Chi phí thấp, lợi nhuận cao
Gần như chìm đắm hoàn toàn trong “biển” khen ngợi và nhận xét tích cực, trong tuần đầu tiên, Shazam! nhanh chóng mang về doanh thu vượt quá mong đợi của nhà sản xuất – họ dự đoán chỉ vào khoảng 40 – 45 triệu đô la. Trước đó, bộ phim đã kiếm được 3 triệu đô la trong các buổi chiếu sớm, nâng tổng doanh thu nội địa tuần đầu của phim lên đến 56 triệu đô la. Ở nước ngoài, Shazam! thống trị phòng vé nhiều quốc gia với doanh thu 102 triệu đô la. Như vậy, trong tuần công chiếu đầu tiên của mình, Shazam! đã thu về hơn 158 triệu đô la trên toàn cầu.
Phim được khán giả xếp hạng “A” trên trang đánh giá CinemaScore, trong đó 57% khán giả xem phim trong tuần mở màn là nam giới, 45% khán giả nhỏ hơn 25 tuổi.
Dù doanh thu nội địa mở màn của Shazam! khá thấp trong các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện tranh truyền thống, chi phí sản xuất phim thấp hơn rất nhiều so với các bộ phim thuộc thể loại nặng nề kỹ xảo và hiệu ứng đặc biệt. Điều này có nghĩa Shazam! không cần phải đạt đến đỉnh cao doanh thu phòng vé như Aquaman hay Wonder Woman mới bắt đầu thu được lợi nhuận.
Hãng Warner Bros. và công ty New Line Cinema chỉ cần bỏ ra 98 triệu đô la để sản xuất Shazam!, chứng tỏ các hãng phim vẫn có thể làm nên các bộ phim siêu anh hùng “ngon nghẻ” mà không phải rơi vào tình trạng khánh kiệt tài chính. Những phim trước trong Vũ trụ DC như Justice League hay Batman v Superman: Dawn of Justice “ngốn” hết hơn 300 triệu đô la phí sản xuất, chưa kể chi phí tiếp thị và phân phối phim.
BÀI LIÊN QUAN
Giới thiệu phim chiếu rạp tháng 4/2019
Niềm vui được lớn của siêu anh hùng trẻ con
Shazam! được giới phê bình và người hâm mộ đánh giá cao nhờ những tình tiết nhẹ nhàng, giải trí, khác xa mô típ kịch bản tận thế quen thuộc của nhiều phim anh hùng chuyển thể. Jeff Goldstein – Giám đốc phân phối nội địa của Warner Bros. – cho biết “thành quả xúc động” tuần này của Shazam! có được là do nội dung phim không quá nghiêm túc. Shazam! mang sắc thái nhẹ nhàng, dễ chịu hơn hẳn các phim truyện tranh ra rạp khác.
Dù Shazam! cũng diễn ra trong Vũ trụ DC, biên kịch Henry Gayden và đạo diễn David F. Sandberg quyết tâm đảo lộn tất cả những ấn tượng đã có của khán giả về thế giới này. Quả thật, cũng khó khiến câu chuyện về cậu bé có thể hóa thân thành một siêu anh hùng trưởng thành bằng cách hô thần chú “Shazam!” trở thành loại kịch bản DC dữ dội, nghiệt ngã điển hình.
Dĩ nhiên, không phải siêu anh hùng nào cũng phù hợp để thể hiện niềm hân hoan, vui sướng khi sở hữu năng lực phi thường như anh hùng nhí Shazam!. Diễn tiến bộ phim xoay quanh ước mơ tuổi thơ bất ngờ thành sự thật của cậu bé Billy Batson (Asher Angel thủ vai). Phút trước, Billy chỉ là một cậu bé bình thường với quá khứ không mấy tươi sáng. Phút sau, cậu biến thành một siêu anh hùng (Zachary Levi thủ vai) mặc áo choàng, cơ bắp cuồn cuộn, có thể bay và bắn điện từ ngón tay. Billy không thể tả nổi niềm vui trước năng lực thần kỳ mới của mình, nhưng cũng phát hoảng khi nhận ra chúng thật khó kiểm soát. Dù trong cơ thể nào, Billy vẫn chỉ là một đứa trẻ con.
Shazam từng là… Captain Marvel
Cậu bé Billy Batson xuất hiện lần đầu trên tạp chí truyện tranh Whiz Comics vào cuối năm 1939, dưới ngòi bút của họa sĩ C.C. Beck và nhà văn Bill Parker, là một phần trong “cơn lốc” truyện tranh anh hùng lấy cảm hứng từ thành công của Superman. Trong truyện gốc, chỉ cần nói từ “Shazam”, Billy sẽ hóa thành siêu anh hùng với cái tên “Captain Marvel”. “Shazam” thực chất là từ viết tắt của “Samson, Hercules, Atlas, Zeus và Mercury”.
Loạt truyện Captain Marvel hướng đến những độc giả trẻ, doanh số nhanh chóng “vượt mặt” cả Superman trong những năm 1940. Nhưng đến cuối thập kỷ này, sự quan tâm của công chúng dành cho siêu anh hùng giảm, cùng vụ kiện vi phạm bản quyền với công ty tiền thân của DC Comics khiến cuộc phiêu lưu của Captain Marvel tạm thời gián đoạn. Đến đầu thập niên 1970, cậu bé Billy Batson và thế giới của Captain Marvel chính thức gia nhập Vũ trụ DC. Từ đây, bộ truyện được đổi tên thành Shazam! để tránh nhầm lẫn với bộ Captain Marvel vừa ra mắt trước đó của Vũ trụ Marvel.
Trong bản điện ảnh mới của Gayden và Sandberg, cái tôi siêu anh hùng của Billy vẫn không có tên riêng, dù cậu và bạn mình Freddy Freeman (Jack Dylan Grazer thủ vai) rất nỗ lực cân nhắc các lựa chọn. Đến cùng, Shazam! vẫn chỉ là câu chuyện của một đứa trẻ đang cố gắng tìm ra phiên bản anh hùng, và rộng hơn là phiên bản con người, mà mình muốn trở thành.
Thời bé, Billy chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ khi cần đến, và bộ phim cho thấy không có cách giải quyết nhanh chóng nào cho sang chấn tuổi thơ này, dù cuối cùng cậu có thể nhảy vọt lên trời chỉ với một cú nhún và được ở cạnh những người luôn sẵn sàng ủng hộ. Đó là ẩn ý trong các tình huống hài hước và cả bọn quái vật đáng sợ của Shazam!. Ước mơ biến thành sự thật cũng chỉ đến thế thôi, cũng không chữa lành được những tổn thương bên trong tâm hồn.
Dù Billy Batson có lẽ là siêu anh hùng đơn giản nhất từng được tạo ra, Shazam! biết cách biến đơn giản thành cuốn hút, thể hiện được sự phức tạp trong ước mơ trở thành người lớn của trẻ em và những rắc rối xảy ra khi con người sở hữu sức mạnh họ không có khả năng kiểm soát.
—
Xem thêm
Green Book – Bản nhạc Jazz đã cũ
Swing – Điệu nhảy của những đôi chân hạnh phúc
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Huffpost, The Verge