, phim không đặt hai thời kỳ vào thế đối lập, mà thay vào đó, cho thấy sự kế thừa và phát triển. Sài Gòn xưa là nền tảng cho Sài Gòn nay – vẻ đẹp truyền thống không hề mất đi mà chỉ cần được nhìn nhận lại và tỏa sáng theo cách riêng của nó. Tà áo dài, cũng như chính Sài Gòn, là một ký ức đẹp và một dòng chảy văn hóa không ngừng vận động.
Dòng chảy văn hóa đó cũng có thể tìm thấy trong Song lang (2018) – bộ phim ra đời nhân kỷ niệm 100 năm cải lương, đưa khán giả lạc vào rạp Hào Huê, Hưng Đạo, Thủ Đô, Kim Châu của thập niên 1980. Bộ phim kể về mối quan hệ đầy ẩn ý giữa Linh Phụng, anh kép hát cải lương tài hoa, và Dũng thiên lôi, một tay đòi nợ giang hồ. Trái ngược nhau về số phận và xuất thân nhưng cả hai lại có những điểm giao thoa trong tâm hồn, để rồi mối quan hệ của họ vừa chạm đến ranh giới của tình bạn, vừa lẩn khuất sự rung động mơ hồ.
Những thước phim giống như những dòng ký ức sống động, để người xem nhận ra rằng dù Sài Gòn có đổi thay, có khoác lên mình những lớp áo mới hiện đại hơn, thì đâu đó trong lòng thành phố này, những giá trị cũ vẫn âm thầm chảy. Không phải để níu giữ một quá khứ vàng son, mà để nhắc rằng truyền thống không hẳn là thứ phải gác lại phía sau, mà là nền tảng để thành phố này tiếp tục tiến về phía trước.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thùy Vân
Ảnh: Tư liệu